Mô hình kinh tế Trồng Ớt Nhận Lương

Trồng Ớt Nhận Lương

Ngày đăng 05/04/2014

Trồng Ớt Nhận Lương

Trồng ớt xuất khẩu đang là mô hình thành công ở huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). Đây là mô hình hợp tác “ba nhà” tạo bước đột phá nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho nông dân.

Tháng 10.2013, UBND huyện Tân Kỳ phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Vintechco Đức Việt triển khai trồng ớt xuất khẩu trên địa bàn. Đây là mô hình hợp tác “ba nhà”: Nhà nước- nhà nông- nhà doanh nghiệp, nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho ND.

“Ba nhà” bắt tay nhau

Công ty Vintechco Đức Việt thuê đất trồng ớt tại 2 xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình 3 năm, với giá 14-18 triệu đồng/ha/năm. Sau khi thuê đất, phía công ty tự chủ toàn bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình thực hiện, công ty sử dụng lao động là nông dân địa phương, với thù lao 120.000-160.000 đồng/ngày. Còn ở 2 xã Tân Long và Tân Phú, Công ty đầu tư giống, phân bón, nylon phủ luống và kỹ thuật để trồng hơn 30ha ớt. Khi thu hoạch, công ty bao tiêu sản phẩm.

Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Để đưa cây ớt vào trồng trên đất của huyện là vấn đề hết sức khó khăn, bởi tập quán sản xuất người nông dân đã quen với cây lúa, cây mía và ngô nên khi đưa cây ớt cay vào đồng ruộng là điều không dễ. Thế nhưng qua quá trình vận động và hướng dẫn bà con, đến nay cây ớt đã cho hiệu quả cao, bà con nông dân thực sự phấn khởi và đặt niềm tin vào cây ớt.

Nông dân có lương

Trên ruộng ớt trĩu quả, chị Hoàng Thị Vân ở xóm Tân Hồ phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 3 sào đất, trước đây trồng lúa, mía nhưng chẳng ăn thua, thu nhập phập phù, có lúc hạn hán bị mất trắng. Nhưng nay, nhờ có doanh nghiệp đầu tư giống; hỗ trợ vật tư kỹ thuật… nên sau gần 3 tháng trồng, ớt đã cho thu hoạch. Trồng ớt khó hơn trồng lúa nhưng đã có cán bộ kỹ thuật công ty hỗ trợ.

Dự kiến 3 sào ớt này gia đình tôi sẽ thu hoạch được khoảng 4,5 tấn quả. Trừ chi phí, với giá bán 5.000 đồng/kg sẽ lãi hơn 20 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng ớt thu hoạch cao hơn gấp 4-5 lần. Công ty lại bao tiêu toàn bộ sản phẩm, tiền lấy ngay tại chỗ nên bà con vui lắm”.

Ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện thông tin: Huyện tiếp tục liên doanh hợp tác với công ty, đồng thời cùng với Hội ND từng bước thành lập HTX trồng ớt tại xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình, mục đích là sau khi công ty bàn giao đất lại cho địa phương thì HTX tiếp tục phối hợp với công ty để trồng ớt, cung cấp sản phẩm xuất khẩu cho công ty…

Những hộ cho thuê đất ở 2 xã Nghĩa Bình và Nghĩa Dũng cũng chung niềm vui được mùa ớt. Bà Nguyễn Thị Liễu, xóm Đình cho biết, nhà bà cho công ty thuê 3 sào đất, công ty còn nhận 3 người trong gia đình bà làm công nhân với mức lương 120.000 đồng/ngày/người. Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà đã nhận được hơn 15 triệu đồng tiền lương. “Bây giờ nông dân chúng tôi cũng thành công nhân rồi. So với làm ruộng khỏe hơn và thu nhập cao hơn nhiều”- bà Liễu phấn khởi cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Khiêm - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vintechco Đức Việt thì để trồng và chăm sóc 80ha ớt tại xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Bình, Công ty đã sử dụng 1.000 lao động thời vụ, tạo điều kiện cho ND trong vùng tiếp cận với phương thức sản xuất mới, mang tính hàng hóa cao.

Ông Khiêm cũng cho biết, tổng đầu tư ban đầu để trồng ớt ở Tân Kỳ là trên 10 tỷ đồng. Dự kiến từ tháng 2 - 6, hơn 110ha ớt trên địa bàn Tân Kỳ sẽ thu hoạch được 800 tấn (tương đương 40 tỷ đồng) để xuất khẩu sang Hàn Quốc”.


Tồn Kho Gần 600 Nghìn Tấn, Giá Đường “Đang Rơi Tự Do” Tồn Kho Gần 600 Nghìn Tấn, Giá Đường… Cam Đường Canh Đem Lại Hiệu Quả Cao Cho Nông Dân Na Rì (Bắc Kạn) Cam Đường Canh Đem Lại Hiệu Quả Cao…