Trồng xen canh để tái canh cà phê ở Hướng Hóa
Bên cạnh diện tích lúa nước, huyện đã chú trọng phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả như cà phê, chuối...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cả các loại cây này lên xuống bấp bênh làm cho đời sống của nhiều hộ dân thiếu ổn định.
Hơn nữa, nhiều diện tích cà phê ở Hướng Hóa khai thác hơn 15 năm nay đã già cỗi cần phải tái canh, trong khi đó người dân lại gặp khó khăn về vốn.
Trước tình hình đó, giải pháp tốt nhất là chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một phần diện tích đất trồng cà phê và trồng xen canh cây cà phê với cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài phát triển cây cà phê.
Nhiều diện tích cà phê già cỗi ở Hướng Hóa được cải tạo với các phương pháp phù hợp, hiệu quả
Từ trước đến nay người dân ở xã Hướng Tân chủ yếu trồng cà phê và loại cây này đã từng mang lại thu nhập khá cho người dân.
Nhưng những năm qua giá cà phê lên xuống thất thường nên cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay nhiều diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp lại thường bị bệnh, chất lượng cà phê không đảm bảo nên ngay cả khi giá cà phê lên cao thì thu nhập của người dân cũng không mấy cải thiện.
Nếu muốn tiếp tục canh tác cây cà phê thì nhất thiết phải tái canh nó.
Nhưng tái canh cà phê cần khá nhiều vốn, khoảng từ 70 - 80 triệu đồng/ha.
Hơn nữa, trồng lại cà phê phải mất 3 năm mới cho thu hoạch.
Đó là những khó khăn lớn mà người dân không chỉ xã Hướng Tân mà trên toàn huyện Hướng Hóa đang phải đối mặt buộc họ phải lựa chọn những giải pháp chuyển đổi một phần diện tích phù hợp và thực hiện phương pháp xen canh cây ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài” phát triển cây cà phê.
Là một xã thuần nông, trước những khó khăn về phát triển cây cà phê của nông dân, chính quyền xã Hướng Tân đã chỉ đạo người dân chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Chủ trương của xã là phát triển đa cây, đa con phù hợp với chất đất và quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm khai thác tốt lợi thế về đất đai, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.
Từ đó, xã chỉ đạo không chuyển đổi ồ ạt diện tích trồng cây cà phê đã già cỗi sang trồng các loại cây trồng khác mà khuyến khích người dân chỉ chuyển một phần sang trồng các loại cây ngắn ngày, phần còn lại vẫn tiếp tục tái canh cây cà phê vì đây là một loại cây có thế mạnh của vùng đất này.
Các loại cây ngắn ngày được lựa chọn chuyển đổi và trồng xen là cây hoa màu như đậu đỗ, ném, gừng, khoai lang ruột vàng...
Gia đình anh Phan Thanh Tự ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân canh tác 2,2 ha cà phê đã lâu năm, nay một số đã già cỗi.
Trước tình hình cà phê mất mùa, mất giá liên tục, năm 2013, gia đình anh Tự đã chuyển đổi 0,5 ha sang trồng ném và gừng.
Số diện tích cà phê tái canh anh cũng trồng xen canh thêm 2 loại cây này khi cà phê đang còn nhỏ.
Nhờ đầu tư thâm canh tốt nên diện tích ném và gừng hàng năm cho năng suất tương đối cao, cộng thêm những năm qua sản phẩm của 2 loại cây này bán được giá trên thị trường nên gia đình anh đã thu hoạch đạt giá trị kinh tế khá.
Thời vụ trồng ném ở Hướng Hóa cũng kéo dài hơn vùng đồng bằng nên người dân có thể gối được nhiều vụ trong năm đã đem lại thu nhập khá.
Anh Tự cho biết: “Gia đình tôi phát triển các loại cây ngắn ngày để tạo thu nhập trước mắt cho việc đầu tư phát triển cây cà phê.
Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi đã thu được khoảng 30 triệu đồng từ ném và gừng nên đã có vốn đầu tư cho việc tái canh cây cà phê.
Sang năm, cà phê tái canh sẽ cho thu hoạch, nhưng diện tích cây ngắn ngày gia đình tôi vẫn phải duy trì để đảm bảo nguồn thu hàng ngày và quanh năm vì vùng này trồng cây hoa màu cũng khá thuận lợi”.
Lợi thế của cây ngắn ngày là vốn đầu tư ít, thời vụ trồng nhanh, nhanh cho thu nhập, nếu trồng không đạt hiệu quả cao thì dễ chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày khác.
Hiện nay, toàn huyện Hướng Hóa hơn 3.000 ha cà phê có tuổi thọ trên 12 năm cần được tái canh.
Nếu tái canh ồ ạt thì sẽ khó khăn cho nông dân không chỉ về vốn đầu tư mà còn gián đoạn nguồn thu nhập phục vụ đời sống hàng ngày.
Do đó, một số xã chủ trương chuyển đổi một phần diện tích nhỏ sang trồng cây ngắn ngày, đồng thời khuyến khích người dân trồng xen canh để đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, mặc dù hiện nay cà phê đang xuống giá nhưng các xã cũng lưu ý đến vấn đề người dân chuyển đổi ồ ạt nên đã tập trung tư vấn cho người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên một số diện tích phù hợp, ưu tiên trồng xen canh, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến định hướng phát triển nông nghiệp lâu dài và bền vững.
Ông Trần Khánh Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Tân cho biết: Xã khuyến khích người dân trồng cây ngắn ngày nhưng phải trồng phù hợp trong điều kiện cho phép.
Xã cũng đã phối hợp với cán bộ kỹ thuật huyện hỗ trợ, đào tạo người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, định hướng đầu ra cho nông sản.
Xã chỉ đạo phát triển hài hòa cây hoa màu và vẫn đảm bảo diện tích cây cà phê, không trồng ồ ạt cây hoa màu không chỉ dễ gặp khó khăn về đầu ra khi sản phẩm quá nhiều mà còn sẽ phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng của địa phương.
Chủ trương “lấy ngắn nuôi dài” để phát triển bền vững cây cà phê ở Hướng Hóa hiện nay là đúng đắn.
Trong điều kiện người dân còn gặp nhiều khó khăn về vốn thì chủ trương phát triển đa cây, đa con làm nền tảng cho phát triển cây chủ lực là giải pháp thích hợp nhất không chỉ giúp người dân đứng vững trước sự lên xuống thất thường của giá cả nông sản mà còn giúp họ an tâm bám đất với những đầu tư dài lâu để làm giàu bằng chính thế mạnh đất đai và lao động.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ