Trồng Nấm Bào Ngư Trên Bụi Xơ Dừa
Kỹ thuật trồng nấm bào ngư trên bụi xơ dừa được ứng dụng tại cù lao Tắc Cậu (xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) từ đầu năm 2006. Kỹ thuật này không chỉ góp phần giải quyết được tình trạng bụi xơ dừa gây ô nhiễm môi trường mà còn mang lại thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống người dân. Mô hình trồng nấm bào ngư trên bụi xơ dừa đang được nhân rộng.
Nấm bào ngư là loài nấm dễ trồng, cho năng suất cao, phẩm chất ngon, có nhiều tính chất quí. Tính về thành phần dinh dưỡng, nấm bào ngư có nhiều chất đường cao hơn cả nấm rơm, nấm mỡ, nấm đông cô. Nấm bào ngư cũng không thua các loại nấm trên về hàm lượng đạm, chất khoáng. Xét về năng lượng, nấm bào ngư cung cấp năng lượng ở mức tối thiểu, thấp hơn nấm đông cô, tương đương với nấm rơm và nấm mỡ, rất thích hợp cho những người ăn kiêng. Ngoài ra, kết quả của các nhà nghiên cứu cho thấy trong nấm bào ngư có chất kháng sinh là Pleurotin, ức chế hoạt động của vi khuẩn gam dương. Nấm bào ngư còn chứa 2 polysaccharit có hoạt tính kháng ung bướu, đồng thời, nấm còn chứa nhiều acid folic, rất cần cho những người bị thiếu máu.
Ở nước ta, nấm bào ngư chủ yếu mọc hoang dại và có nhiều tên gọi: nấm sò, nấm trắng (theo cách gọi miền Bắc), nấm dai (theo cách gọi miền Nam). Nấm bào ngư thuộc nhóm nấm dị dưỡng, sống hoại sinh, phá hoại gỗ và háo đường. Được trồng tại Việt Nam khoảng 20 năm nay, trên nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, nấm bào ngư luôn phát triển tốt. Theo kết quả nghiên cứu từ ngành chức năng ở nhiều địa phương, nấm bào ngư trồng trên rơm rạ, bã mía, mạt cưa... đều đạt hiệu suất sinh học (nấm tươi trên trọng lượng nguyên liệu khô) cao.
Tại Kiên Giang, sau một năm thử nghiệm, cho thấy nấm bào ngư được trồng trên bụi xơ dừa có kết quả tốt. Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã sản xuất thử 1.000 bịch phôi, tập huấn cho 20 nông dân và tổ chức hội thảo nghiệm thu kết quả ứng dụng kỹ thuật trồng nấm bào ngư trên bụi xơ dừa tại 5 hộ nông dân. Bắt đầu từ bịch phôi, nông dân sẽ tiếp nhận quy trình kỹ thuật chăm sóc và tưới đón nấm. Trong thời gian này, nhiệt độ và độ ẩm không khí trong nhà trồng được giữ ổn định bằng cách tưới và phun liên tục (khoảng 4-6 lần/ngày). Thời gian thu hoạch từ 7-10 ngày/đợt, mỗi vụ thu hoạch từ 3-4 đợt. Theo dõi các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật, nếu áp dụng thực hiện tốt khâu kỹ thuật, năng suất và sản lượng thu hoạch sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong quá trình ứng dụng kỹ thuật trồng nấm bào ngư trên bụi xơ dừa tại huyện Châu Thành, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân. Tuy nhiên, do lần đầu tiếp nhận quy trình kỹ thuật mới, nông dân còn xem nhẹ một số công đoạn như hấp thanh trùng, đóng bọc, cấy meo,... nên tỷ lệ nhiễm nấm tạp còn cao. Trong 1.000 bịch phôi, có 828 bịch cho ra nấm với tổng lượng thu 124 kg, năng suất trung bình 150g nấm/bịch. Hộ ông Nguyễn Văn Khỏe và Huỳnh Đức Tài có năng suất cao nhất là 175-200g nấm/bịch phôi. Thấp nhất là hộ ông Lâm Văn Danh, chỉ thu được 30g nấm/bịch. Cá biệt, có khoảng 10% bịch phôi tại 2 hộ Huỳnh Đức Tài và Nguyễn Văn Khoẻ cho năng suất cao khoảng 250-300g nấm/bịch.
Chu trình sống của nấm bào ngư cũng giống như các loài nấm khác, bắt đầu từ đảm bào tử hữu tính, nẩy mầm cho hệ sợi tơ dinh dưỡng và cuối cùng là tai nấm; tai nấm sinh ra các đảm bào tử và chu trình lại tiếp tục. Quả thể nấm bào ngư phát triển qua nhiều giai đoạn. Dựa vào hình dạng tai nấm mà có tên gọi cho từng giai đoạn: dạng san hô, dạng dùi trống, dạng phễu, dạng bán cầu lệch, dạng lá lục bình. Từ giai đoạn phễu sang bán cầu lệch có sự thay đổi về chất, còn từ giai đoạn bán cầu lệch sang dạng lá có sự tăng vọt về lượng. Vì vậy, thu hái nấm bào ngư cần chọn lúc tai nấm vừa chuyển sang dạng lá.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng thì môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của nấm như nhiệt độ, độ ẩm, độ chiếu sáng, độ thông thoáng... Do có hệ thống enzym thủy giải mạnh và đa dạng, nấm bào ngư có khả năng sử dụng nguồn hydratcarbon, nhất là cellulose. Nấm bào ngư là một trong số ít loài có khả năng sử dụng nguồn lignin, nhất là trong thời gian đầu của việc tạo quả thể nấm. Nấm có đặc điểm chung là tai nấm dạng phễu lệch, cuống tròn. Mặt dưới mũ nấm có nhiều phiến dẹp, xếp thẳng góc với thân, mang bào tử kéo dài xuống đến chân, cuống nấm gần gốc có lông nhỏ mịn. Các phiến này chính là phụ tầng của nấm. Mặt trên mũ nấm thường hơi lõm ở giữa, có màu sắc khác nhau tùy theo chủng loại nấm và tuổi của nấm. Tai nấm còn non có màu sắc sậm, hơi tối nhưng khi trưởng thành màu trở nên sáng hơn.
Kỹ sư trồng trọt Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Nông-Lâm - Ngư nghiệp huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Trồng nấm bào ngư trên bụi xơ dừa không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương do bụi xơ dừa gây ra mà còn góp phần tăng thu nhập cho người dân từ việc tận dụng những khoảng đất trống bỏ hoang xung quanh nhà. Từ 1 bịch phôi (trọng lượng khoảng 1-1,2 kg) nếu được chăm sóc theo đúng quy trình có thể cho ra 250-300g sản phẩm nấm bào ngư”. Chi phí đầu tư cho 1kg nấm bào ngư từ 6-7 ngàn đồng. Sản phẩm nấm bán được từ 12-15 ngàn đồng/kg, người sản xuất có thể lãi 6-8 ngàn đồng/kg. Như vậy với 10.000 bịch phôi bụi xơ dừa có thể sản xuất ra 2.000 kg nấm bào ngư và cho lợi nhuận 12- 16 triệu đồng.
Việc nhân rộng quy trình sản xuất nấm bào ngư trên giá thể bụi xơ dừa ở huyện Châu Thành giúp tạo ra sản phẩm mới cho địa phương, cung cấp thêm nguồn thực phẩm có giá trị về dinh dưỡng. Mặt khác, với khả năng có thể phát triển và nhân rộng ra nhiều hộ nông dân trong thời gian tới, việc triển khai đề tài còn giúp tận dụng nguồn lao động lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình từ việc sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ