Tin nông nghiệp Trồng dứa giống mới, dưa du mục, dược liệu trúng đậm

Trồng dứa giống mới, dưa du mục, dược liệu trúng đậm

Tác giả An Như (tổng hợp), ngày đăng 29/05/2018

Trồng dứa giống mới, dưa du mục, dược liệu trúng đậm

Nhờ năng động, sáng tạo trồng dứa giống mới, cây dược liệu, “du mục” vào Tây Nguyên trồng dưa hấu giúp bà con thu nhập cao.

Nghệ An: Trồng dứa giống mới, thu lãi 120 triệu đồng/ha

Những ngày này, bà con huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đang vào vụ thu hoạch dứa với niềm vui được mùa, được giá. Hiện, bình quân 1 ha dứa, bà con thu lãi khoảng 120 triệu đồng.

Theo các hộ dân, dứa được trồng và chăm sóc trong thời gian 18 tháng mới cho thu hoạch; nếu chăm sóc tốt, năng suất dứa sẽ đạt từ 35 - 40 tấn/ha. Ảnh: Việt Hùng

Anh Phú cho biết, dứa thu hoạch trong thời điểm này được thương lái thu mua cao hơn so với trước và sau Tết Nguyên đán. Trước đó, dứa chỉ có giá từ 2.500 - 3.000 đồng/kg, nhưng nay giá tăng lên 6.000 - 6.500 đồng/kg. Với giá thu mua như hiện nay, bà con nông dân phấn khởi vì có lãi. Bình quân 1 ha thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng; trừ chi phí giống, phân bón, ngày công... số tiền lãi thu về khoảng hơn 120 triệu đồng/ha.

Quỳnh Lưu là huyện có diện tích trồng dứa lớn của tỉnh, với hơn 700ha tập trung ở các xã miền núi như Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Tổng đội TNXP... Mỗi năm, sản lượng dứa xuất bán ra thị trường khoảng hơn 20.000 tấn, với doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Dứa được mùa, được giá, nhiều hộ trồng dứa ở thị xã Hoàng Mai cũng đang tranh thủ lên đồi để thu hoạch. Gia đình anh Trần Đăng Lục ở xã Quỳnh Vinh có 5 ha dứa, tất cả đều đã chín vàng. Hiện nhà anh đang thuê 7 công nhân lên đồi thu hoạch quả để bán cho thương lái.

Hiện nay, bà con hầu hết tự bao tiêu sản phẩm do mình trồng ra. Thương lái từ khắp nơi cũng liên hệ với người trồng để thu mua dứa rồi sau đó vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp các địa phương trong tỉnh và bán vào cả Huế, Đà Nẵng... Mới đây, một doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Bình đã liên kết với các thương lái ở Nghệ An thu mua hàng chục tấn dứa mỗi ngày để công ty chế biến thành nước hoa quả, hay làm dứa sấy khô hút chân không xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước.

Hà Tĩnh: Được mùa dược liệu, nông dân “mừng như bắt được vàng”

Thời điểm này, nông dân xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh đang hối hả thu hoạch cây dược liệu mã đề và ích mẫu. Năm nay, dược liệu đạt năng suất cao, mỗi ha thu về từ 120 – 140 triệu đồng, nông dân rất phấn khởi.

Đã nhiều năm nay, nông dân xã Cẩm Phúc bắt tay liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh xây dựng vùng dược liệu với quy trình sản xuất sạch, không phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ.

Mã đề cho thu hoạch liên tục từng ngày, rất công phu, nông dân càng chăm thì sản lượng càng nhiều.

Trung bình 1 sào mã đề cho thu hoạch khoảng 50 kg hạt và được công ty thu mua với mức giá từ 85 – 90 ngàn đồng/kg.

Cẩm Phúc cũng là địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh sản xuất thành công cây ích mẫu. Ích mẫu được gieo vào khoảng tháng 12 dương lịch và cho thu hoạch vào giữa tháng tư năm sau. Mỗi sào ích mẫu đạt sản lượng trên 2,5 tạ.

Dược liệu là cây trồng khá mới mẻ ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, dưới sự "cầm tay chỉ việc" của cán bộ kỹ thuật Công ty CP Dược Hà Tĩnh, đến nay, nông dân xã Cẩm Phúc cơ bản đã thành thạo quy trình gieo trồng, chăm sóc. Đặc biệt, trồng dược liệu cho giá trị gấp nhiều lần so với trồng lúa, mỗi ha thu nhập từ 120 – 140 triệu đồng/năm. 

Anh Phan Đình Đức – Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Dược Hà Tĩnh phấn khởi cho biết: “Nhờ áp dụng tốt quy trình chăm sóc, đặc biệt là "nói không với hóa chất", năm nay, mã đề và ích mẫu phát triển tốt. Các loại dược liệu được trồng ở Hà Tĩnh như: mã đề, ích mẫu, xương quạt, diệp hạ châu và nhất là kim tiền thảo đã khẳng định được hoạt chất và chất lượng cao hơn so với trồng ở các tỉnh phía Bắc".

Quảng Nam: "Du mục" trồng dưa 

Mùa nắng, người trồng dưa hấu bám đất miền Trung, mùa mưa sẽ “du mục” vào các tỉnh Tây Nguyên để tìm nơi thuận lợi cho dưa phát triển. Dù vất vả, nhưng người trồng dưa kiểu “du mục” thu lại những khoản thu nhập đáng kể.

Anh Hùng xã Tam Phúc (Phú Ninh) chăm sóc dưa trên đất thuê tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình

Giữa tháng tư, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về những ruộng dưa hấu của người dân Tam Phước đang trồng tại thôn Bình An (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình). Anh Đỗ Đình Hùng (54 tuổi, thôn Phú Xuân, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh), chia sẻ, vụ dưa đông - xuân năm nay, anh cùng vợ mình chị Phan Thị Sang (45 tuổi), thuê 16 sào đất của người dân thôn Bình An (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) để trồng dưa Hắc Mỹ Nhân.

Năm 2009, tình cờ anh biết đến nghề trồng dưa theo lối... "du mục", thấy nghề làm được nên anh bắt đầu mang ba lô ra vùng đất Bình Định Bắc thuê đất, đầu tư trồng dưa. “Nghề trồng dưa "du mục" rất đặc biệt. Mùa nắng chúng tôi sẽ thuê đất ở các tỉnh miền Trung để trồng. Khi bắt đầu vào mùa mưa (tháng 9 - 12) vợ chồng tôi sẽ tìm vào xã Cư M’lan (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) thuê đất trồng dưa. Vì những tháng này trong Tây Nguyên nắng đẹp, thuận lợi để trồng dưa. Tuy nhiên giá đất ở Tây Nguyên thì đắt hơn nhiều so với miền Trung (12 triệu 1/ha)” - anh Hùng nói.

Những ngày đầu của nghề trồng dưa "du mục", vợ chồng anh Hùng gặp nhiều khó khăn vì chưa biết tìm nguồn nước cũng như đầu ra cho sản phẩm dưa. Đặc biệt, khi giá dưa không ổn định cũng là mối lo lớn cho nghề trồng dưa “du mục”.

Vụ dưa năm nay, sau khi vừa ăn Tết xong, vợ chồng anh đến Thăng Bình thuê đất trồng dưa. Giống như mọi năm, giá đất thuê ở miền Trung là 300 nghìn đồng/sào, sản xuất vụ dưa đông - xuân. Sau khi thuê đất, anh Hùng đã dựng trại tạm che nắng, che mưa để làm dưa. “Cái khó khăn nhất khi trồng dưa “du mục” là nguồn nước tưới. Nếu thuê được đất trồng ở những nơi có nguồn nước gần đó thì không sao. Nếu nước ở xa khu vực trồng dưa mà tưới không đủ thì phải đi xin thêm của người dân”- anh Hùng nói.

Theo anh Hùng, sau khi thu hoạch xong, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua và chở đi nơi khác tiêu thụ.

Cũng giống như vợ chồng ông Hùng, hai anh em Đỗ Đình Vương (37 tuổi), Đỗ Đình Thành (27 tuổi, trú thôn Phú Xuân, xã Tam Phước) cũng thuê 8 sào đất tại thôn Bình An (xã Bình Định Bắc) để trồng dưa. Tại đây, ngoài thuê đất trồng dưa, anh còn thuê 3 lao động tại địa phương để thực hiện việc cắt tỉa, chăm sóc cho dưa với tiền thù lao gần 200 nghìn đồng/ ngày. “Làm dưa giống như đánh bạc với trời. Tốt mùa bội thu thì cũng được vài chục triệu đồng. Dưa trồng chỉ 60 ngày là thu hoạch. Năm trước, giá dưa chỉ bán giá 5 nghìn đồng/kg mà mỗi vụ tôi đã lời 50 chục triệu. Nếu giá cao thì sẽ lời nhiều” - anh Vương chia sẻ.

Ông Trà Tấn Túc - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, thời gian gần đây có một số người dân ở nơi khác đến địa phương thuê đất trồng dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cũng giải quyết được một số việc làm cho người dân địa phương.


Bị cạnh tranh, Peru chuyển hướng sang việt quất organic Bị cạnh tranh, Peru chuyển hướng sang việt… Phát triển giống lúa thuần Vật tư - NA6 Phát triển giống lúa thuần Vật tư -…