Trồng dừa xiêm chuỗi không sợ rủi ro
Gần đây, cây dừa xiêm ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) ngày càng phát triển do nhu cầu lấy nước giải khát, nhiều nông dân nhờ trồng dừa xiêm đã có nguồn thu nhập khá cao.
Giống dừa xiêm chuỗi
Tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây hiện có mô hình trồng dừa xiêm nhân giống mới - giống dừa xiêm chuỗi, rất có hiệu quả kinh tế.
Ông Thái Văn Đầy, xã Thạnh Nhựt đã chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa xiêm chuỗi. Từ ngày vườn dừa xiêm chuỗi cho trái, thu nhập của gia đình ông Đầy sung túc hẳn lên bởi tháng nào cũng có tiền bán dừa. Mọi người đều cho rằng, trồng dừa xiêm chuỗi như ông Đầy là bước đột phá để làm giàu ở nông thôn khi thị trường dừa khô rất bấp bênh, gần đây khi giá dừa khô giảm mạnh làm nhiều người trồng dừa lao đao.
Với vườn dừa xiêm chuỗi 2.500m2, hơn 100 cây dừa sai trái, đang trong giai đoạn thu hoạch, ông Đầy cho biết, trước đây khu vực này trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, mỗi vụ thu hoạch lúa huề vốn hoặc có lãi rất ít. Qua học hỏi kinh nghiệm, ông Đầy liền mạnh dạn cải tạo đất, lên liếp và mua dừa xiêm chuỗi về trồng. Dừa phát triển tốt, chỉ sau 3 năm chăm sóc đã bắt đầu cho trái. Đến nay, vườn dừa đã 6 năm tuổi và đang cho trái ổn định.
Đứng bên những cây dừa cho trái sai oằn, đang chuẩn bị thu hoạch, ông Đầy phấn khởi chia sẻ kinh nghiệm: Ưu điểm của giống dừa xiêm chuỗi không chỉ trái nhiều, trồng mau ra trái mà chất lượng trái rất cao. Dừa xiêm chuỗi mỏng vỏ, nước nhiều, nước ngọt thanh. Đây chính là yếu tố quan trọng mà các loại dừa xiêm khác không sánh kịp.
Ngoài ra, dừa xiêm chuỗi rất dễ trồng, chỉ cần lên liếp cao ráo, có mương thoát nước. Để cho cây dừa phát triển khi trồng phải bón phân một năm 2-3 lần, mỗi lần khoảng 1/2kg/gốc. Loại phân dừa ưa thích nhất là DAP, sau mỗi lần bón phân phải gom đất bồi vào gốc, nếu bồi đất bùn non càng tốt. Tuy nhiên trồng dừa phải chú ý theo dõi chuột, con đuông và bọ cánh cứng.
Hiện tại, với hơn 100 cây dừa, mỗi đợt khoảng gần 1 tháng ông Đầy thu hoạch một lần với gần 1.000 trái. Giá bán hiện tại 6.000 đồng/trái, gia đình ông có khoảng 6 triệu đồng, trừ các chi phí, còn lãi hơn 5 triệu đồng. Những lúc cao điểm mùa khô dừa tăng giá, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 9.000 - 10.000 đồng/trái.
Từ hiệu quả kinh tế cao của dừa xiêm chuỗi, cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhiều nhà vườn đã tìm đến và đặt dừa giống của gia đình ông Đầy về trồng. Năm 2018, ông Đầy đã ươm và bán được hơn 1.000 cây dừa giống với giá 40.000 đồng/cây. Năm 2019, người dân đặt khoảng 2.000 cây, gia đình ông đang tuyển chọn những trái dừa đẹp, chất lượng nhất chuẩn bị ươm giống để cung cấp cho bà nông dân trồng nhân rộng. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí từ việc bán dừa tươi và dừa giống mang lại cho ông Đầy khoảng 100 triệu đồng.
Đầu năm 2019, UBND xã Thạnh Nhựt phối hợp với Công ty HAMONA, địa chỉ ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, là công ty chuyên XK dừa uống nước, tổ chức lễ ký kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm dừa uống nước trên địa bàn xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây.
Công ty HAMONA chịu trách nhiệm giới thiệu tư vấn kỹ thuật, cấp chứng chỉ an toàn và hữu cơ đối với các sản phẩm được tạo ra từ vùng nguyên liệu, trong chuỗi giá trị sản phẩm mà công ty thực hiện, phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo cho nông dân quy trình chăm sóc vườn dừa cho năng suất, chất lượng cao nhất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.
Còn UBND xã Thạnh Nhựt cung cấp danh sách những hộ dân đã trồng và sẽ trồng dừa xiêm với giá ổn định, hợp lý và theo cơ chế thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, cung cấp giải pháp về vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV và kỹ thuật canh tác phù hợp, nhằm nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm cho hộ dân trồng dừa.
Ông Ngô Minh Hằng, hộ dân trồng dừa ấp Tân Thạnh xã Thạnh Nhựt cho biết: “Hiện nay tôi đang chuyển đổi 2ha đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng dừa xiêm chuỗi với hơn 800 cây. Bên cạnh đất nương líếp còn trống tôi trồng xen cây ớt, dưa leo... để khi chăm sóc cây màu, tôi chăm sóc luôn cây dừa nhằm lấy ngắn nuôi dài. Việc lo tìm đầu ra cho cây dừa của Công ty HAMONA khiến chúng tôi rất mừng, tin tưởng rằng trái dừa sẽ làm giàu cho nông dân”.
UBND xã Thạnh Nhựt sẽ tổ chức xây dựng các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX) dừa xiêm chuỗi, trên cơ sở tập hợp tất cả những hộ dân đã trồng và sẽ trồng dừa xiêm chuỗi để liên kết với công ty trong các hoạt động như cung cấp vật tư, chuyển giao KHKT, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm dừa uống nước trong vùng nguyên liệu.
Ông Võ Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt cho biết: “Hiện nay, địa phương đã phát triển hơn 60ha dừa xiêm chuỗi. Sắp tới, địa phương sẽ quy hoạch vùng nguyện liệu dừa uống nước bền vững, tiêu chuẩn phù hợp XK phấn đấu đạt 200 ha, để Công ty qui hoạch thành lập nhà máy chế biến dừa và sẽ giải quyết hàng trăng lao động địa phương”.
UBND xã Thạnh Nhựt sẽ phối hợp với Công ty HAMONA xác định đúng chủng loại dừa xiêm chuỗi hiện nay người dân đang trồng phổ biến, định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu dừa an toàn trên các địa điểm phù hợp, Công ty sẽ tiếp cận các hộ dân, để xây dựng mô hình chuyên canh theo tiêu chuẩn Global GAP thông qua các cuộc họp dân và kiểm soát tất cả các hoạt động của Tổ hợp tác hoặc HTX dừa xiêm chuỗi xã Thạnh Nhựt với Công ty HAMONA và ngược lại trên tinh thần đôi bên cùng có lợi và đúng pháp luật, để người dân an tâm trồng dừa.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ