Triệu Phú Từ Mô Hình Trồng Nhãn Tiêu Huế
Ông Nguyễn Văn Phích, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) vốn là cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhưng với quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã giúp anh xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi với chi phí gần 600 triệu đồng. Đây là thành quả từ hơn 7.000 m2 nhãn tiêu Huế anh trồng đã gần 10 năm.
Anh kể, năm 1992, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, anh Phích xây dựng gia đình với hơn 3 công đất được cha mẹ cho ra riêng. Do vùng đất xứ cù lao này chỉ canh tác được 1 vụ lúa bấp bênh nên đời sống gia đình anh Phích gặp nhiều khó khăn. Không đầu hàng số phận, anh quyết tâm cải tạo vùng ruộng trũng thành vườn cây ăn trái với mong ước cải thiện cuộc sống gia đình.
Ban đầu, anh đầu từ vào mảnh vườn của mình 200 gốc nhãn long, sau hơn 2 năm bắt đầu thu hoạch. Do canh tác theo phương pháp truyền thống nên cây nhãn cho năng suất không cao, giá cả không ổn định, nhiều vụ nhãn anh phải lao đao vì giá xuống thấp. Nhiều bà con xung quanh đã thay nhãn bằng loại cây trồng khác, nhưng anh Phích quyết bám cây nhãn bằng cách thay cây nhãn long bằng nhãn tiêu Huế. Học hỏi từ cơ quan khuyến nông, những nhà vườn có kinh nghiệm, anh đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật lấy ngắn nuôi dài với những nhánh ổi ruột đỏ. Mảnh vườn nhãn sát bờ sông Cửa Trung, anh thuê lao động đắp bờ bao tránh triều cường nước ngập.
Vận may đã đến với anh, sau nhiều vụ nhãn tiêu Huế liên tiếp được mùa trúng giá, anh Phích đã mua thêm 0,5 ha đất vườn tiếp tục mở rộng vườn nhãn với hơn 450 gốc. Anh cho biết, trồng nhãn khó khăn nhất là 2 năm đầu khi nhãn chưa cho trái. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch thì vừa có thu nhập lại vừa bớt công chăm sóc, mùa mưa thì khỏi tưới nước, mùa khô đóng bờ bao tránh nước mặn xâm nhiễm, đậy gốc giữ độ ẩm, cả tháng mới tưới 1 lần. Nhãn cho thu hoạch quanh năm, nhưng cứ 3 năm là thu hoạch 2 vụ nhãn chính. Anh cho nhãn ra trái vụ nghịch bán có giá - nhất là tháng 12 và tháng 2. Theo anh, trồng nhãn đạt năng suất cần có kỹ thuật và sự say mê, cần mẫn, nhất là phải chịu khó đi thăm, học hỏi các nhà vườn đi trước...
Chia sẻ bí quyết thành công trong việc trồng nhãn, anh Phích cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, anh tập trung cắt tỉa cành, tạo tán, bón phân. Mỗi gốc nhãn, anh sử dụng phân N-P-K (AT1) - loại chuyên dùng cho cây ăn trái và bón kèm phân hữu cơ với lượng 1kg/gốc. Khoảng 1,5 tháng khi cây nhãn ra đọt non hơi dày (lá lụa), anh bón tiếp AT2, tưới KCLO3, cắt cành, siết nước. Dừng một thời gian khoảng 15 ngày sau thì tiến hành tưới nước. Sau khi tưới nước khoảng 25 - 30 ngày cây nhãn bắt đầu ra hoa, mang trái non thì tiến hành bón AT3.
Anh Phích cũng lưu ý là khi cây nhãn ra hoa không nên sử dụng hóa chất để phun xịt. Bởi vì, giai đoạn này nếu dùng thuốc trừ sâu thì thiên địch, ong không đến thụ phấn dẫn đến tỷ lệ đậu trái thấp. Sự thay đổi thời tiết cũng khiến cho việc ra hoa, đậu trái của cây nhãn cũng gặp khó khăn. Anh nhớ lại, cơn bão vừa qua, nhiều vườn nhãn trong vùng đang cho trái sai oằn thì bị rụng hàng loạt, thất thu nhưng vườn nhà anh, nhãn vừa mới kết trái nên không bị ảnh hưởng. Vụ đó nhờ giá cao nên anh trúng đậm.
Vụ nhãn đầu năm, anh thu hoạch gần 9 tấn/0,5 ha. Nếu tính giá nhãn tiêu Huế thời điểm đó hơn 10.000 đồng/kg thì 7.200 m2 nhãn của anh cho thu hoạch hơn 12 tấn, trừ chi phí khoảng 25 triệu đồng, anh Phích lãi ròng gần 100 triệu đồng.
Cần cù, chịu khó, ham học hỏi là những đức tính đã giúp nông dân Nguyễn Văn Phích vươn lên khá giả. Là nông dân làm giàu từ 2 bàn tay trắng, anh Phích rất hiểu nỗi khó khăn của người nghèo. Do đó, anh là một mạnh thường quân, luôn đi đầu trong các cuộc vận động đóng góp ở địa phương cũng như sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các bà con có nhu cầu./.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ