Cóc Trồng cóc trong chậu tại nhà

Trồng cóc trong chậu tại nhà

Tác giả TS. Nguyễn Thị Đào, ngày đăng 16/10/2017

Trồng cóc trong chậu tại nhà

Cóc là một loại trái cây dân dã rất quen thuộc, giống cóc ngày xưa thường là cây có thân to, cao từ 3 - 5m. Bây giờ có giống cóc tứ quý, độ cao chỉ khoảng 1 – 1,5m, và không cần phải có đất vườn, có thể trồng trong chậu ở một góc sân trước nhà, hay ở khoảng sân ban-công nhỏ nhắn của bạn…

Chuyên trang “ Góc xanh gia đình” kỳ này xin giới thiệu đến quý bạn đọc của báo KHPT – CĐSK cách trồng cóc trong chậu tại nhà, để chúng ta có thể có những trái cóc vừa hái trên cây xuống rất giàu vitamin, có vị chua chua ngòn ngọt dùng ăn tươi hoặc chế biến một số món ăn khác.

Cách trồng

Giống cóc trồng trong chậu là giống cóc tứ quý, dễ ra hoa, đậu trái (mỗi chùm có thể đạt từ 10 -20 trái). Cây giống được gieo trồng từ hạt. Cây cao từ 50cm, đường kính gốc khoảng 1cm là có thể ra hoa, đậu trái sau 3 – 4 tháng trồng. Với đặc tính ra hoa trên đầu ngọn, nên cây có thể ra hoa đậu trái quanh năm

Chọn chậu có đường kính miệng từ 30cm trở lên, cao từ 35cm trở lên (dung tích khoảng 30 lít). Có lổ thoát nước tốt.

Đất trồng là hỗn hợp giá thể hữu cơ Multi trồng cây ăn trái, tùy theo kích cỡ chậu, lượng đất cho vào chậu trồng từ 15 – 20kg/ chậu. Cho 1 phần đất Multi cây ăn trái (Multi CAT) vào chậu. Tiếp theo là cắt bỏ bao ni lông của bầu giống. Đặt bầu cây cóc thẳng đứng giữa chậu, đổ tiếp đất Multi vào ngang bằng mặt bầu, dùng tay nén thật chặt đất chung quanh gốc, tưới nước đủ ẩm.

Chăm sóc

Tưới nước mỗi ngày 1 lần, ngưng tưới vào những ngày có mưa. Bón phân định kỳ mỗi tháng 1 lần, khoảng 0.5kg Multi bố sung cho cây ăn trái (BS CAT) vào chậu. Cách bón như sau: xới chung quanh miệng chậu, lấy lớp đất trên bề mặt sang 1 phía sau đó rãi Multi BS CAT lên rồi lấp lại bằng lớp đất mặt đã lấy ra. Bón phân xong thì tưới nước. Cây cóc cao từ 1m có  thể bón 1kg Multi BS CAT cho 1 gốc (chậu có kích cỡ lớn hơn).

Cóc tứ quý có khả năng ra hoa từ 3 - 4 tháng sau trồng, Với đặc tính ra chùm hoa trên đầu ngọn nên chúng ta có thể áp dụng biện pháp bấm ngọn ngay sau khi trồng, để cây phân cành sớm thì sẽ có 2 – 3 chùm hoa trái sau 3 – 4 tháng trồng.

Khi cây đã đậu trái, trái non cỡ đầu ngón tay thì dùng túi bao trái cây để bọc các chùm trái lại. Một tháng sau đậu trái, dùng phân sinh học hữu cơ super NPK 10-8-8 pha 5cc/ 1 lít nước để nuôi trái, khoảng 1 tháng trước khi thu trái phun super NPK 3-18-18 pha 5cc/ 1 lít nước, 7 ngày phun 1 lần, phun khoảng 3 lần, để tăng độ ngọt cho trái.

Lưu ý, cần phải có cây chống để nâng cành trái và giữ cây không bị đỗ ngã. Cóc tứ quý thường bị rệp sáp, rệp mềm tấn công phần ngọn non, làm cây bị xoăn ngọn, lá không phát triển. Gặp trường hợp này nên bấm bỏ phần ngọn cây, dùng thuốc sinh học Brightin 1,8EC để phòng trừ.

Trồng cóc tứ quý chúng ta có thu hái sử dụng từ trái non đến trái già, trái chín (từ 2 đến 3 tháng sau khi cây đậu trái ). Trái già sau khi hái có thể bảo quản được 7 – 10 ngày trong điều kiện bình thường. Chúc các bạn thành công!


Kỹ thuật trồng cây cóc Thái trên sân thượng cực đơn giản cho trái ăn quanh năm Kỹ thuật trồng cây cóc Thái trên sân… Làm giàu với mô hình trồng cóc Thái Làm giàu với mô hình trồng cóc Thái