Tin nông nghiệp Trồng nấm chân dài ở xứ rau

Trồng nấm chân dài ở xứ rau

Tác giả Diệp Quỳnh, ngày đăng 03/03/2018

Trồng nấm chân dài ở xứ rau

Đơn Dương có điều kiện tự nhiên thích hợp nuôi trồng các loại nấm ăn đặc sản, nấm dược liệu có giá trị kinh tế. Vì vậy, nấm chân dài - một loài nấm ăn có giá trị cao - đang được nông dân xứ rau Đơn Dương trồng thử nghiệm.

Nấm chân dài ở Đơn Dương. Ảnh: D.Quỳnh

Nấm chân dàiloài nấm ăn quý, với thành phần dinh dưỡng cao mới được nhập ngoại để nuôi trồng ở Việt Nam và đã mang lại hiệu quả kinh tế nhưng chưa được nghiên cứu nuôi trồng và thương mại hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng - kỹ sư Trần Linh, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng chia sẻ. Nguồn gen nấm chân dài được lưu giữ tại Trung tâm, mong muốn của những người nghiên cứu là xây dựng mô hình nuôi trồng nấm chân dài để chuyển giao cho hộ nông dân, cơ sở nuôi trồng nấm sản xuất đại trà loài nấm này. 

Hai nông hộ tại Đơn Dương có kinh nghiệm nuôi trồng nấm đã tham gia thử nghiệm dự án nuôi loại nấm lớn này. Bịch giá thể trồng nấm được xử lý tương tự các loại giá thể trồng nấm khác như trộn đều mùn cưa với cám gạo, cám bắp, ủ lên men, xử lý qua lò hấp để khử khuẩn và sau đó cấy meo nấm. Sau 30-35 ngày, meo sẽ phát triển phủ kín bịch và có thể đưa ra môi trường nuôi dưỡng bên ngoài. Đặc biệt, khác với các loại nấm ăn như bào ngư, nấm rơm, kim châm, nấm chân dài đòi hỏi phải phủ một lớp đất lên mặt bịch meo nấm. Vì vậy, khi chuyển nấm vào giá đỡ cần xé hết bịch nilon bên ngoài, xếp sát bịch meo nấm vào với nhau và dùng đất mịn phủ đều lên mặt bịch phôi, lớp đất phải dày từ 4-5 cm. Lớp đất này được trộn từ đất mịn và xơ dừa, cũng qua xử lý nhiệt để khử khuẩn và đảm bảo tơi xốp. Sau khi phủ đất từ 10-15 ngày là có thể thu hoạch lứa nấm đầu tiên và sau đó có thể thu liên tục trong 45-50 ngày với năng suất ổn định. 

Ông Nguyễn Văn Nguyên, thị trấn Thạnh Mỹ, Đơn Dương vốn là người có kinh nghiệm trồng nấm nên không quá lạ lẫm với cây nấm chân dài dù phương pháp trồng khác khá nhiều so với trồng nấm bào ngư truyền thống đã tham gia thử nghiệm trồng 2.000 bịch nấm chân dài. Tưới nuớc vừa đủ theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, đất phủ trộn kỹ giữa đất mịn và xơ dừa, nhà ông Nguyên thu được tới gần 200g nấm/bịch meo giống, một năng suất khá tốt. Tuy nhiên, trăn trở của ông Nguyên cũng như ông Nguyễn Văn Ngọc, người cùng tham gia trồng nấm chân dài chính là chuyện tiêu thụ. Bởi thị trường hiện tại thường sử dụng nấm bào ngư, nấm rơm, nấm kim châm tươi và nấm đông cô dạng khô, họ chưa sử dụng rộng rãi một loại nấm mới như nấm chân dài. Vì vậy, nếu trồng rộng rãi cần tìm được đầu ra ổn định trước khi canh tác mới đảm bảo được vấn đề tiêu thụ.

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốcTrung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng chia sẻ, hiện nấm chân dài đang được một số doanh nghiệp trồng theo hướng sản xuất thương phẩm đơn cử như Công ty TNHH Thuận Thái (Bảo Lộc). Một kg nấm chân dài hiện có giá bán xấp xỉ 90 ngàn đồng, vượt trội hơn so với 30 ngàn đồng/kg nấm bào ngư. Trên cùng một diện tích đất, nấm chân dài sẽ cho thu nhập cao hơn các loại nấm phổ thông tại Lâm Dồng. Thử nghiệm cây nấm chân dài ở Đơn Dương cho thấy nông dân có thể trồng nấm với sản lượng và chất lượng không thua kém so với các công ty chuyên về nấm. Điều quan trọng là tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu tìm được đầu ra ổn định, người nông dân sẽ có thêm việc làm, tăng thu nhập, tận dụng nguồn phế phụ phẩm để sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần phát triển nghề trồng nấm tại địa phương và phục vụ tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu. 


Tự tạo cơ hội: Dễ như trồng cỏ Nhật Tự tạo cơ hội: Dễ như trồng cỏ… Dâu tây trên xơ dừa thu bạc tỷ Dâu tây trên xơ dừa thu bạc tỷ