Tin thủy sản Trung du miền núi phía Bắc: Giải pháp nghề nuôi lồng bè

Trung du miền núi phía Bắc: Giải pháp nghề nuôi lồng bè

Tác giả Anh Vũ, ngày đăng 13/08/2018

Trung du miền núi phía Bắc: Giải pháp nghề nuôi lồng bè

Với lợi thế có hệ thống sông ngòi phong phú, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Tìm giải pháp phát triển đồng bộ, theo quy hoạch, cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mục tiêu mà các địa phương hướng đến.

Nuôi cá lồng ở Thái Nguyên. Ảnh: Vũ Mưa 

Tiềm năng cần khai thác

Theo báo cáo của địa phương, diện tích nuôi cá lồng bè năm 2017 của các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc khoảng 7.000 lồng (tăng gần 15% so năm 2016); sản lượng đạt 9.690 tấn (tăng 17%).

Nuôi cá lồng bè của các tỉnh khu vực này tuy chưa tạo thành hàng hóa tập trung xuất khẩu nhưng đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn là cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, nghề nuôi cá lồng bè có ưu thế dễ nuôi, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch; đặc biệt, cá nuôi lồng bè có chất lượng thịt thơm ngon, không có mùi bùn như nuôi trong ao, năng suất cao gấp 10 - 20 lần so nuôi cá ở ao hồ.

Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè ở các địa phương vẫn chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Người nuôi phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên dễ bị thương lái ép giá, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, môi trường ngày càng ô nhiễm, sự biến động thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây ra những thiệt hại không nhỏ cho người nuôi...

Phát triển theo chuỗi giá trị

Ông Kim Văn Tiêu cho rằng, các cơ sở nuôi và địa phương phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ bà con xây dựng các THT, HTX, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo lợi ích cho người nuôi. Nâng cao được tiềm lực kinh tế, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ, giống đến tiêu thụ sản phẩm…

Điển hình, tỉnh Hòa Bình đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân triển khai Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản sông Đà thực hiện trong 2 năm (2017 - 2018) trên địa bàn 5 huyện, thành phố. Trong đó, tại TP Hòa Bình có 2 cơ sở tham gia là Công ty TNHH thủy sản Hải Đăng và Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh với quy mô 240 lồng, sản lượng khoảng 700 tấn/ha. Tại huyện Đà Bắc, có HTX dịch vụ sản xuất - kinh doanh nông, lâm nghiệp Hiền Lương với 6 hộ tham gia, quy mô 93 lồng cá, sản lượng 300 tấn/ha. Sản phẩm theo chuỗi là các loại cá đặc sản như lăng đen, lăng vàng; lăng chấm, ngạnh, tầm; các loại cá truyền thống như: trắm, chép, rô phi. Các cơ sở, hộ gia đình được hỗ trợ tập huấn, kinh phí mua con giống, hướng dẫn áp dụng quy phạm thực hành sản xuất VietGAP và các quy định về vệ sinh ATTP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm… Các hộ và cơ sở cam kết thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong việc nuôi cá lồng bè.

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 35 doanh nghiệp, HTX, THT trang trại hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô khá lớn, chiếm tỷ 55% số lồng nuôi và 67% sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đã có 7 doanh nghiệp ký kết với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn theo hướng VietGAP bảo đảm ATTP, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định.

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo ra các sản phẩm an toàn bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, khai thác được tiềm năng đặc thù, phát triển và quảng bá sản phẩm cá sông Đà. Chi cục Thủy sản Hòa Bình đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá sông Đà Hòa Bình.

>> Ngày 12 - 13/7/2018, tại Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Sơn La, UBND huyện Quỳnh Nhai tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển nuôi cá lồng bền vững và hiệu quả cao trên sông và hồ chứa vùng Trung du miền núi phía Bắc”; để cùng bàn luận những giải pháp giúp phát triển nghề nuôi lồng bè hiệu quả và bền vững.


Hiệu ứng mùa mưa trong ao tôm Hiệu ứng mùa mưa trong ao tôm Thành công từ mô hình cá lóc bông Thành công từ mô hình cá lóc bông