Mô hình kinh tế Trồng khảo nghiệm cây Mắc ca

Trồng khảo nghiệm cây Mắc ca

Ngày đăng 02/07/2015

Trồng khảo nghiệm cây Mắc ca

Ở miền Bắc, các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Hòa Bình… cũng đã trồng nhiều loại cây này. Và ở Thái Nguyên, cây Mắc ca cũng đã được Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Thái Nguyên (Đại học Nông lâm Thái Nguyên) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng Viện trồng thử nghiệm 2ha từ năm 2011 và Chi cục Phát triển Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT trồng thử nghiệm 2ha ở xã Tân Thái (Đại Từ) và Yên Ninh (Phú Lương) năm 2013

Anh Hoàng Thanh Phúc, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Dịch vụ tư vấn và chuyển giao khoa học công nghệ Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên đưa tôi đến nơi trồng khảo nghiệm cây mắc ca của Viện. Vườn mắc ca xanh tốt dù được trồng trên đất đồi, nhiều cây cao từ 1,5 đến 2m. Mắc ca là loại cây dễ trồng, bình quân mỗi ha trồng 500 cây. Sau từ 3 đến 4 năm trồng, Mắc ca ra hoa và đậu quả, ra hoa trùng với dịp ra hoa của cây vải (khoảng cuối tháng 2 và tháng 3), mỗi chùm bông hình đuôi sóc có từ 100 - 300 hoa và thu hoạch vào tháng 9 đến giữa tháng 10, khi quả chín thì rụng xuống dưới đất.

Anh Phúc cho biết: Khu vực này trồng khảo nghiệm 15 dòng mắc ca có nguồn gốc xuất xứ từ Oxtraylia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Mỗi loại Mắc ca nhìn lá cũng thấy khác rồi. Ở đây chúng tôi trồng xen kẽ vì cùng chất đất, cách chăm sóc, bởi nếu trồng riêng rẽ từng loại sẽ khó đánh giá được giống mắc ca nào phát triển tốt. Năm ngoái và năm nay, nhiều cây cũng đã ra hoa và đậu quả. Năm đầu ra hoa, một cây Mắc ca cho khoảng 50 - 60 quả, chúng tôi cũng chưa để đậu quả bởi còn nuôi dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển. Vì thế Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp chưa có sự đánh giá và khẳng định kết quả của loại cây này.

Theo nhận định của các chuyên gia lâm nghiệp, cây mắc ca có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Thái Nguyên. Nhưng để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; trồng với quy mô bao nhiêu ha không dễ bởi giống cây này cũng khá đắt, từ 50 nghìn đến 120 nghìn đồng/cây giống tùy từng loại, bình quân mỗi ha chi phí cây giống từ 25 triệu đến trên 100 triệu đồng (chưa kể công trồng, chăm sóc, phân bón). Hiện đã có một số hộ nông dân trong tỉnh mua cây Mắc ca về trồng, song Chi cục Lâm nghiệp cũng đã khuyến cáo nông dân không vội chặt chè, cây ăn quả để trồng cây Mắc ca trước khi có ý kiến của các cơ quan chuyên môn.

Đây là loại cây có thị trường tiêu thụ rộng lớn, hiện nguồn cung tại Việt Nam chưa đủ, vẫn phải nhập từ nước ngoài. Theo nhận định của giới chuyên môn, khoảng 20 năm nữa sản phẩm mắc ca vẫn thiếu, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở chế biến và người tiêu dùng. Được biết, tỉnh ta cũng đã có chủ trương xây dựng đề án phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh, song để phát triển có hiệu quả, ngành chuyên môn cần sớm xây dựng quy hoạch vùng trồng, trên cơ sở nghiên cứu dòng mắc ca nào sinh trưởng phát triển phù hợp với chất đất và khí hậu Thái Nguyên để loại cây này có thể mang lại hiệu quả cao nhất.


Sống tốt nhờ tiêu Sống tốt nhờ tiêu Sản xuất nấm dược liệu ở Hòa Vang (Đà Nẵng) Sản xuất nấm dược liệu ở Hòa Vang…