Mô hình kinh tế Trồng Xen Canh Với Vườn Cà Phê: Mô Hình Cho Hiệu Quả Kép

Trồng Xen Canh Với Vườn Cà Phê: Mô Hình Cho Hiệu Quả Kép

Ngày đăng 23/11/2013

Trồng Xen Canh Với Vườn Cà Phê: Mô Hình Cho Hiệu Quả Kép

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), hiện có hơn 60% diện tích trồng cà phê tại các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã áp dụng mô hình xen canh với các loại cây mít, tiêu, ca cao, sầu riêng… Việc trồng xen canh trong vườn cà phê giúp người nông dân đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch, nâng cao giá trị sử dụng và thu hoạch trên một diện tích đất.

Cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Bà Rịa-Vũng Tàu, tuy nhiên, nhiều vườn cà phê ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành đang có dấu hiệu suy thoái vì già cỗi, thiếu sự chăm sóc. “Để tăng thêm thu nhập, chúng tôi tiến hành trồng xen canh cà phê với các loại cây cho giá trị và có thể thu hoạch quanh năm như ca cao, mít siêu sớm Thái Lan… Việc trồng xen canh đã phát triển rộng khi cây cà phê cho thu nhập thấp do rớt giá, còn vườn tiêu dễ chết vì bệnh và thời tiết đã tạo thành những mô hình xen canh cà phê – mít, cà phê – tiêu… hiệu quả về kinh tế cho người nông dân” – anh Trần Thạch Duy, xã Sông Xoài (huyện Tân Thành) cho biết.

Theo tính toán của các nhà vườn ở xã Sông Xoài (huyện Tân Thành), Láng Lớn (huyện Châu Đức)… 1ha cà phê cho khoảng 2 tấn hạt, với giá hiện nay 30.000 đồng/kg thì người nông dân có lãi rất thấp. Nếu trồng xen canh với tiêu, mít, ca cao thì sẽ thu thêm được một khoản thu tương đối lớn và có thể thu hoạch rải rác quanh năm ở nhiều thời điểm khác nhau với lợi nhuận đạt khoảng 70 triệu đồng/ha mỗi năm.

Tìm giải pháp ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê, từ năm 2011, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ triển khai mô hình trồng xen canh cây cà phê với các loại cây khác. Sau 3 năm thực hiện, mô hình này đã khẳng định đây là giải pháp hiệu quả và giảm thiểu được tình trạng trồng rồi chặt bỏ khi mặt hàng này mất giá. Ông Huỳnh Dự (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho hay, gia đình ông trồng 5 sào cà phê xen tiêu. Ông cho rằng đây là mô hình canh tác hiệu quả do không bị động bởi một loại sản phẩm.

Anh Trần Thạch Duy cho biết, qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nông dân các xã: Đá Bạc, Suối Nghệ (huyện Châu Đức)… gia đình anh đã trồng hàng trăm cây mít Thái siêu sớm giữa vườn cà phê. Năm 2012, tuy là cây phụ nhưng với giá từ 10-15.000 đồng/kg mít đã đem lại khoản thu nhập khá để tái đầu tư phát triển cây cà phê và vườn tiêu.

Theo kinh nghiệm của nhiều chủ vườn trồng xen canh cà phê - mít, đây là hai loại cây rất hợp với nhau. Cây mít có tác dụng che bóng, giữ nước và khi tưới cho cà phê thì tưới chung cho cây mít nên tiết kiệm nước, thời gian và chi phí. Qua khảo sát thực tiễn, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư cũng cho rằng đây là mô hình hiệu quả. Để thành công với mô hình trồng xen canh, người dân phải hiểu rõ những đặc tính sinh học của từng loại cây để có kỹ thuật bón phân, tưới nước chung cho phù hợp. Các giải pháp trồng xen canh như những mô hình cà phê – tiêu, cà phê – mít, cà phê – ca cao… phải phù hợp với điều kiện nông hộ khác nhau, tùy vào địa hình, thổ nhưỡng từng địa phương mới đem lại hiệu quả. Cho nên, phải có nghiên cứu cụ thể trước khi ứng dụng rộng rãi vào vườn cây của mình nhằm đem lại hiệu quả cao.


Hơn 600ha Rừng Mỡ Bị Sâu Ong Phá Hoại Hơn 600ha Rừng Mỡ Bị Sâu Ong Phá… Cây Sắn Lên Ngôi Cây Sắn Lên Ngôi