Tin nông nghiệp Trồng chanh leo lãi gấp ba ngô

Trồng chanh leo lãi gấp ba ngô

Tác giả Thanh Hằng (Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình), ngày đăng 06/09/2019

Trồng chanh leo lãi gấp ba ngô

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã thành công khi chọn mô hình trồng cây chanh leo.

Cây chanh leo thích nghi khí hậu Mai Châu, Hòa Bình.

Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất đai thuận lợi và đặc biệt là đã liên kết với doanh nghiệp nên mô hình bước đầu đem lại kết quả khả quan, hứa hẹn nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Ông Bùi Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: "Thời gian qua, xã khuyến khích, vận động người dân tận dụng điều kiện tự nhiên, khí hậu vùng núi cao phát triển các loại cây đặc thù, đồng thời áp dụng KH-KT vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp người dân cải thiện thu nhập. Do đó, diện tích trồng các loại cây ôn đới ngày càng mở rộng, cho năng suất, hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Năm 2017, cây chanh leo được đưa vào trồng thí điểm tại xóm Bò Báu với diện tích 3,3 ha. 100% giống chanh leo Đài Nông 1 của xã được cung cấp từ Công ty cổ phần Nafood Tây Bắc và được công ty bao tiêu sản phẩm.

Những ngày đầu triển khai, ngoài sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng từ Công ty Nafoods Tây Bắc, người dân còn được hỗ trợ vốn vay mua phân bón, làm giàn từ đề án phát triển nông nghiệp của HĐND huyện Mai Châu. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn trồng chanh leo, tham quan thực tế tại tỉnh bạn nhằm đưa mô hình đạt kết quả cao nhất.

Đánh giá, sau 2 năm thực hiện mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, chanh leo phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, diện tích ngày càng được mở rộng.

Đến nay, diện tích trồng chanh leo toàn xã đạt khoảng 8,3ha với gần 40 hộ tham gia trồng. Theo tính toán, năm đầu trồng chanh leo phải đầu tư gần 200 triệu đồng/ha (làm giàn và cột chống...). Sau 4 - 5 tháng chanh bắt đầu cho thu hoạch và cho thu liên tục trong thời gian khoảng 2 - 3 năm mới phải trồng lại gốc mới.

Chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt.

Chanh leo là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nhưng quan trọng phải cung cấp đủ nước tưới thì cây mới sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó cũng cần tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh và đặc biệt phải thu hái bằng tay để đảm bảo giữ được mẫu mã sản phẩm.

Chanh leo ra quả quanh năm, do vậy năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Theo tính toán sơ bộ, một vụ ngô mỗi năm cho người dân thu nhập chưa đến 20 triệu đồng, thì khi trồng cây chanh leo, người dân đã có thu nhập 40- 50 triệu đồng. Như vậy có thể khẳng định mô hình trồng cây chanh leo là một hướng đi mới cho người dân địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Là hộ tham gia trồng 3.000m2 cây chanh leo, bà Hà Thị Nguyệt, xóm Bò Báu chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, nhưng qua nhiều năm, đất bị bạc màu nên chất lượng ngô giảm, năng suất thấp. Bên cạnh đó, do khí hậu lạnh, mùa đông thường xảy ra sương muối nên cả năm chỉ trồng được 1 vụ ngô nên hiệu quả kinh tế thấp, thu nhập bấp bênh.

Tham gia dự án trồng chanh leo của xã, nhận thấy cây trồng này chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhất là hiện tượng sương muối, ít sâu bệnh, cho hiệu quả, năng suất cao. Sau năm đầu tiên thu hoạch, số tiền gia đình thu về cao gấp 3 lần so với trồng ngô. Hiện tại, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh leo nhằm nâng cao sản lượng cây trồng”.

Có thể thấy, cây chanh leo đã thực sự là một trong những giống cây đem lại hiệu quả thiết thực, vừa tạo thu nhập cho người dân, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bà con yên tâm đầu ra cho sản phẩm đã được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua với giá được điều chỉnh theo giá thị trường, đặc biệt khi thị trường không tiêu thụ, doanh nghiệp sẽ thu mua với giá bảo hiểm 4.000 đồng/kg đối với tất cả các loại quả. Đây là tín hiệu đáng mừng, là hướng đi mới đang cần được nhân rộng tại địa phương.

"Với kết quả ban đầu thu được, cây chanh leo hứa hẹn sẽ là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Để nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Từ đó đưa sản phẩm chanh leo đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và đơn vị bao tiêu sản phẩm, từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu nông sản vùng cao, góp phần phát triển KT-XH địa phương”, ông Bùi Văn Hiểu.


Theo dõi, xử lý bệnh lùn sọc đen trên lúa Theo dõi, xử lý bệnh lùn sọc đen… Người xây dựng thương hiệu gà đồi Phú Khê Người xây dựng thương hiệu gà đồi Phú…