Trồng Tiêu Trên Cây Trụ Muồng Đen
( www.binhdien.com )
Cây hồ tiêu có nguồn gốc từ tán rừng thưa nên ánh sáng tán xạ nhẹ phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây tiêu hơn là trực xạ. Bóng mát sẽ điều tiết sự ra hoa quả, làm cây không ra hoa quả quá độ, do vậy ổn định đuợc năng suất và duy trì được tuổi thọ của vườn tiêu. Các nghiên cứu ở Sri Lanca, Ấn Độ, Indonesia đều cho thấy rằng bóng rợp ở một mức độ nhất định là cần thiết cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển.
Cây tiêu được trồng dưới ánh sáng trực tiếp không được che bóng thường bị rối loạn sinh lý ngay cả khi điều kiện độ ẩm đất hoàn toàn thuận lợi. Trồng tiêu trên cây trụ sống vừa tạo được độ che bóng cho vườn tiêu vừa đảm bảo trụ cho tiêu leo bám. Ở nước ta, nhiều vùng trồng tiêu có kinh nghiệm tốt trong việc sử dụng cây trụ sống cho tiêu, các loại cây trụ sống thường gặp là lồng mức, mít, keo dậu, muồng cườm, anh đào (đỗ mai) ........tùy theo tập quán từng địa phương.
Dùng cây muồng đen (Cassia siamea) làm trụ sống cho tiêu có thể xem là một phát hiện mới về một loại trụ sống nhiều ưu điểm cho vùng Tây Nguyên. Trước đây người ta cho rằng cây muồng đen có tán lá quá rậm rạp ít thích hợp cho trồng tiêu, tuy vậy khi được trồng với mật độ thích hợp và rong tỉa cây trụ sống hợp lý, nhiều mô hình trồng tiêu trên cây trụ muồng đen ở huyện Krông Ana đã đạt được năng suất tiêu rất cao vào thời kỳ kinh doanh, từ 4-5 tấn tiêu đen/ha.
Ngoài trồng thuần tiêu trên trụ muồng đen, thì các mô hình trồng xen tiêu trong các lô cà phê dựa vào các hàng đai rừng và cây che bóng là muồng đen cũng đã góp phần đa dạng hoá cây trồng, đa dạng hoá sản phẩm trong các vườn cà phê. Một ha cà phê với 200 - 370 trụ tiêu là cây muồng đen trồng làm đai rừng chung quanh và che bóng trong lô có thể đạt 3,6 tấn cà phê nhân và 1,11 tấn tiêu đen. Việc trồng tiêu phân tán trên các hàng đai rừng và cây che bóng còn có thể hạn chế được điều kiện lây lan của các loại bệnh nguy hiểm do các cây tiêu không tập trung gần nhau. Đây là một kiểu canh tác bền vững cần được chú trọng nhân rộng.
1. Kỹ thuật trồng tiêu trên cây trụ muồng đen
Cây muồng đen được trồng với mật độ từ 1110-1330 cây/ha (3x3m) bằng cây con ươm từ hạt hoặc trồng bằng cành. Muồng đen sinh trưởng khỏe, đường kính thân tăng nhanh, vỏ cây nhám thuận tiện để tiêu leo bám. Trồng muồng đen từ cây con thì phải trồng trước khi trồng tiêu 2 năm, nếu trồng tiêu cùng năm thì phải trồng thêm cây trụ tạm cho tiêu leo khi cây muồng còn nhỏ. Muồng đen cũng có thể trồng bằng cành. Chọn các cành muồng đen thẳng, khoảng 10-12 tháng tuổi, có đường kính từ 7-8cm, dài 2,5- m để trồng.
Dùng cây trụ muồng bằng cành có thể trồng cùng năm với tiêu và không cần trụ tạm. Để có thể có được nhiều trụ muồng đen đạt tiêu chuẩn đem trồng đồng loạt, người ta thường đốn thấp các cây muồng đen lớn tuổi trước đó 1 năm. Từ các gốc cây này sẽ mọc lên nhiều thân thẳng, khỏe mạnh. Trước khi cắt cành đem trồng từ 1 - 2 tháng, khoanh vỏ ở gốc cành, nhựa sẽ tập trung ở phần u phía trên vết khoanh, điều này làm cho cành muồng nhanh ra rễ khi đem trồng do vậy tăng tỷ lệ cành sống.
Các gốc cây muồng già làm nhiệm vụ sản xuất cành muồng trong nhiều năm. Việc rong tỉa cây muồng để tạo độ che bóng phù hợp cho vườn tiêu rất được chú trọng. Cây muồng đen được hãm ngọn ở độ cao 4-4,5m. Vào đầu mùa mưa, muồng được rong tỉa mạnh, chỉ để lại một cành nhỏ hút nhựa. Ánh sáng đầy đủ vào mùa ra hoa tạo điều kiện cho sự ra hoa, đậu quả được thuận lợi. Trong suốt mùa mưa, rong muồng từ 2-3 lần, lần rong cuối cùng trước khi chấm dứt mưa 1 tháng. Cành lá muồng để ép xanh cho vườn tiêu để tăng độ mùn cho đất vườn.
2. Bón phân cho hồ tiêu
Hồ tiêu có bộ rễ yếu, nhạy cảm với sâu bệnh nên sử dụng phân bón khoáng với lượng vừa phải, tăng cường phân hữu cơ và phun phân bón lá cho tiêu.
- Từ năm trồng mới đến năm thứ 3 dùng phân NPK 16-16-8-13S Đầu Trâu và phân hữu cơ Compomix với liều lượng sau:
+ Trồng mới: bón 10-15kg phân chuồng hoặc 2-3kg Compomix/trụ, sau đó bón thúc 0,2-0,3kg /trụ NPK 16-16-8-13S Đầu Trâu.
+ Năm thứ 2: 0,5-0,6kg NPK 16-16-8-13S Đầu Trâu + 1-2kg Compomix/trụ
+ Năm thứ 3: 0,8-1,0kg NPK 16-16-8-13S Đầu Trâu + 1-2 kg Compomix/trụ
- Các năm kinh doanh dùng phân NPK 16-8-16 Đầu Trâu hoặc NPK 25 -10-20 TE Đầu Trâu, bón từ 1,2- 2 kg/trụ tùy loại phân và tùy năng suất vườn cây. Hàng năm đều bón 2 kg Compomix/trụ.
Sử dụng phân bón lá trên cây hồ tiêu
- Hồ tiêu Kiến thiết cơ bản: Sử dụng phân bón lá Đầu Trâu 005 với liều lượng 200gr/1 phuy 200 lít, xịt từ 400-600 lít nước/ha cách nhau 7-10 ngày/lần.
- Hồ tiêu kinh doanh: Sử dụng phân bón lá Đầu Trâu 901 với liều lượng 200gr/1 phuy 200 lít, xịt từ 400-600 lít nước/ha cách nhau 7-10 ngày/lần, tập trung vào giai đoạn trước khi ra hoa và sau đậu trái, nuôi trái.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ