Mô hình kinh tế Trung Quốc Thu Gom Nông Sản: Cơ Hội Nào Cho Nhà Nông Và Doanh Nghiệp?

Trung Quốc Thu Gom Nông Sản: Cơ Hội Nào Cho Nhà Nông Và Doanh Nghiệp?

Ngày đăng 12/08/2011

Trung Quốc Thu Gom Nông Sản: Cơ Hội Nào Cho Nhà Nông Và Doanh Nghiệp?

Bên cạnh những lo ngại như mất thị trường trong nước, gây xáo trộn quy hoạch một số ngành..., không thể phủ nhận việc thương nhân Trung Quốc (TQ) thu gom nông sản cũng tạo ra một số dấu hiệu tích cực, nếu không muốn nói đây chính là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trưởng thành hơn, thúc đẩy giao thương, buôn bán giữa hai nước, giảm nhập siêu từ TQ.

Bài 1: Mất thị trường ngay trên sân nhà

Cơ hội tốt?

Nhiều DN, nhà quản lý tỏ thái độ lo ngại, hoài nghi khi thấy thương nhân TQ ồ ạt sang Việt Nam thu mua nông sản. Xét tình hình thực tế, chúng ta không thể trách nông dân, bởi bà con có quyền định đoạt sản phẩm do chính mình làm ra, mà theo lẽ thông thường, bên nào trả giá cao hơn thì họ bán.

Anh Nguyễn Văn Hải (Lục Ngạn - Bắc Giang) phân trần: "Thương nhân TQ thu mua vải thiều với giá phổ biến từ 8.000-16.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá thu mua của thương nhân Việt Nam, thử hỏi nếu là người trồng vải, bạn sẽ bán cho ai? Bởi vậy, việc thương nhân TQ thu mua hàng hóa chỉ có lợi cho bà con thôi, thuận mua vừa bán, họ không ép giá như thương nhân của ta".

Cũng tương tự như anh Hải, từ nhiều năm nay, chị Phạm Thị Lan, chủ một trại vịt ở Tiền Giang thường xuyên bán hàng cho thương nhân TQ. Chị cho biết: "Thông thường vào đúng vụ, bao giờ chúng tôi cũng bị ép giá. Năm ngoái, giá trứng vịt lúc cao nhất chỉ 21.000 đồng/chục, nhưng thương nhân TQ vẫn mua với giá 26.000 - 27.000 đồng/chục. Giá trứng vịt muối bán ở các chợ là 3.200 - 3.400 đồng/quả nhưng giá thu mua của thương nhân TQ lên đến 4.000 đồng/quả. Họ còn đích thân mang tiền mặt đến trả, hoặc chuyển khoản qua đầu mối quen tại Việt Nam".

Như vậy, có thể khẳng định, trong bối cảnh thị trường luôn bấp bênh, việc bán hàng hóa cho thương nhân TQ với số lượng lớn, giá cao được xem là một cứu cánh cho nông dân. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra lâu dài cho sản phẩm, nông dân cần ưu tiên cung cấp hàng hóa cho khách hàng lâu năm, những đối tác đã đặt hàng trước để giữ uy tín. Đối với lượng hàng hóa chưa có đơn đặt hàng, nên tìm đối tác đáng tin cậy hoặc bán theo phương thức thanh toán ngay để tránh rủi ro.

Về phía DN, việc buôn bán giao thương với TQ cũng đang gặp khá nhiều thuận lợi. Giám đốc một DN xuất khẩu trứng vịt muối cho hay: "Từ tháng 5, thương nhân TQ đã vào Việt Nam tìm mua trứng muối để đưa về làm bánh trung thu. Chỉ tính riêng tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã xuất khẩu gần 5 triệu trứng, đơn hàng nhiều đến mức làm không kịp. Trong khi mức tiêu thụ ở thị trường trong nước đang giảm mạnh thì việc thương nhân TQ đồng ý tiêu thụ hàng hóa với mức giá hợp lý đang góp phần giúp các DN thoát khỏi tình trạng khó khăn".

Còn quá sớm để khẳng định việc thương nhân TQ thu mua nông sản đem lại lợi ích gì, nhưng trước mắt, việc cung cấp hàng hóa với mức giá khá cao đang là giải pháp ngắn hạn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của nông dân và DN, đồng thời góp phần cân bằng cán cân thương mại xuất, nhập khẩu giữa hai nước.

Tận dụng nhưng không phụ thuộc

Không chỉ có vải thiều, trứng vịt, số mặt hàng như gạo, đường, mì (sắn) cũng được tiêu thụ rất mạnh ở TQ. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã xuất sang TQ hơn 300.000 tấn gạo, hơn 100.000 tấn đường và số lượng này vẫn tiếp tục tăng lên.

Theo nhiều DN, thị trường TQ có khoảng cách địa lý gần, xuất khẩu tiểu ngạch dễ dàng, nhu cầu cao và nhất là dễ tính. Tuy nhiên, diễn biến này cũng cho thấy nguy cơ phụ thuộc vào thị trường TQ. Rõ nhất là việc TQ mua hàng với tiêu chuẩn dễ dãi sẽ khiến người sản xuất không có động lực để nâng cao chất lượng sản phẩm.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương nhận định: "Thế giới bị hấp dẫn bởi thị trường TQ nhưng cũng dè chừng với nó. Do vậy, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế tác hại, tận dụng sức tiêu thụ của TQ. Chiến lược này phải được thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương và đến được với nông dân".

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Ngãi, Đại học Nông - Lâm TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng, nếu chúng ta bị hút vào thị trường TQ dễ tính, sẽ không bao giờ chinh phục được thị trường khó tính nữa. Sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn bấp bênh, phụ thuộc và kém phát triển nên khó kiểm soát kỹ thuật và khó thu mua tập trung được một lượng hàng hóa đủ để cung cấp cho những đơn hàng lớn của các thị trường cao cấp.

Nhiều DN nhận thức rõ rủi ro khi phụ thuộc vào thị trường TQ nhưng không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư xuất khẩu vào các thị trường cao cấp hơn. Bởi, để có vùng nguyên liệu lớn và đồng đều về chất lượng, tự thân nông dân không thể làm được nếu thiếu sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ từ phía Nhà nước, DN.

Do vậy, muốn khuyến khích nông dân sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, ông Ngãi cho rằng, trước hết Nhà nước cần hỗ trợ thông tin cho người sản xuất nắm bắt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm của thị trường; triển khai các chương trình tập huấn; đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nông dân; có chính sách chuyển đổi quy mô sản xuất…

Ngoài ra, các cam kết và chính sách phát triển nông nghiệp chất lượng cao phải được thể hiện rõ ràng. Đầu tư vào lĩnh vực này cần được ủng hộ bằng những chính sách cụ thể. Chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Khoảng 20 năm trước, so với Thái Lan, giá gạo của ta thấp hơn 10 - 20%, do nhiều yếu tố như công tác xuất khẩu không tốt, thương hiệu chưa cao… Nhưng gần đây, giá gạo của ta đã áp sát Thái Lan, nhờ phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đầu tư kỹ thuật vào sản xuất và việc thu mua đã được cải thiện

Ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu chiến lược chính sách (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn):

Khai thác cơ hội nhưng phải giữ chữ tín

Việc thương nhân TQ tăng cường mua nông sản cũng là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội do thị trường TQ đem lại, đồng thời ngăn chặn những nguy cơ do chạy theo thị trường này, chúng ta cần có biện pháp mạnh nhằm ngăn cấm việc sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu.

Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược toàn diện cho việc xuất khẩu sang thị trường TQ. Tìm hiểu xem tại sao họ nhập khẩu ồ ạt, kể cả sản phẩm chất lượng thấp. Chúng ta cũng phải thay đổi cách thức tiếp cận thị trường này, chủ động liên hệ trực tiếp không qua thương lái, hay chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các DN Việt Nam phải thay đổi cách thức làm ăn, chuyển sang liên kết chặt chẽ với hộ sản xuất để có đầu ra ổn định, không bị tác động mạnh bởi những tư vấn không tốt từ phía các thương nhân TQ, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt mà quên đi hệ lụy, hậu quả sau này.


Tập Trung Phát Triển Nông Nghiệp Sạch Tập Trung Phát Triển Nông Nghiệp Sạch Nuôi Tôm Trước Nguy Cơ Dịch Bệnh Nuôi Tôm Trước Nguy Cơ Dịch Bệnh