Mô hình kinh tế Trúng Mùa Cá Bông Lau

Trúng Mùa Cá Bông Lau

Ngày đăng 22/01/2014

Trúng Mùa Cá Bông Lau

Thiên nhiên thật hào phóng, ban tặng cho người dân ở vùng châu thổ Mê Kông một loài cá quý có tên là bông lau (loài hoa trắng). Cá thuộc loại da trơn, thịt trắng, thơm ngon. Giới sành điệu gọi là “đệ nhất da trơn” vì có giá trị cao gấp 10 lần cá tra. Hằng năm, khi nước dưới sông chuyển màu từ đục sang trong, cơn gió chướng bắt đầu thổi, là lúc người dân trong vùng bước vào mùa đánh bắt.

“Em ơi em, con nước đêm nay cá dính nhiều lắm, “bà cậu” đãi… tụi mình rồi. Em ra sông gỡ cá tiếp anh”. Tiếng sáu Hiệp, ngư dân chuyên đánh bắt cá trên sông Vàm Nao, ngân vang trong đêm khuya thanh vắng. Ở trên bờ, gà trong xóm đã gáy canh ba nhưng bà Chín (mẹ sáu Hiệp) vẫn ngồi lắc võng ru cháu nội bằng giọng Nam Bộ: “Hò o o… ơi! Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao, thấy con cá bông lau nhảy nhào vô lưới, anh ngồi anh chắc lưỡi, biết chừng nào mới cưới đặng em…”. Đêm đã khuya. Bà Chín lo cho chồng và con trai vẫn chưa về. Nghe tiếng con gọi, bà chợt hiểu, con nước cuối cùng dính nhiều cá nên những người thân của bà phải thức “trắng đêm” cùng bông lau.

Ngày nay, đánh cá bông lau không chỉ có người nghèo mà nhà giàu cũng tham gia. Ngoài việc có thu nhập, đây còn là “thú vui” của người dân miền sông nước. “Tôi được con tôi đón qua Mỹ định cư đã 30 năm, mùa nào tôi cũng trở về quê đánh cá vui xuân, đón Tết. Có năm về không được, ở Mỹ nhớ quay quắt…” - bác tám Lăng (70 tuổi, ngụ TX. Cao Lãnh, Đồng Tháp) nói.

Ngư dân thường dùng 2 loại lưới đánh cá (lưới thả và lưới giăng): Lưới thả thì dùng đánh bắt vào đầu vụ và cuối vụ; lưới giăng để đánh bắt lúc chính vụ. Mỗi tay lưới giá khoảng 10 triệu đồng, chiều cao lưới từ 50 – 55 mặt (mỗi mặt có kích thước 14cm), dài từ 200 - 300m. Dọc sông Tiền, sông Hậu, từ thượng nguồn đến hạ lưu có trên 2.000 xuồng lưới của ngư dân tham gia đánh bắt. Mùa cá năm nay, ngư dân “trúng đậm” vì lũ vừa rồi nước lớn, sông có nhiều mặt cá. Ngoài cá bông lau loại lớn (11kg), ngư dân còn đánh được cá nhỏ cân nặng 1,3 kg. Theo kinh nghiệm của anh sáu Hiệp, đầu vụ đánh được cá lớn lẫn cá nhỏ thì năm đó sẽ trúng mùa. Cá lớn, ngư dân thường gọi là cá nền (chúng còn sót lại của mùa rồi). Cá nhỏ, từ thượng nguồn về.

Dân chuyên nghiệp đánh cá bông lau rất tín ngưỡng, tôn sùng “bà cậu”. Vào vụ, ngư dân luôn “kiêng cử” chuyện sinh hoạt gia đình; ra sông thì cơ thể luôn trong sạch, tâm hồn trong sáng. Trước khi xuống lưới, phải làm lễ cúng “bà cậu”, thành khẩn van vái. Cuối vụ, làm lễ tổng kết, báo cáo “bà cậu” bằng cặp vịt luộc. Năm nào trúng đậm thì cúng heo quay rồi mời cả xóm đến ăn. “Trước cúng sau ăn mừng, ngồi lai rai cùng anh em đồng môn trên sông nước, gió sông thổi nhẹ, trên nền tiếng sóng ì ạch vỗ bờ là giọng hát trầm buồn của cô bảy Mến với bài “Lá trầu xanh”… Cuộc đời lúc đó sướng không kể nổi” - anh bảy Nhã, ngư dân đánh cá ở bãi Cồn, bày tỏ.

Bạn hàng xem ngư dân là “thượng đế”. Cá dính lưới, một cú điện thoại là bạn hàng chạy xuồng ra tận nơi để cân. Mỗi bãi đánh, có ít nhất một người trực mua và những người này phân chia nhau mua cá theo từng “lãnh địa”. Ở bãi kênh Đồng Tân có dì tư Chuổi, cô tư Hương (trên 70 tuổi); bãi Tân Lộc (Cần Thơ), Lai Vung (Đồng Tháp) có cô sáu Cá, tư Lài… Người giỏi nghề, bạn hàng đầu tư cho mượn tiền trước mua sắm phương tiện, trúng cá thì cân trừ. Tết đến, ngư dân được tặng quà và lịch. Cuối vụ, được mời đãi tiệc, tổng kết sổ sách, ký hợp đồng đặt hàng cho năm sau. Gia đình có đám cưới, bạn hàng đi thiệp “rất sộp”. “Mỗi vụ, người có thu nhập thấp nhất cũng từ 30 triệu đồng trở lên. Người trúng, thu nhập 100 triệu là khỏe” - anh tư Cao, ngư dân xã Mỹ Hiệp (Chợ Mới), nói.

“Cái thú của nghề này là khi cá đâm lưới, chúng quẫy đuôi, nhào lộn. Cá lớn nó quậy đùng đùng. Những đêm trăng sáng, trúng một bầy bông lau thì cá chất trắng xuồng, chúng nằm như khúc chuối. Nhà ai có đám cưới, đám giỗ thì mời hết đồng môn, cùng nhau chơi rất vui” - bác Tám Lăng nhớ lại.

Con nước cuối cùng của năm cũ, gia đình bác Chín và nhiều gia đình ngư dân khác ở Vàm Nao vui mừng khôn xiết. Ngoài sông, cá dính lưới nhiều, dân trong làng cả xóm cùng thức dậy. Người tiếp chở cá xuống chợ Long Xuyên bán, người tiếp ngư dân tính tiền để bạn hàng sớm cho xe lăn bánh quay lại Sài Gòn. Trời đã sáng, sương sớm phủ trắng mặt sông. Tôi ra về nhưng không quên câu “dặn dò” của bác Chín, con viết như thế nào mà người ta đừng dùng cào điện cào nát lòng sông này, để ngư dân nơi đây có thêm một mùa bội thu trên sông nước…

“Cá bông lau giờ đây đã trở thành quà biếu mang tính “thời thượng” của người sành điệu, nó quý hơn rượu Tây. Rượu có tiền mua lúc nào cũng có. Cá bông lau thì mỗi năm chỉ có một mùa. Ở Vàm Nao này, nhờ đánh cá bông lau mà nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Thằng tư Thiền hôm rồi nó khấn vái “bà cậu”, hễ trúng 10 con cá thì nó cúng vịt, vậy là từ đầu vụ đến nay, nó cúng liên tục cả chục con vịt” - dì tư Chuổi, một bạn hàng, chia sẻ.


Gà Thanh Chương Thương Hiệu Một Vùng Đồi Gà Thanh Chương Thương Hiệu Một Vùng Đồi Cá Chép Chờ Ông Táo Về Trời Cá Chép Chờ Ông Táo Về Trời