Trồng Cam Sành Trên Đất Đồi
Không chịu cuộc sống nghèo khó, chàng trai 39 tuổi gốc “miệt vườn” Đồng Tháp lên vùng đất khó xã Sông Bình, huyện Bắc Bình lập nghiệp từ năm 2010. Đến nay anh đã gây dựng cho mình mô hình trồng cam sành 2.500 cây, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vượt qua những đồi cây tạp của vùng đất khó thôn Đá Trắng, xã Sông Bình, chúng tôi tìm đến vườn cam sành đang trĩu quả của gia đình nông dân Nguyễn Văn Cường (39 tuổi). Qua chuyện trò mới biết cơ duyên anh đến và gắn bó với vùng đất nơi đây.
Cách đây 4 năm, anh cùng một số người ở Đồng Tháp đến lập nghiệp. Nhận thấy đất phù hợp, lại có kênh nước 812 Châu Tá đi qua, rất thuận lợi cho việc phát triển cây ăn trái. Với số vốn hơn 100 triệu đồng, anh mua 3 ha đất đồi để cải tạo và trồng cây. Trên diện tích đất này, anh chia ra làm hai phần để trồng cam sành và một số cây ăn trái khác. Anh Cường cho biết: “Tuy đất đồi có nhiều đá nhưng rất màu mỡ, giữ được độ ẩm, thích hợp cho việc trồng cam sành. Vì thế quyết định trồng 2.500 cây, đến nay vườn cam sành đã cho trái mùa thứ hai”.
Trồng cam sành dễ chăm sóc hơn quýt đường hoặc xoài, từ công đoạn trồng đến chăm sóc, bón phân và xịt thuốc bảo vệ thực vật cũng như cắt cành tạo tán và làm trái. Hiện 2.500 cây cam sành phát triển xanh tốt, cho trái rất nhiều. Mấy ngày qua, anh thu hơn một nửa diện tích (gần 20 tấn), bán giá tại vườn 11.000 đồng/kg. Anh Cường nhẩm tính, từ đây đến cuối năm thu khoảng 40 tấn trái. Nếu thời tiết đến cuối mùa thuận lợi, giá cả ổn định, vườn cam sành sẽ mang đến cho gia đình nguồn thu kha khá.
Trồng cam sành tận dụng diện tích đất nhiều hơn quýt đường hay xoài, trung bình khoảng cách 2m trồng một cây và hàng cách hàng cũng 2m. Khi cây cam bước vào năm thứ 3, tức cây cho trái mùa đầu tiên, anh dùng cọc đóng hai đầu của mỗi hàng, kéo dây kẽm nhỏ hai bên để nâng đỡ cây không bị đổ gãy. Nhờ cách làm này, vườn cam sành được bảo đảm và cho trái tốt. Từ khi cây ra hoa kết trái đến lúc thu hoạch là 9 tháng, giai đoạn này cần bón đủ phân, tưới nước đúng kỹ thuật, giúp trái nhanh lớn và hạn chế được các dịch bệnh gây hại.
“Chăm sóc cam sành khó nhất là bệnh lở cổ rễ, rụng trái non. Nếu trị hai bệnh này thì cam phát triển tốt và cho trái nhiều. Sau mỗi đợt thu trái cần cắt bỏ những cành già bị sâu bệnh, những cành có nhiều trái mới thu xong, để dưỡng những cành còn lại khỏe hơn, tiếp tục cho trái mùa sau được hiệu quả”, anh Cường giải thích.
Chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã giúp anh Cường gây dựng cho mình mô hình kinh tế khá vững. Trên diện tích trồng cam sành này, mùa trái năm vừa rồi, anh thu hơn 40 tấn, bán được giá, thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Từ cách làm kinh tế của anh nông dân trẻ, người dân trong thôn Đá Trắng và Sông Bằng của xã Sông Bình cũng học hỏi và áp dụng làm theo. Hiện một số gia đình đã phát triển được khu vườn với nhiều loại cây ăn trái có giá trị, trong đó giống cam sành được quan tâm phát triển.
Cải tạo vùng đất đồi, lựa chọn cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao là hướng đi mới. Với hướng đi này, anh Cường và một số hộ dân nơi đây đã góp phần làm đa dạng hóa các giống cây trồng, nhất là cây ăn trái. Qua đó thúc đẩy kinh tế địa phương từng bước thay đổi.
Nguồn bài viết: http://www.baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?cat_id=510&news_id=71465#content
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ