Mô hình kinh tế Trồng sầu riêng thu 500 triệu đồng/năm

Trồng sầu riêng thu 500 triệu đồng/năm

Tác giả Hoàng Vũ - Minh Đãm, ngày đăng 19/06/2017

Trồng sầu riêng thu 500 triệu đồng/năm

Năm nay, cây cho thu hoạch khoảng 14 tấn trái, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000đ/kg như hiện nay thì thu nhập của ông khoảng 500 triệu đồng.

Ông Thức chăm sóc sầu riêng tại vườn nhà

Về ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) hỏi thăm ông Dương Văn Thức, bà con ai cũng hết lời khen ngợi và thán phục ông - một khuyến nông viên gương mẫu, một nông dân cần cù chịu khó, trồng sầu riêng trúng mùa trúng giá liên tục, mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Vườn nhà ông Thức trồng chuyên canh sầu riêng giống  Ri-6 trên diện tích gần 1ha với độ tuổi cây trên 16 năm, có cây to đến một người lớn ôm không giáp. Năm nay, cây cho thu hoạch khoảng 14 tấn trái, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000đ/kg như hiện nay thì thu nhập của ông khoảng 500 triệu đồng. Điều ngạc nhiên là chi phí chăm sóc vườn cây trái của ông rất ít, chỉ khoảng 30 triệu.

Ông Thức chia sẻ: Việc tiết kiệm được chi phí vật tư đầu vào là do ông đã nắm được các nguyên tắc xử lý và chăm sóc cây trong từng thời kỳ cây sinh trưởng cũng như  xử lý ra hoa, kết quả đến thu hoạch. Mỗi giai đoạn của cây ông sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV thích hợp và đúng liều lượng...

Hỏi về nguyên nhân chọn cây sầu riêng để trồng chuyên canh, ông nói khi bắt đầu làm vườn ông trồng xen canh, đa canh nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả. Cuối cùng ông chọn giống sầu riêng giống Ri-6 làm cây chủ lực.

Ông Thức nói: Sầu riêng cây dễ trồng, ăn được nhiều năm, cho trái năng suất khá, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, giá cả tương đối ổn định... Vì vậy cả chục công vườn chỉ một mình ông làm mà không phải thuê lao động. Ngoài công việc SX, ông còn là một cán bộ khuyến nông của xã phải thường xuyên tập huấn cho nông dân.

Hỏi về bí quyết để sầu riêng trúng mùa, ông cho biết, ngoài nắm vững các nguyên tắc và thời kỳ sinh trưởng của cây thì khâu xử lý ra là điều quan trọng quyết định số lượng và chất lượng của trái. Trước tiên phải xử lý ra lá trước, đợi cho đọt ra lá hai cơi thì mới xử lý ra hoa. Nếu hai cơi mà lá còn chưa đủ thì đợi thêm cơi thứ ba mới xử lý. Vì lá đủ dày, khỏe mới quang hợp tốt, nuôi trái mới chất lượng. Song song đó bón thêm phân lân giúp cây tạo mầm, gốc cây bổ sung thêm kali, chất điều hòa sinh trưởng. Khi ra hoa thì phun thuốc trừ các loại sâu hại, giai đoạn kết trái bón NPK 15-15-15, ure và kali nuôi trái, nuôi thân, giúp trái khỏe và cây không mất sức. 

Ông Thức cho biết, cây sầu riêng rất “khó tính”, nhạy cảm với thời tiết. Có những lúc tưởng chừng đã ổn định chỉ cần một cơn mưa thất thường đổ xuống cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất...

Bên cạnh đó yếu tố ra nhiều hoa cũng giúp cho cây có thể đậu nhiều trái, mới có thể giữ lại những trái đẹp, không sâu bệnh. Theo kinh nghiệm của ông, khoảng cách giữa các cây trồng từ 8 - 10m lý tưởng nhất, sẽ giúp cây nhận được nhiều ánh sáng, đẻ nhiều nhánh, tỷ lệ ra hoa sẽ cao hơn cây trồng dày. Ông không xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch (từ tháng 5 đến tháng 10) vì vụ này cây chỉ cho năng suất khoảng 70% so vụ thuận (từ tháng 1 đến tháng 5) và sản lượng thấp. Cây sẽ mất sức và vụ sau sẽ không cho năng suất cao.

Với kinh nghiệm 17 năm trồng sầu riêng, ông Thức cho biết, thâm canh tốt năng suất sẽ tăng đều theo mỗi năm. Năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 nhà ông chỉ thu hoạch được khoảng 8 tấn/ha nhưng năm nay cao hơn gần gấp đôi và bán được giá.

Năm nay vườn sầu riêng của ông Thức trúng mùa và bán được giá


Trồng 6ha điều, 3ha keo, nuôi 8 bò lai, mỗi năm thu gần 400 triệu Trồng 6ha điều, 3ha keo, nuôi 8 bò… Mô hình PGS ngày càng phát huy hiệu quả Mô hình PGS ngày càng phát huy hiệu…