Mô hình kinh tế Triển Vọng Từ Nuôi Cá Nước Ngọt

Triển Vọng Từ Nuôi Cá Nước Ngọt

Ngày đăng 16/10/2014

Triển Vọng Từ Nuôi Cá Nước Ngọt

Những năm gần đây, cùng với việc tận dụng đất đai trồng màu phát triển kinh tế thì phong trào nuôi cá nước ngọt cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Cách làm này được Nhân dân xã Tân Ân thực hiện phổ biến trong những năm qua.

Nếu như năm 2009 tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 50% thì đến thời điểm cuối năm 2013, con số này chỉ còn lại khoảng 11,61% và tỷ lệ hộ cận nghèo gần 19%.

Hai năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tửng và bà Phạm Thị Suôl, ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển còn là hộ nghèo, nguyên nhân chủ yếu do ít đất sản xuất và thiếu vốn làm ăn. Dành dụm được ít vốn, vợ chồng ông đào ao nuôi cá nước ngọt. Với diện tích ao nuôi chưa đầy 500 m2, vợ chồng ông thu hoạch mỗi năm trên 30 triệu đồng. Ðây là một trong những bước đệm để gia đình ông Tửng vươn đến mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Bà Suôl cho biết: “Trước đây cuộc sống gia đình nghèo lắm, hai vợ chồng tôi phải làm mướn quanh năm nhưng không đủ ăn, nhờ chính quyền địa phương xã Tân Ân vận động gia đình nuôi cá cải thiện kinh tế nên tôi nuôi thử nghiệm… Bây giờ đời sống gia đình tôi dần ổn định và thoát được nghèo. Mong muốn của gia đình là được vay thêm vốn để mở rộng diện tích, vì nuôi cá nước ngọt dễ lấy vốn và thoát nghèo nhanh”.

Năm 2014 này, vợ chồng ông Tửng và bà Suôl tiếp tục thả nuôi trên 1.000 con cá tra và một số loài cá nước ngọt khác, đến nay đang trong giai đoạn thu hoạch, với nguồn thu hằng tháng từ 2-3 triệu đồng.

Việc nuôi cá nước ngọt đã và đang được Nhân dân ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào thiết thực trong nông dân ấp. Ông Hà Trung Tâm có diện tích 3 ao nuôi cá nước ngọt khoảng 1.000 m2, mỗi vụ ông thả nuôi trên 40 kg cá giống, sau 3 tháng nuôi thu lợi nhuận từ 7-10 triệu đồng. Việc làm này được ông Tâm thực hiện trên 2 năm nay.

Mỗi vụ nuôi cá nước ngọt khoảng 3-5 tháng là có thể thu hoạch được, đầu ra khá ổn định, mô hình này đang là sự kỳ vọng giải quyết cho hộ nông dân còn nhiều diện tích đất trống, hoang hoá để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi cá nước ngọt của bà con trên địa bàn ấp Dinh Hạn cũng gặp phải những rủi ro do tới mùa nước lên, khoảng tháng 10, tháng 11 nước tràn qua bờ bao làm nhiễm mặn ao nuôi, gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân.

Ông Tâm nhận định: “Nuôi cá nước ngọt dễ lấy vốn, thức ăn tận dụng các loại cá phân mua từ các chủ hàng đáy… nhưng do ở đây nước mặn quanh năm, bờ thường bị tràn, nếu không chủ động cung nước ngọt vô kịp thì cá bị sốc, chết. Mong muốn của tôi và nhiều hộ nuôi cá nước ngọt là Nhà nước cần nâng cấp con lộ cao lên, đừng cho nước mặn tràn vào. Ðược như vậy bà con mừng lắm vì có thể giữ nước ngọt nuôi cá, cải thiện đời sống”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Ân có hàng trăm hộ nuôi cá nước ngọt, hiệu quả mang lại hết sức thiết thực, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời còn đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, phong trào này chưa phát triển rộng khắp bởi còn nhiều nguyên nhân: hiện một số hộ còn gặp khó khăn do không có đất hoặc đất canh tác, bà con lại thiếu vốn. Mặt khác, chưa chủ động được nguồn nước và hạn chế kỹ thuật nuôi…

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ân, chia sẻ: “Xã tiếp tục vận động bà con trên địa bàn phát triển việc nuôi cá nước ngọt. Ðối với những hộ tham gia mà không có nguồn vốn thì địa phương sẽ liên hệ với ngân hàng xin hỗ trợ vốn. Riêng những hộ không đất canh tác, xã sẽ có quỹ đất giải quyết cho mượn để phát triển kinh tế gia đình”.


Hoài Nhơn (Bình Định) Nuôi Cá Đối Mục Trong Ao Nuôi Tôm Suy Thoái Cho Kết Quả Tốt Hoài Nhơn (Bình Định) Nuôi Cá Đối Mục… Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp…