Trồng Bắp Lấy Thân
Trong khi một số vùng trồng bắp lấy hạt bị thất mùa do ảnh hưởng thời tiết thì mô hình trồng bắp lấy thân để bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mở ra hướng làm ăn mới…
Nông dân hào hứng
Thời điểm này, nhiều hộ dân ở các xã Xuân Phú, Bảo Hòa, Suối Cát, Long Minh đang vào đợt thu hoạch cây bắp tươi. Chúng tôi chứng kiến trên tuyến đường lộ, những chuyến xe tải chất đầy cây bắp đang hối hả chạy về hướng nhà máy.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình trồng bắp lấy thân tiêu biểu, anh Lê Khôi, cán bộ Trạm Khuyến nông xã Xuân Phú phấn khởi nói: “Thực tế mô hình trồng bắp lấy thân vẫn khỏe hơn trồng bắp hạt nhiều, bà con nông dân chẳng phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng bắp hạt. Với mô hình này chỉ cần bà con xuống giống, chăm bón đủ phân thuốc giúp cây phát triển xanh tốt đến cuối vụ là ăn tiền…!”.
Theo anh Khôi, trước kia ở đây các hộ dân thường trồng lúa 2 vụ/năm, nhưng hiệu quả không cao, do đó thời gian gần đây đã chuyển thành 2 vụ bắp và 1 vụ lúa/năm. Nhất là mô hình trồng bắp lấy thân đang được nhân rộng vì rút ngắn được thời gian, chỉ khoảng 80 - 85 ngày cho thu hoạch, mỗi năm có thể canh tác nhiều vụ mà ít tốn chi phí đầu tư hơn.
Gia đình anh Khôi cũng trồng 2 ha bắp lấy thân và đang thu hoạch bán cho nhà máy. Anh cho biết, từ đầu vụ đến nay đã bán được gần 40 tấn thân bắp tươi, với giá 800 đ/kg, khoảng 1 tuần nữa sẽ thu hoạch dứt điểm. Với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/sào, dự kiến trong vụ này sẽ cho gia đình anh thu được khoảng 100 tấn.
“Tính ra, trồng bắp lấy thân lời hơn cả trồng bắp lấy hạt và lúa, đặc biệt với thời tiết, dịch hại như năm nay trồng lúa cũng “chết”. Nếu hộ nào chăm bón tốt sẽ thu lời 2 triệu đ/sào bắp lấy thân, trong khi lúa chỉ lời khoảng 300 - 500 ngàn đ/sào”, anh Khôi khẳng định.
Về đây, chúng tôi còn nghe bà con giới thiệu đến mô hình trồng bắp lấy thân của gia đình ông Nguyễn Thanh Hải, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú luôn được xem là “ngon” nhất trong xã. Gặp chúng tôi, ông Hải vui vẻ tâm sự: “Trồng bắp lấy thân, nếu được chăm sóc kỹ một chút bán rất được giá, thương lái đặt hàng thu mua tại ruộng trả tiền tươi, bà con đỡ tốn công thu hoạch khỏe re”.
Gia đình ông Hải trồng được 1.200 m2 giống bắp NK67 chuyên để lấy thân bán cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc. Trước kia ông trồng bắp lấy hạt, nhưng năng suất không cao, vài năm nay khi chuyển sang trồng bắp lấy thân đầu ra cũng ổn định, khỏe nhất là đỡ lo lắng bệnh hại và không phải tốn công thu hoạch như trồng bắp lấy hạt.
Năm ngoái gia đình ông Hải trồng 3 vụ bắp trên cùng diện tích này đã thu được khoảng 20 triệu đồng và được xem là mô hình mẫu, đẹp nhất trong toàn xã. Thực tế, nhìn ruộng bắp của gia đình ông Hải đúng là… hết chê. Đến nay đã sắp cho thu hoạch, cây nào cũng xanh tốt um tùm cao vượt quá đầu người, thân lá đều to.
Ông Hải cho biết, chỉ có mô hình bắp của gia đình ông được đánh giá là kiểu mẫu “ngon” nhất xã, lại tiện đường giao thông nên được thương lái rất khoái luôn đặt hàng thu mua với giá cao. Hiện ruộng bắp đã được 70 ngày, thương lái đã trả giá 900 đ/kg, hẹn khoảng 2 tuần nữa sẽ xuống thu hoạch.
Nhân rộng mô hình
Cho đến nay, gia đình ông Trần Trọng Châu ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú vẫn còn nhớ như in những vụ bắp trồng lấy hạt do ảnh hưởng thời tiết, hạn hán…bị thất thu. Do vậy, từ khi ở địa phương bắt đầu có phong trào trồng bắp lấy thân, gia đình ông cũng mạnh dạn chuyển hướng đầu tư vào mô hình này.
Ở Xuân Phú, ông Châu được xem là “vua bắp”, là một trong số nông dân tiên phong chuyển đổi mô hình trồng bắp lấy thân sớm nhất. Đồng thời, chịu đầu tư thâm canh nên mô hình bắp lấy thân của gia đình ông luôn đạt năng suất cao và cây phát triển đều tốt.
Theo chân anh Lê Khôi, cán bộ KN xã đến thăm mô hình trồng bắp lấy thân của gia đình ông Châu, chúng tôi tận mắt chứng kiến toàn diện tích bắp được đầu tư lắp đặt cả hệ thống tưới tiết kiệm rất bài bản.
Ông Châu phấn khởi khoe: “Với hơn 2 ha bắp này, gia đình tôi đã phải đầu tư tới 60 triệu đồng tiền lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Do vậy, hiệu quả năng suất tăng rõ rệt, cây bắp phát triển rất đều, tốt và không hề có biểu hiện sâu bệnh gì gây hại, đỡ được cả tiền phân thuốc phải phun xịt nhiều như trồng bắp lấy hạt”.
Cũng theo ông Châu, gia đình mới thu hoạch đợt đầu được khoảng 105 tấn thân cây bán với giá 900 đ/kg. Đến nay, đang chuẩn bị bán tiếp đợt bắp mới, chỉ cần tính đủ ngày “alô” cho thương lái xuống thu hoạch nhận tiền tươi tại ruộng là xong.
Đến nay, nhiều hộ dân xung quanh xã Xuân Phú cũng học tập kinh nghiệm của nhau, mạnh dạn đầu tư vốn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để thâm canh đạt năng suất bắp cao nhất. Theo nhiều nông dân, với giá cả và đầu ra ổn định như hiện nay, thì trong các vụ tiếp theo diện tích cây bắp lấy thân sẽ tiếp tục tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Đăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú cũng xác nhận, một ha lúa vụ hè thu có lãi từ 10 - 15 triệu đồng, nhưng đối với cây bắp lấy thân, nông dân có thể lãi từ 25 triệu đồng là chuyện bình thường. Theo tính toán, trồng cây bắp lấy trái thì phải đến 100 ngày sau mới cho thu hoạch, 1 năm chỉ trồng tối đa 3 vụ, cho thu nhập khoảng 90 triệu đ/ha/năm.
Trong khi đó, trồng bắp lấy thân chỉ khoảng 80 - 85 ngày đã cho thu hoạch, vụ hè thu đang cho thu khoảng 50 triệu đ/ha. Hơn nữa, mỗi năm có thể canh tác đến 3 - 4 vụ, chưa kể trồng cây bắp lấy thân ít tốn chi phí đầu tư hơn. Ngoài ra, trồng bắp lấy thân sẽ tránh được tình trạng thiếu nước vào cuối vụ đông xuân.
+ Theo Phòng NN-PTNT huyện Xuân Lộc, mô hình trồng bắp lấy thân chỉ khoảng 80 ngày đã thu hoạch, lời hơn trồng bắp lấy hạt. Tuy nhiên, xét về mặt nông học, mô hình trồng bắp lấy thân nếu mở rộng và trồng lâu dài sẽ không tốt cho môi trường đất vì quay vòng mùa vụ nhanh, thiếu dinh dưỡng chất hữu cơ khiến nghèo kiệt đất.
+ Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết: “Những năm trước đây, việc trồng bắp lấy thân để phục vụ nhà máy chế biến thức ăn gia súc mới chỉ manh mún khoảng vài ba ha. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhờ giá trị kinh tế cao cùng với đầu ra ổn định nên bà con nông dân mạnh dạn nhân rộng diện tích lên cả 100 ha.
Nhiều hộ chuyển sang bắp lấy thân cả 3 vụ/năm. UBND huyện đang chỉ đạo thống kê và cho nhân rộng mô hình, nhất là trên những diện tích lúa kém năng suất".
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ