Tin nông nghiệp Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 - 100 tấn/ha

Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 - 100 tấn/ha

Tác giả Minh Sáng, ngày đăng 27/11/2017

Trồng thanh long công nghệ mới Israel, năng suất có thể đạt 80 - 100 tấn/ha

Một số nông dân ở vùng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An) mạnh dạn đầu tư SX thanh long theo công nghệ Israel nhằm tiết kiệm diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng trái hướng tới xuất khẩu sang thị trường khó tính…

Áp dụng biện pháp bao trái thanh long nhằm tránh sâu bệnh hại

Thanh long leo giàn sắt

Chợ Gạo thời điểm này đang mùa xông đèn thanh long. Anh Nguyễn Hữu Phúc ở ấp An Thị, xã Mỹ Tịnh An chia sẻ: “Trồng thanh long theo phương pháp truyền thống bằng trụ bê tông mỗi trụ cách nhau tới 3m, nay áp dụng kỹ thuật mới trồng theo giàn chữ T, mỗi gốc chỉ cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích đất lại giảm công chăm sóc”.

Theo anh Phúc, mô hình trồng thanh long theo giàn được Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Trước đó, với mỗi công đất (1.000m2) trồng trụ bê tông chỉ trồng được khoảng 440 hom. Nay áp dụng phương pháp mới có thể trồng được tới 1.170 hom/công. Hơn nữa, cùng diện tích này trồng kiểu truyền thống chỉ thu lãi khoảng 5 triệu/công, còn trồng giàn cho lãi 12 triệu đồng/công.

Ưu điểm của mô hình trồng thanh long kiểu chữ T có sự khác biệt so với kiểu trồng truyền thống là hệ thống cành phân tán đều, ít bệnh hơn. Lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường nên cành nhiều hơn, năng suất cũng cao hơn. Ước tính ban đầu đạt khoảng 80 tấn/ha/năm.

Do mô hình trồng thanh long leo giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình anh Phúc tiếp tục mở rộng thêm 2.500m2 trồng thanh long ruột đỏ và cải tiến kỹ thuật phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi phí.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Long Hòa, xã Long Trì, huyện Châu Thành cũng trồng thanh long ruột đỏ (685 trụ) trên diện tích 5.000m2,  trong đó 2.000m2 áp dụng công nghệ giàn sắt.

Ông Minh giới thiệu về giàn sắt hình chữ A sau khi cải tiến từ giàn chữ T trồng thanh long

Ông Minh tâm sự: “Lúc đầu tôi cũng chỉ trồng theo kiểu truyền thống nhưng sau khi tham khảo phương pháp trồng mới, tôi đã quyết định đầu tư áp dụng theo công nghệ giàn sắt và lắp đặt hệ thống phun tưới tự động nhỏ giọt bằng đường ống”.

Từ mô hình trồng thanh long bằng trụ bê tông và giàn sắt hình chữ T, ông Minh đã tự điều chỉnh thiết kế bằng giàn sắt hình chữ A cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao hơn so với trồng trụ, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện hơn và tránh được bão gió.  

Hướng sản xuất mới

Một trong những mô hình mới đang được nông dân quan tâm là trồng thanh long ruột đỏ bằng giàn theo công nghệ Israel.

Vườn thanh long của gia đình ông Minh lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm

Hàng chục năm nay, với 16.000m2 đất, ông Trần Văn Năm ở xã Long Trì, huyện Châu Thành chỉ tập trung canh tác thanh long ruột trắng. Gần đây thanh long ruột trắng giá thấp, đầu ra bấp bênh nên ông mạnh dạn chuyển hơn 6.000m2 sang trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Ông Năm cho biết, đến nay toàn bộ diện tích thanh long ruột đỏ của gia đình đều được áp dụng công nghệ tưới phân, nước nhỏ giọt tự động có kiểm soát. Trên vườn mỗi trụ cho từ 30 - 35 trái. Mùa vụ vừa qua, thanh long ruột đỏ có giá 45.000 đồng/kg cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, gấp đôi so với thanh long ruột trắng.

Sản xuất thanh long CNC là hướng đi mới

Ông Nguyễn Văn Đà ở ấp Long Thuận, xã Long Trì có  7.000m2 trồng thanh long (khoảng 1.000 trụ thanh long ruột trắng) tâm sự: “Công nghệ cao làm giàn sắt đầu tư kinh phí khá cao nên chờ thêm thời gian xem hiệu quả thực tế ra sao thì bà con mới dám làm”.

Tuy nhiên, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo, nếu nông dân mạnh dạn áp dụng mô hình này thì khả năng sẽ cho năng suất cao hơn từ 2 - 3 lần so với trồng trụ bê tông, có thể đạt từ 80 - 100 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu cho biết: “Địa phương đang khuyến khích nông dân trồng thanh long theo công nghệ mới, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng những thị trường khắt khe về chất lượng. Việc quy hoạch vùng trồng, áp dụng công nghệ cao SX thanh long leo giàn sắt đang mở ra hướng sản xuất mới, giúp nông dân thu nhập khá hơn”.

Ông Minh điều khiển hệ thống tưới tự động cho vườn thanh long

Theo ông Hôn, mới đây nhiều lô hàng thanh long chất lượng cao lần lượt được XK sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Australia... Đây chính là động lực để nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi mô hình SX nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.


Trang trại rau sạch thủy canh với hơn 3.000 cây, 300 loại củ, quả giữa lòng thành phố Trang trại rau sạch thủy canh với hơn… Hiệu quả từ nuôi giun quế tạo phân vi sinh Hiệu quả từ nuôi giun quế tạo phân…