Mô hình kinh tế Trồng chanh tứ mùa thu ổn định hàng trăm triệu đồng

Trồng chanh tứ mùa thu ổn định hàng trăm triệu đồng

Tác giả Đào Thanh, ngày đăng 14/12/2020

Trồng chanh tứ mùa thu ổn định hàng trăm triệu đồng

Khi cây cam đang phải đối diện với bài toán tiêu thụ do diện tích trồng quá lớn, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang lựa chọn trồng chanh tứ mùa để phát triển kinh tế.

Từ trồng chanh, nhiều hộ nông dân ở Tuyên Quang thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Sở NN-PTNT Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh này có khoảng gần 1.000 ha chanh. Trong đó riêng huyện Hàm Yên lên đến 957,4 ha, chanh trồng trên đất lúa 249 ha; diện tích đang cho thu hoạch 554,2 ha, chiếm khoảng 57,8%; sản lượng chanh ước đạt khoảng 11.630 tấn/năm.

Giai đoạn 2015, cây chanh bắt đầu được nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đưa vào trồng. Khi ấy, giá quả chanh tươi lên cao kỷ lục, khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg, có thời điểm 30 nghìn đồng/kg. Và sau đó, đã có rất nhiều hộ giàu lên từ trồng chanh tứ mùa. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Bách, thôn Làng Soi, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm; hộ gia đình Hoàng Thị Huyền, thôn Khâu Lình, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên mỗi năm thu lãi hơn 500 triệu đồng… Tuy nhiên, phải đến năm 2018-2019 phong trào trồng chanh tứ mùa mới phát triển mạnh. Quả chanh tươi được thu gom chủ yếu qua thương lái để đi bán tại các chợ đầu mối của các tỉnh phía Bắc, sử dụng làm gia vị.

Phong trào trồng chanh tứ mùa phát triển mạnh ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên khoảng 5 năm trở lại đây. Do khá phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng tại địa phương nên cây chanh phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 2 năm tuổi chanh tứ mùa sẽ cho thu hoạch.

Gia đình chị Hoàng Thị Huyền, thôn Khâu Lình là hộ có diện tích trồng chanh lớn nhất ở Phù Lưu. Chị Huyền chia sẻ, chanh là loại quả gia vị, người giàu, người nghèo, khách sạn hay nhà hàng, nhà ăn bình dân, ai nấy đều dùng đến chanh. Chanh dùng quanh năm mà lại có bán vào lúc trái vụ thì còn gì bằng. Vì thế trong khi nhiều hộ trồng cam thì chị quyết tâm gắn bó với cây chanh. Từ 100 gốc chanh ban đầu, đến nay vườn của gia đình chị đã có 700 gốc từ 7 đến 9 năm tuổi. Mỗi năm chị thu lãi hơn 500 triệu đồng từ trồng chanh.

Thấy cây chanh có hiệu quả kinh tế, để có kiến thức, nhiều hộ nông dân ở xã Yên Phú, huyện Hàm Yên đã vượt cả trăm cây số về tận tỉnh Hưng Yên học hỏi cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đảm bảo năng suất. Cũng vì thế, diện tích chanh ở đây phát triển nhanh và cho chất lượng quả khá cao. Đến nay, diện tích chanh của toàn xã đã lên đến 35 ha.

Dù cây chanh tứ mùa đang cho hiệu quả kinh tế khá tốt, nhưng ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến nguy cơ mất giá. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng thôn 6 Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên cho biết, thôn có 160 hộ thì có khoảng 60 hộ trồng chanh trên đất lúa với tổng diện tích khoảng 6 ha. Trung bình mỗi nhà thu lãi 3 đến 40 triệu đồng/năm. So với trồng lúa thu lãi gấp 3 đến 4 lần. Tiêu biểu nhất là hộ gia đình anh Hán Văn Tuân, thôn 6, Thống Nhất trồng 8 sào chanh từ năm 2013. Do thực hiện tốt quy trình chăm sóc lại chủ động kết nối thị trường nên đến vụ thu hoạch chanh không lo ế. Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Tuân thu lãi 150 triệu đồng từ chanh tứ mùa.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, đảm bảo cây chanh có chất lượng tốt đầu tiên là chọn giống chanh có phẩm chất tốt, cây giống phải sạch bệnh, cây con đúng tuổi trồng, có khả năng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó còn cần phải xem xét điều kiện canh tác vùng trồng, nhằm để cây có thể thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Cây chanh khá dễ trồng và trồng được quanh năm, nhưng để trồng với quy mô lớn, với mục đích kinh doanh thì bà con nên trồng tập trung vào mùa mưa để tận dụng nước mưa, tiết kiệm được chi phí và công tưới nước.

Tuy cây chanh đang cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng đưa ra khuyến cáo: Cây chanh không phải là cây trồng chủ lực, hơn nữa là cây gia vị, do đó nhu cầu sử dụng không lớn. Nếu phát triển ồ ạt sẽ gây ra tình trạng mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm và tổn thất trực tiếp đến người trồng chanh. Với những diện tích chanh hiện có, bà con tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng, thực hiện liên kết các hộ thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất chanh; nghiên cứu, tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tạo thành chuỗi phát triển bền vững.


Nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh Pù Rinh Nuôi cá hồi, cá tầm trên đỉnh Pù… Hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm Hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết…