Trồng Cam Thân Thiện Với Môi Trường
“Dự án trồng cam hữu cơ tại xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) nhằm giúp nông dân sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng” - ông Đỗ Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hội nông dân Tuyên Quang chia sẻ.
Dự án do T.Ư Hội NDVN triển khai. Tại xã Phù Lưu đã hình thành 5 nhóm trồng cam hữu cơ. Ông Kiên cho biết, tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ (FFS), các nhóm được huấn luyện về quản lý dinh dưỡng đất; nước; sâu bệnh; xây dựng mô hình về canh tác nông nghiệp hữu cơ trên cây cam... nông dân (ND) có sự so sánh về kỹ thuật, hiệu quả giữa mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sản xuất thông thường.
Giá cao, dễ bán
Tham gia dự án, các hộ đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác như sản xuất phân bón (phân ủ) tại chỗ; nuôi các côn trùng có ích và giữ gìn đa dạng sinh học; chỉ sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại; thiết kế khu vườn trồng bằng cắt tỉa, tạo tán; áp dụng hệ thống luân canh và trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày khác...
Áp dụng thành công phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ. Gia đình ông Đặng Văn Sĩ (thôn Lăng Đán) trồng 4ha cam hữu cơ.
Ông Đán cho biết: "Trước đây, năm nào gia đình tôi cũng mất một khoản chi phí khá lớn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cam. Sau khi học, tham gia dự án, tôi được biết các biện pháp canh tác mới, gia đình đã tận dụng những phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rác, cỏ dại... để ủ phân vi sinh bón cho cây nên chi phí giảm hẳn, không tốn chi phí mua phân bón hóa học nữa, giá bán cam cũng tăng lên. Nếu như trước kia 1kg cam bán tại vườn chỉ 6.000-7.000 đồng, nay bán được 8.000-10.000 đồng, mà rất dễ bán".
Thành quả của gia đình ông Sĩ cũng là kết quả thu được của các hộ trồng cam hữu cơ ở Phù Lưu.
Sẽ tiếp tục trồng cam hữu cơ
Ông Sĩ tâm sự: “Được chọn tham gia dự án trồng cam hữu cơ, tôi rất phấn khởi, bởi chi phí giảm, giá bán cam cao hơn so với trồng cam thông thường. Dự án tuy đã kết thúc nhưng tôi vẫn thực hiện mô hình này.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ). Mục tiêu: Đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những nông sản chất lượng, an toàn với người sử dụng; đồng thời nâng cao độ màu mỡ của đất.
Cũng được chọn tham gia dự án, ông Nông Thanh Tay (thôn Mường), cho biết: “Gia đình tôi trồng 1ha cam từ năm 2006. Tôi thấy trồng cam theo phương pháp hữu cơ có rất nhiều cái lợi, người trồng, người tiêu dùng đảm bảo sức khoẻ, cam mọng nước, vỏ sáng đẹp, tiết kiệm chi phí, giá thành cao. Giờ đây toàn bộ diện tích cam của tôi đều trồng theo phương pháp hữu cơ .
Ông Vũ Minh Đức -Trưởng ban Kinh tế-xã hội Hội ND tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Qua thực hiện dự án đã nâng cao nhận thức, kiến thức về nông nghiệp hữu cơ cho ND tham gia dự án nói riêng và ND trong tỉnh nói chung, giúp ND chuyển dần từ canh tác truyền thống sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hoá học sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thành lập các nhóm ND gắn kết sản xuất với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.
Ông Kiên cho biết thêm: Để tiếp tục nhân rộng diện tích canh tác theo phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cùng với tuyên truyền, Hội thành lập các nhóm ND; liên kết giữa ND với doanh nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ, duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Tuyên Quang.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ