Trồng dưa, bí leo giàn
Nông dân xã Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương) có bề dày kinh nghiệm thâm canh rau màu trái vụ. Họ nổi tiếng khi đạt hiệu quả ở cây cà chua và dưa chuột, bí xanh với doanh thu từ 10 - 20 triệu đồng/sào
Nông dân xã Quốc Tuấn đang mắc giàn cho dưa hè thu
Nhiều năm thâm canh bí xanh, dưa chuột leo giàn họ đã tìm tòi và áp dụng được cách làm giàn độc đáo mang lại hiệu quả cao vì giảm được nhiều công lao động, chi phí mua cây dóc dựng giàn.
Trồng dưa, bí thiết kế theo hình chữ X (cắm dóc chéo vào vào nhau theo chữ X trên mỗi luống trồng 2 hàng) đã và đang được lựa chọn nhiều khi thâm canh vì tăng được mật độ, tăng năng suất. Cây dưa bí trồng giàn chữ X vốn dĩ phải tốn rất nhiều công để buộc cố định ngọn, nhánh vào giàn dóc vì chúng có đặc điểm bò lan, cần chỗ vịn. Vì thế dưa, bí cứ bò đến đâu thì cần phải đi buộc vào giàn hàng ngày đến đó. Nếu không buộc được vào giàn ở mỗi đoạn thì ngọn dưa bí bò dài sẽ tuột khỏi giàn chữ X.
Nông dân xã Quốc Tuấn tìm tòi cách làm hay để đỡ tốn công buộc ngọn bằng cách dựng giàn chữ X như cũ nhưng không buộc 2 - 3 hàng dóc nẹp dọc luống như trước mà thay vào đó là dùng lưới mắt cáo đường kính mắt khoảng 10cm được làm bằng dây dù ni lông có bán sẵn trên thị trường để phủ đều lên 2 bên hàng dóc cắm chéo (nông dân quen gọi là mặc áo cho giàn). Lưới có chiều rộng 1 - 1,2m thường phục vụ cho việc trồng hoa cảnh. Lưới hiện có giá bán 90 - 100 nghìn đồng/kg. 1 sào Bắc bộ dùng hết khoảng 8kg lưới.
Cách làm: Tiến hành phủ lưới 2 bên mái giàn sao cho 2 mép lưới cách mặt luống 40 - 45cm để tiện cho việc làm cỏ, bón phân dưới mặt luống. Mép trên lưới trùng với chỗ giao nhau của 2 hàng dóc. Lưới phủ xong được buộc cố định vào giàn từ trên xuống dưới bằng dây ni lông để gió không làm tốc. Thời điểm phủ lưới tiến hành ngay sau khi cắm dóc làm giàn cho dưa, bí.
Khi đã có lưới bao phủ trên giàn thì ngọn dưa, bí bò đến đâu tua cuốn sẽ quấn chặt vào giàn lưới đến đó nên không bị tuột ra khỏi giàn và rất chắc chắn
Ông Nguyễn Thành Nho, nguyên Chủ nhiệm HTXNN Quốc Tuấn cho biết, dù ban đầu phải đầu tư tiền mua lưới (800 - 900 nghìn/sào) nhưng lưới này lại sử dụng được từ 6 - 7 vụ mới hỏng. Mặt khác, dùng lưới giăng thì không phải tốn dóc buộc dọc luống 2 - 3 hàng nẹp giàn và số lượng dóc cắm cheo cũng giảm đi nhiều (giảm được 1/3 số dóc cả ruộng).
Đặc biệt với cách làm này nông dân quê ông không phải tốn công hàng ngày đi buộc ngọn thời điểm dưa, bí leo giàn. Cho nên một nhà chỉ có 2 nhân công lao động như gia đình ông cũng có thể thâm canh hàng mẫu dưa bí liền một lúc. "Giờ thì cả làng cùng áp dụng phương pháp làm giàn này rồi! Đúng là trong khó khăn mới tìm ra cách khắc phục hiệu quả", ông Nho phấn khởi chia sẻ.
Về thăm những ruộng dưa xanh tốt chuẩn bị làm giàn sau liên tiếp 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới xảy ra ở nơi đây chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lượng cây còn sống và phát triển thuận lợi trên ruộng còn ở mức rất cao. Trong khi nhiều diện tích rau màu trong và ngoài tỉnh đã bị xóa sổ hàng loạt. Dưa, bí nơi đây không phải được che vòm hay trồng trong nhà lưới mà lại phát triển ngoài tự nhiên nhưng được chăm bón cân đối và được bổ sung thường xuyên các chế phẩm sinh học (phổ biến là chế phẩm Bồ Đề, Biobus). Họ dùng các chế phẩm này để xử lý đất và tưới rễ định kì nên cây có sức đề kháng cao đặc biệt là bộ rễ rất khỏe và đương nhiên là khó bị chết sau mưa kéo dài.
Giống dưa, bí được phát triển trái vụ trên đồng đất Quốc Tuấn đều được nông dân lựa chọn khắt khe. Họ ưu tiên sử dụng các giống cây lai chịu nhiệt, có khả năng chống bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển khỏe và có tiềm năng năng năng suất cao. Bởi vậy mới gặt hái được thành công như mong đợi.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ