Tin nông nghiệp Trung Quốc phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt dê

Trung Quốc phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt dê

Tác giả Hương Lan (Theo SCMP, GlobalTimes), ngày đăng 21/03/2022

Trung Quốc phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt dê

Một trang trại dê sinh thái ở miền đông Trung Quốc đang phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới - không phải cho nhân viên mà cho những con dê của họ.

Nuôi dê là bước tiến tiếp theo trong ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc. Ảnh: Weixin.

Trang trại dê sinh thái Vert City có trụ sở tại Thượng Hải là trang trại nuôi dê trắng hữu cơ duy nhất tại Trung Quốc, đã bắt đầu phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt dành cho dê từ năm 2019 và dự kiến ​​đưa vào sử dụng vào năm sau (2022).

Hệ thống này sử dụng camera an ninh được lắp đặt trong trang trại để giám sát đàn dê, theo một bài báo từ trang web của chính quyền quận Chongming, Thượng Hải. 

Huang Zhen, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trang trại Vert City, cũng là Chủ tịch Tập đoàn phát triển công nghệ Wanhe nói với cổng thông tin địa phương The Paper: Các camera được thiết kế để nhận ra đặc điểm của từng con dê, bao gồm hành vi, hình dạng cơ thể và các kiểu hoạt động, từ đó dễ dàng phân biệt từng con dê một.

“Máy ảnh cũng có thể nhận ra các triệu chứng của các căn bệnh, bao gồm đau miệng và tiêu chảy. Máy ảnh sử dụng tia hồng ngoại để đo nhiệt độ cơ thể của dê và sẽ cảnh báo cho các bác sĩ thú y trang trại nếu nhiệt độ chúng tăng trên 40 độ C”, Huang thông tin.

Đồng thời, chất lượng chăn nuôi có thể được cải thiện bằng cách phối giống khoa học theo hệ thống nhận dạng khuôn mặt. "Chúng tôi đang làm việc với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Động vật địa phương trong việc cải thiện chăn nuôi dê trắng", Huang cho biết.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể giúp tránh giao phối cận huyết giữa các con dê, vì hệ thống ghi lại hoạt động sinh sản chúng. Kĩ thuật nhận dạng khuôn mặt cũng có thể cho biết liệu một con dê có mang thai hay không và giúp các bác sĩ thú y chuẩn bị.

Hiện tại, khoảng 1.000 con dê đã được cấy chip để cho phép trí tuệ nhân tạo tìm hiểu về hành vi của chúng cũng như thử nghiệm các mô hình dự đoán trên máy tính, chính quyền tại quận Chongming cho hay.

Hệ thống đang thu thập dữ liệu và tìm hiểu cách xác định xem một con dê có các triệu chứng tiêu chảy hoặc khi đã sẵn sàng để phối giống dựa trên hình ảnh và video. Trong tương lai, Huang cho biết ông hy vọng hệ thống thậm chí có thể đưa ra dự đoán về trọng lượng của từng con dê dựa trên chế độ ăn uống và tốc độ tăng trưởng của chúng.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng có thể giúp giảm tải công việc của nhân viên. Hiện tại, khi không có công nghệ, quản lý và bác sĩ thú y cần phải tuần tra nhiều lần trong ngày để quan sát sức khỏe của những con dê. "Nhưng với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, các nhà quản lý có thể nhận được thông tin cập nhật trên điện thoại của họ", Huang nêu ưu điểm.

"Công nhân không phải theo dõi tình trạng dê tại chỗ. Ví dụ, chúng tôi hiện có 11 người quản lý 3.000 con dê. Hệ thống có thể hiển thị thông tin của từng con dê trên màn hình máy tính, bao gồm giới tính, tuổi, trọng lượng, cũng như tình trạng sức khỏe, tiêm phòng và mang thai", Huang bổ sung. "Nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ nhận dạng khuôn mặt, trang trại chỉ cần thuê 7 người để quản lý 10.000 con dê".

Trang trại của Huang dự kiến ​​sẽ trở thành trang trại nuôi dê lớn nhất ở miền Đông Trung Quốc sau khi mở rộng và cải tạo trang trại lần thứ ba vào năm 2022.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng thường xuyên ở Trung Quốc để giám sát mọi người tại sân bay, nhận biết vi phạm giao thông và thậm chí truy bắt tội phạm tại các buổi hòa nhạc. Tuy nhiên công nghệ nhận dạng khuôn mặt dành cho động vật vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Tây Bắc ở Tây An đã phát triển tính năng nhận dạng khuôn mặt cho khỉ để xác định hàng nghìn con khỉ mũi hếch vàng Tứ Xuyên ở núi Tần Lĩnh thuộc tỉnh Thiểm Tây, miền Trung Trung Quốc.

Công nghệ này trích xuất thông tin về đặc điểm khuôn mặt của con khỉ để xác định danh tính của chúng dựa trên cơ sở dữ liệu về từng cá thể khỉ, Tân Hoa xã đưa tin.

Hiện tại, hệ thống thí nghiệm có thể xác định khoảng 200 con khỉ vàng ở núi Qinling, hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn.


Biến nguồn thải thành nguồn thu Biến nguồn thải thành nguồn thu Thế hệ robot đa nhiệm, tích hợp đa giá trị Thế hệ robot đa nhiệm, tích hợp đa…