Mô hình kinh tế Trồng dưa lê siêu ngọt VietGAP lãi gần 10 triệu đồng/sào

Trồng dưa lê siêu ngọt VietGAP lãi gần 10 triệu đồng/sào

Tác giả Hải Đăng, ngày đăng 27/05/2017

Trồng dưa lê siêu ngọt VietGAP lãi gần 10 triệu đồng/sào

Từ việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang trồng dưa lê siêu ngọt VietGAP, nhiều hộ dân ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) thu lãi gần chục triệu đồng/sào.

Nghề trồng dưa lê siêu ngọt VietGAP đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).  Ảnh: Hải Đăng

Trồng dưa quanh năm

Vào những ngày này, bà Tạ Thị Hội – nhóm trưởng nhóm sản xuất dưa lê siêu ngọt ở thôn Đình, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn luôn tất bật công việc thu hoạch dưa để bán cho khách. “Dưa thu về bao nhiêu đều được các thương lái, chủ cửa hàng sạch ở Thủ đô thu mua hết ngay” – bà Hội chia sẻ.

Đến nay, toàn xã Đông Xuân có khoảng 40ha trồng dưa lê, trong đó có 10ha với 78 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, gần 100% số dưa VietGAP sau khi thu hoạch được HTX bao tiêu cung cấp cho các cửa hàng sạch ở trong nội thành”.  Ông Trần Ngọc Liên 

Bà Hội cho biết, dưa lê ở Đông Xuân trồng quanh năm, vụ chính bắt đầu trồng từ tháng 3 và thu hoạch rộ vào khoảng tháng 6, 7, 8 dương lịch. “So với mọi năm, năm nay dưa mất mùa, sản lượng giảm khá nhiều nhưng đổi lại giá dưa cao hơn năm 2016 khoảng từ 4.000  – 5.000 đồng/kg. Trung bình mỗi sào dưa bà con thu được khoảng 3-5 tạ dưa, người trồng dưa có lãi khoảng trên dưới 7 triệu đồng/sào, lãi gấp nhiều lần trồng lúa” – bà Hội tiết lộ.

Là một trong những hộ được hưởng lợi từ việc trồng dưa VietGAP, ông Nguyễn Văn Tráng ở xã Đông Xuân cho hay: “Cái lợi lớn nhất của việc canh tác theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP là nông dân làm quen với công nghệ, tiến bộ khoa học mới. Từ đó bà con có ý thức được việc sản xuất ra sản phẩm an toàn vừa đảm bảo sức khỏe cho người trồng và khách hàng tiêu dùng”.

Ông Tráng cho biết, việc áp dụng phương pháp sản xuất mới theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu từ năm 2013. Thời gian đầu cũng có một số hộ e ngại, sợ vất vả, thất bại nhưng được chính quyền và các cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn, hỗ trợ bà con mới yên tâm làm.

“Sau 4 năm sản xuất, đến nay bà con đã có thể tự tin sản xuất dưa lê VietGAP chuyên nghiệp, từ việc ghi nhật ký sản xuất đến việc phòng, chống sâu bệnh bằng biện pháp sinh học và canh tác đất bảo vệ môi trường. Riêng cá nhân tôi và gia đình  nhận thấy rất rõ lợi ích khi tham gia vào mô hình mới này, đơn cử như thu nhập cũng tăng lên gấp nhiều lần so với trước” – ông Tráng chia sẻ.

Tạo ra sức lan tỏa lớn

Ông Trần Ngọc Liên – Giám đốc HTX rau quả an toàn Đông Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết, từ chỗ chỉ có 20 hộ liên kết nhóm sản xuất đến nay số xã viên HTX Đông Xuân trồng dưa lê siêu ngọt theo tiêu chuẩn ViệtGAP đã lên đến 78 hộ.

“Nhờ sản xuất an toàn mà sản lượng tiêu thụ dưa của HTX rau quả an toàn Đông Xuân tăng mạnh qua mỗi năm. Năm 2013, sản phẩm dưa lê siêu ngọt của HTX được chứng nhận an toàn, tiêu thụ mỗi ngày chỉ khoảng 100kg. Năm 2014, tăng lên 500 kg/ngày và đến nay đạt từ 1 đến 3 tấn/ngày”- ông Liên cho biết.

Các hộ tham gia chuỗi đã cam kết sản xuất an toàn, sử dụng chế phẩm vi sinh EM, không sử dụng chất hóa học. Cũng phải nói rằng, công nghệ EM được xem như là một trong những giải pháp tốt nhất cho việc mở rộng sản xuất rau, quả an toàn, giúp cây dưa lê ít sâu bệnh và quan trọng nhất là nó làm cho trái dưa lê không chỉ thơm tự nhiên mà còn ngọt từ ruột tới cùi.

“Nhờ áp dụng tốt công nghệ và phương pháp canh tác tốt, sản phẩm dưa lê được bà con Đồng Xuân làm ra luôn có mẫu mã đẹp, quả tròn đều, màu vàng ánh kim khi chín, đặc biệt quả có mùi hương rất thơm, ăn giòn và ngọt, an toàn, mua nhiều, thậm chí có thời điểm bà con làm ra còn không đủ hàng để cung cấp cho khách” – ông Liên chia sẻ.

Cũng theo ông Liên, sau 4 năm áp dụng quy trình VietGAP vào trồng dưa lê đến nay các hộ trong mô hình đã làm rất chuyên nghiệp, bà con áp dụng rất thuần thục các khâu sản xuất từ việc canh tác đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Đặc biệt, không chỉ số hộ trong mô hình, mà các hộ ngoài mô hình khoảng hơn 100 hộ cũng đã làm quen dần việc sản xuất VietGAP, nhờ vậy mà thu nhập của bà con cũng được tăng lên đáng kể so với trước” – ông Liên khẳng định. 


Đổi đời nhờ có mô hình trồng dâu và giống mới Đổi đời nhờ có mô hình trồng dâu… Thuê đất trồng chanh tứ quí VietGAP cùng cây ăn quả, lãi 2 tỷ đồng mỗi năm Thuê đất trồng chanh tứ quí VietGAP cùng…