Khoai ngọt (Khoai mỡ) Trồng Môn Sáp Theo Quy Trình Kỹ Thuật Mới

Trồng Môn Sáp Theo Quy Trình Kỹ Thuật Mới

Ngày đăng 08/04/2012

Trồng Môn Sáp Theo Quy Trình Kỹ Thuật Mới

Công trình nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng môn sáp năng suất cao, sạch bệnh do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện tại cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) giúp nông dân trồng được môn sạch bệnh, năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Thọ ở thôn Nghĩa Hòa (xã Sơn Định), một trong những người tham gia mô hình trình diễn trồng thâm canh môn sáp, cho biết: “Trước kia, môn là loại cây “trồng chơi ăn thật”, chỉ dựa vào nước trời. Giai đoạn 2001-2005, môn bị bệnh thối rễ, thối củ, chúng tôi cứ nghĩ đã “giã biệt” nó rồi vì các cơ quan chức năng đã tìm đủ phương cách “cứu chữa” nhưng không hiệu quả. Nay có kỹ thuật, quy trình thâm canh mới cho năng suất cao nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Vụ môn 2007, ông Lê Kim Lang ở thôn Vân Hòa (xã Sơn Long) trồng trên diện tích 0,7 ha, cho sản lượng hơn 14 tấn, đạt năng suất hơn 20 tấn/ha. 2 năm trước, gia đình ông cũng thu hoạch được sản lượng tương tự. Ông Lang nói: “Môn đạt năng suất cao như vậy là nhờ chúng tôi đã thực hiện đầy đủ hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư vật tư và chăm sóc đúng thời vụ, thăm ruộng môn định kỳ để khi phát hiện có triệu chứng bệnh thì kịp thời phun thuốc trừ nấm”.

Kết quả đánh giá năng suất môn sáp tại mô hình từ năm 2005 – 2007 cho thấy, năng suất bình quân 20 tấn/ha, tăng gần gấp đôi so với các năm trước và bên ngoài mô hình.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, chủ nhiệm dự án “Nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng môn sáp năng suất cao, sạch bệnh” cho biết: “Sau 30 tháng thực hiện, 9 ha môn trồng theo kỹ thuật của dự án đã mang lại lợi nhuận cho các hộ trực tiếp tham gia với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, mô hình đã huy động và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương với hơn 1.800 công. Dự án cũng đã đào tạo, huấn luyện cho nông dân, đặc biệt là các hộ trực tiếp xây dựng mô hình, nhằm tạo ra lực lượng nòng cốt để mở rộng dự án”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên đánh giá: “Dự án này đã giải quyết được những vấn đề về xác định giống môn sáp, kỹ thuật canh tác, phòng trừ nấm bệnh hại và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho bà con nông dân. Nhờ vậy, diện tích trồng môn sáp đã được khôi phục và phát triển. Hội đồng KHCN thống nhất cho nhân rộng và phát triển dự án này ở những nơi thích hợp ở Phú Yên”.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên), những kết quả nghiên cứu của dự án này mang tính khoa học cao, có giá trị thực tiễn và ứng dụng trong thực tế sản xuất tại vùng dự án. “Thời điểm hiện nay, cao nguyên Vân Hòa chưa có cây trồng nào có giá trị kinh tế cao như vậy. Ngoài lợi nhuận, trồng môn sáp còn góp phần hạn chế việc phá rừng làm rẫy; hạn chế được tình trạng xói mòn, rửa trôi, thoái hóa đất và hoang mạc hóa” – ông Thắng nói.

Bà Lê Thị Thanh, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sơn Hòa đề xuất: “Cần có một tập tài liệu với kỹ thuật, quy trình cơ bản, dễ hiểu để người dân áp dụng dễ dàng. Hơn nữa, cao nguyên Vân Hòa từ tháng 9 – 11 mưa liên tục, trong khi đó, cây môn rất nhạy cảm khi nước thừa, vì thế, các nhà khoa học cần thay đổi thời vụ để quá trình sinh trưởng của môn không bị ảnh hưởng”.

Các giải pháp khoa học công nghệ thực hiện trồng môn sáp gồm: Môn sáp (môn Tây Đà Lạt) được chọn lọc giống tốt, sạch bệnh và bổ sung các giống SDK 350/10345, SDK 10368, Phước sọ Nghệ An… sạch bệnh. Chuẩn bị đất kỹ và xử lý mầm bệnh ngay từ lúc làm đất lần cuối vào khoảng tháng 3 - 4 (bón 600 kg vôi/ha và bừa kỹ). Thời vụ trồng vào tháng 5 – 6, sau cơn mưa tiểu mãn, khi độ ẩm trong đất đảm bảo để củ giống mọc mầm nhanh, sinh nhiều con. Chăm sóc 3 lần, bón phân đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc. Phòng trừ bệnh hại ngay từ lúc xử lý giống, phun thuốc phòng trừ nấm bệnh định kỳ và nếu có bệnh thì phun kịp thời, trị dứt điểm để hạn chế thiệt hại và lây lan sang các ruộng môn khác.

Cây môn sáp có thể trồng xen trong 1 – 2 năm đầu với diện tích trồng keo và trong 1- 3 năm đầu đối với diện tích trồng cao su, xà cừ nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương lưu ý, các loại thuốc trừ nấm bệnh đều có tác dụng phòng trừ bệnh thối củ, thối rễ. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn sinh trưởng của môn sáp, các loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau cho hiệu quả khác nhau. Trồng môn sáp thâm canh (xử lý giống, bón phân, xử lý bằng vôi, phòng trừ nấm bệnh thối củ, thối rễ 2 lần và phun phòng một đợt khi kết thúc mùa mưa) thì an toàn sạch bệnh, cho năng suất cao và hiệu quả nhất.


Khoai Tây Sinora Nhiều Củ, Ít Sâu Khoai Tây Sinora Nhiều Củ, Ít Sâu Kỹ Thuật Trồng Khoai Tây Bằng 'Hạt' Nhân Tạo Kỹ Thuật Trồng Khoai Tây Bằng 'Hạt' Nhân…