Trồng Chôm Chôm Vụ Nghịch Lãi Khá
Chôm chôm vụ thuận thường bị dội chợ, rớt giá nên những năm gần đây nông dân thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) đã áp dụng khoa học - kỹ thuật xử lý chôm chôm ra trái vụ nghịch. Chính nhờ vậy, nông dân trồng chôm chôm ngày càng khấm khá hơn với lợi nhuận mỗi năm đạt từ 150 - 300 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Hơn, ấp Tân Luông A, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy cho biết, gia đình ông đã bắt đầu trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn từ năm 1990, nhưng thường gặp cảnh trúng mùa, mất giá do chôm chôm chỉ cho thu hoạch đồng loạt vào vụ thuận.
Để gia tăng hiệu quả kinh tế, đến năm 1995, ông Hơn bắt đầu xử lý chôm chôm ra hoa mùa nghịch, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ đậu trái ít, sản lượng thấp. Chỉ hai năm sau, kỹ thuật xử lý chôm chôm ra hoa vụ nghịch của ông Hơn đã thành thạo, nhiều năm liền xử lý chôm chôm nghịch vụ được mùa, trúng giá nên sau trừ chi phí ông Hơn thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng/năm. Theo ông Hơn, vụ chôm chôm nghịch năm 2013 sắp tới, vườn chôm chôm gần 1,2 hecta có thể thu hoạch 30 tấn trái với giá bán hiện nay là 15.000 đồng/kg đối với chôm chôm Java và 20.000 đồng/kg đối với chôm chôm nhãn. Dự kiến, sau khi trừ chi phí, có thể đạt hơn 300 triệu đồng.
Nhiều nông dân trồng chôm chôm ở huyện Cai Lậy cho biết, để xử lý chôm chôm ra hoa nghịch vụ, trong tháng 5 âm lịch phải dùng màng nylon đậy kín gốc và điều tiết nước cạn trong mương. Khoảng 45 ngày sau chôm chôm ra hoa, phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân cân đối để tăng tỉ lệ đậu trái, năng suất cao. Sau khi thu hoạch xong, nông dân tiến hành tỉa bỏ chồi, cành vô hiệu, xới gốc bón phân, đặc biệt cần bón nhiều phân hữu cơ giúp cây sớm phục hồi.
Để cây chôm chôm phát triển bền vững, năm 2010, Tổ hợp tác chôm chôm xã Tân Phong được thành lập với 34 hộ trồng chôm chôm trên diện tích 16 ha canh tác theo quy trình VietGAP. Áp dụng quy trình này, nông dân phải xây dựng nhà vệ sinh, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nơi pha thuốc và chứa vỏ thuốc sau khi sử dụng, cập nhật sổ sách theo đúng qui cách, đồng thời phun thuốc theo phương pháp "4 đúng"... Nhờ thế mà chi phí trồng chôm chôm giảm khoảng 20% so với các hộ không thực hiện VietGAP, nhưng năng suất đạt đến 20 - 25 tấn/ha.
Hiện nay, vùng chuyên canh chôm chôm của tỉnh đạt trên 900 hecta, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Bè, Cai Lậy. Riêng xã Tân Phong có 520 hecta chôm chôm, chủ yếu chôm chôm Java, chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái. Nhằm giảm chi phí hướng đến sản xuất trái cây sạch phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tăng lợi nhuận cho nông dân trong thời gian tới, Viện Cây ăn quả miền Nam đang kết hợp Hội Làm vườn xã Tân Phong dự kiến mở rộng diện tích sản xuất chôm chôm theo hướng VietGAP lên 50 ha vào năm 2014.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ