Khổ qua (Mướp đắng) Trồng khổ qua để sau vị đắng sẽ là trái ngọt

Trồng khổ qua để sau vị đắng sẽ là trái ngọt

Tác giả Bùi Hồng Liên, ngày đăng 13/02/2019

Trồng khổ qua để sau vị đắng sẽ là trái ngọt

Trồng khổ qua (mướp đắng) không hề... khổ chút nào mà trái lại, trồng loại cây này khá dễ dàng từ khâu gieo hạt, chăm sóc, đến thu hoạch.

Tuy thuộc loại đắng nhất trong các loại quả, nhưng khổ qua (mướp đắng) lại giành được niềm yêu thích của rất nhiều người và là loại quả khá phổ biến bởi vị đắng đắng ngọt ngọt nhưng thanh mát và rất có lợi cho sức khỏe. Nếu bạn là "fan ruột" của mướp đắng thì hãy tự tay trồng những trái này ngay trong khu vườn nhà mình nhé.

Cùng 2LÚA thử trồng mướp đắng với 4 bước đơn giản dưới đây bạn nhé:

Bước 1: Chuẩn bị hạt giống

Để có những hạt giống mướp đắng chất lượng, bạn nên chọn những quả mướp đắng to, mập và cầm chắc tay. Ngoài ra, bạn có thể mua hạt giống mướp đắng tại các cửa hàng hạt giống uy tín.

Sử dụng dao để bổ dọc trái mướp, dùng thìa nạo, lọc và lấy hạt từ quả ra, sau đó rửa sạch và phơi khô hạt để bảo quản chờ thời điểm thích hợp đem ra gieo trồng

Bước 2: Gieo hạt giống

Xử lý hạt giống bằng cách ngâm vào nước ấm theo công thức 2 sôi 3 lạnh ngâm trong vòng 5-6 giờ sau đó vớt ra đem ủ vào khăn ẩm. Sau 24 giờ đem rửa sạch hết lớp nhờn ngoài vỏ hạt, rồi đem ủ lại đến khi hạt nứt nanh thì đem gieo.

Khi gieo, đặt hạt theo hướng cho đầu nhọn đã nứt nanh xuống dưới, phủ lên trên một lớp đất mỏng. Sau đó tưới nước. Khoảng 5 ngày hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm và vươn lên cao

Sau khoảng 3 tuần cây đạt chiều cao khoảng 10 đến 15cm và đã ra 2, 3 lá thật

Bước 3: Làm giàn cho cây

Khi cây cao 25 đến 30cm, bắt đầu ra từ 5 đến 6 lá thật và đã bắt đầu xuất hiện tua cuốn, ta đem trồng cây ra chậu lớn hơn hoặc trồng ra hẳn đất vườn rồi làm giàn cho chúng.

Cây mướp đắng khi đã có tua cuốn thì rất mau lớn, bạn có thể tận dụng mắc lưới để cho mướp đắng leo giàn.

Chuyển cây con ra nơi trồng đã định sẵn và tiến hành làm giàn cho chúng leo. Bạn cần tưới nước thường xuyên khoảng 2 lần một ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng và phát triển.

Bước 4: Chăm sóc và thu hoạch

Hoa thường bắt đầu xuất hiện trên giàn leo trong vòng một vài tuần lễ sau khi trồng cây. Hoa đực sẽ nở đầu tiên còn hoa cái có một phần bầu nhỏ ở cuống hoa sẽ nở tiếp sau đó khoảng một tuần. 

Bạn có thể để ong bướm thụ phấn cho hoa hoặc có thể tự làm. Chú ý là hoa đực chỉ sống được khoảng một ngày, nở vào buổi sáng và rơi xuống gốc cây vào lúc chiều tối.

Sau khi hoa nở khoảng 5 ngày thì cây bắt đầu cho ra trái. Những trái non nhú ra từ phần cuống sau khi hoa tàn, dần dần theo thời gian sẽ phát triển to lên đến kích thước chuẩn. 

Ở giai đoạn này nên ngắt bỏ bớt lá quá dày mọc gần quả non để tạo điều kiện cho quả non nhận đủ ánh sáng để phát triển.

Mướp đắng - khổ qua là loại cây dễ trồng, dễ sống, nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất, bạn hãy trồng cây trên đất cát pha giàu chất hữu cơ tơi xốp. Cần tưới nhiều nước cho cây, nhất là giai đoạn ra hoa và tạo quả. Bạn cũng có thể bón lót cho cây lúc mới trồng và bón thúc cho chúng vào mỗi thời điểm quan trọng.

Trồng mướp đắng có hai vụ, hè thu và đông xuân, trong đó vụ hè thu cho năng suất cao hơn nhiều. Kể từ khi gieo trồng đến lúc quả trưởng thành chỉ mất khoảng 2 tháng. Khi cây ra quả, cứ 2 đến 3 ngày là bạn có thể có trái để dùng.=

Ngoài làm thực phẩm bổ dưỡng, trái mướp đắng còn là một bài thuốc quý, có tính mát, giúp thanh nhiệt lợi tiểu. Nước cốt mướp đắng tươi có tác dụng hạ đường huyết tốt, là món ăn lý tưởng cho người bệnh tiểu đường và đặc biệt chúng còn giúp ngăn ngừa căn bệnh hiểm nghèo ung thư.

Chúc các bạn thành công!


Diệt trừ ruồi vàng hại mướp đắng Diệt trừ ruồi vàng hại mướp đắng Trồng mướp đắng trái vụ Trồng mướp đắng trái vụ