Trồng Vải Thiều VietGAP
Nhằm nâng cao giá trị cây vải, mang lại hiệu quả cho người dân, hướng tới xuất khẩu, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt đề án “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà, đảm bảo ATVSTP theo quy trình VietGAP”.
Thanh Hà là huyện thuần nông với 10.000 ha đất nông nghiệp, SX hai cây trồng chính, là lúa và vải thiều; trong đó diện tích vải có thời điểm lên đến 6.800 ha. Do rớt giá nên người dân đã phá bỏ dần, chỉ còn khoảng 4.000 ha. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị của cây vải. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý mới chỉ thể hiện được nguồn gốc xuất xứ, chưa đáp ứng được yêu cầu ATVSTP đối với sản phẩm vải thiều.
Ông Ngô Bá Định, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cho biết: Việc lạm dụng thuốc BVTV không có chọn lọc làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả vải, ATVSTTP và sức khoẻ người SX, người tiêu dùng. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện triển khai đề án SX vải thiều theo VietGAP (từ 2012 - 2014) trên quy mô 100 ha tại 3 xã (Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Thủy) với khoảng 600 hộ dân tham gia.
Năm 2012, thực hiện mô hình 20 ha tại xã Thanh Sơn. Năm 2013, làm tiếp 20 ha tại xã Thanh Khê và duy trì 20 ha ở xã Thanh Sơn. Năm 2014, làm mô hình 20 ha ở xã Thanh Thuỷ và duy trì 20 ha tại xã Thanh Khê. Đây là 3 xã vùng vải truyền thống, gắn với cây vải tổ và vùng SX của Hiệp hội SX và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. Mỗi năm, dự án sẽ xây dựng một mô hình mới, đồng thời duy trì mô hình trước đó nhằm rút kinh nghiệm, tạo điều kiện cho người trồng vải học tập, mở rộng.
Theo đó các xã sẽ quy hoạch vùng SX chuyên canh vải từ 10 ha trở lên, không xen ghép các loại cây ăn quả khác, không có trang trại chăn nuôi nằm trong vùng và không ô nhiễm nguồn nước. Đơn vị giám sát sẽ phối hợp với địa phương tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân tham gia dự án, hướng dẫn các hộ ghi chép sổ sách; theo dõi giám sát quá trình thực hiện quy trình SX vải theo VietGAP; xác định các lỗi vi phạm, hướng dẫn khắc phục lỗi; lấy mẫu và phân tích đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng quả, các chỉ tiêu về VSATTP (tồn dư thuốc BVTV, tồn dư kim loại nặng, vi sinh vật gây hại và tồn dư nitrat); phân tích chất lượng sản phẩm (sinh hoá quả và các chất tồn dư độc hại…).
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 6 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 3,2 tỷ, người dân đóng góp 2,8 tỷ đồng. Phòng NN-PTNT Thanh Hà được giao chủ trì thực hiện. Viện Nghiên cứu rau quả TƯ là đơn vị giám sát và cấp chứng chỉ VietGAP cho sản phẩm vải thiều.
Ông Định cho hay: Vải thiều VietGAP sẽ cho năng suất khoảng 11 tấn/ha (cao hơn 2-3 tấn/ha so với SX thông thường; giá bán bình quân khoảng 10 nghìn đồng/kg, gấp 1,6 lần vải bình thường. Sản phẩm vải thiều sẽ có chất lượng tốt. Giá trị SX vải thiều theo VietGAP đạt khoảng 110.000.000 đồng/ha, cao gấp 1,8 lần so với vải bình thường.
Thông qua việc thực hiện dự án, người trồng vải Thanh Hà sẽ được làm quen với quy trình canh tác mới, hiệu quả, được tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong SX cây ăn quả để phát triển kinh tế. Dự án thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy hướng mới trong trồng, chăm sóc vải theo hướng VietGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng và VSATTP.
Qua đó, hình thành các mô hình quy mô hộ gia đình, trang trại vừa và nhỏ, quy mô thôn, liên thôn, xã, liên xã và toàn huyện, tác động tích cực vào quá trình phát triển cây vải thiều, một trong những cây trồng trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó tăng tính cạnh tranh của sản phẩm vải thiều trong điều kiện hội nhập kinh tế...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ