Mô hình kinh tế Truy Điểm Yếu Của Ngành Mía Đường

Truy Điểm Yếu Của Ngành Mía Đường

Ngày đăng 12/02/2015

Truy Điểm Yếu Của Ngành Mía Đường

Sự yếu kém của ngành mía đường Việt Nam không còn nằm ở vấn đề nhà máy chế biến mà phụ thuộc chính vào cây mía.

Năng suất thấp, giá thành cao

Mới đây, Bộ Công Thương đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép NK 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0%. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị tạm thời chưa cho NK số lượng đường này. Ở niên vụ trước, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đề xuất Chính phủ được đưa 30.000 tấn đường ở Lào về Việt Nam để tạm nhập tái xuất và đã được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, cả hai lần, năm 2014 và năm 2015, VSSA đều có những phản ứng khá quyết liệt.

Theo lập luận của VSSA, ở vụ 2014-2015, dự báo tổng nguồn cung đường sẽ là 2 triệu tấn. Con số này chưa kể số NK không chính thức và nhập lậu mà ngành đường đang phải chống chọi rất vất vả. Trong khi đó, mức tiêu thụ năm 2015 sẽ rơi vào khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy, cả nước sẽ dư thừa trên 600.000 tấn đường. Dư thừa sẽ dẫn đến giảm giá đường. Giảm giá sẽ dẫn đến giảm giá thu mua mía của bà con nông dân.

“Trong lúc ngành mía đường nội đang gặp rất nhiều khó khăn, đường lậu chưa ngăn chặn được, cơ chế NK chưa được các bộ có liên quan cũng như VSSA bàn bạc - thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ - thì việc NK sẽ làm cho tình hình càng thêm rối rắm”, văn bản của VSSA nêu rõ.

Trước “phản ứng” của VSSA, nhiều người đặt ra câu hỏi về sức cạnh tranh của ngành mía đường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam phải cắt giảm thuế sâu hơn việc theo cam kết của Hiệp định ATIGA. Trên thực tế, sức cạnh tranh của ngành mía đường đúng là đang có vấn đề xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp. Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia.

Năng suất mía nước ta đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha). Do năng suất mía và chữ đường thấp nên năng suất đường của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Trong niên vụ 2013-2014, năng suất đường của Việt Nam là 5,47 tấn/ha; của Philippines là 5,77 tấn/ha; Trung Quốc 7,62 tấn/ha; Thái Lan 8,07 tấn/ha; Australia 11,8 tấn/ha…

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho rằng, trong khi nguyên liệu mía hiện nay cung cấp cho các nhà máy đường có chất lượng thuộc loại thấp hơn thế giới (thế giới đạt 12,13 CCS, thậm chí có nước đạt 15,16 CCS) nhưng giá mía lại thuộc loại cao khoảng 45-50 USD/tấn (thế giới khoảng 30 USD/tấn). Đây là yếu tố chủ yếu làm giá thành đường của Việt Nam cao, làm yếu sức cạnh tranh.

Mấu chốt là quy hoạch

Lâu nay, khi nói về sự yếu kém của ngành mía đường, các cơ quan quản lý đều nói đến sự yếu kém của DN mía đường, nếu DN mía đường không chịu tái cơ cấu sẽ “chết”. Thừa nhận yếu kém của ngành mía đường trong nước nhưng theo VSSA, chính sách nào sẽ tạo ra một ngành sản xuất như vậy.

Theo ông Hải, tính cạnh tranh kém của ngành mía đường Việt Nam chính là ở phần cây mía nguyên liệu, chứ không phải ở nhà máy. Hiện nay, các nhà máy đường phần lớn đã đầu tư bài bản về thiết bị, công nghệ không thua kém các nước tiên tiến. Tuy nhiên, phần này chỉ có tác động vào 20-25% giá thành sản phẩm, còn quyết định chính là giá mía nguyên liệu đầu vào chiếm 75-80%. “Chính sách phát triển cây mía dù đã có nhưng hiện nay người nông dân chưa tiếp cận được” ông Hải nói. Theo phân tích của vị này, người nông dân không quy hoạch được đất đai, không chọn được nơi trồng cây mía cho năng suất tốt nhất. Việc quy hoạch là của cơ quan quản lý!

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh lớn của đường Việt Nam là Thái Lan - nước XK đường thứ 2 trên thế giới có cả chính sách nền tảng mía đường mà Chính phủ xây dựng công phu, trong đó giá XK không phản ánh giá thành sản xuất của họ. Bởi lẽ Thái Lan chia tổng lượng đường sản xuất hàng năm ra thành 3 loại hạn ngạch. “Với hạn ngạch tiêu thụ nội địa, hiện giá đường tiêu thụ nội địa của Thái Lan đang cao hơn Việt Nam mặc dù Thái Lan là nước XK đứng thứ 2 thế giới”, ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch VSSA khẳng định.

Như vậy, mấu chốt của ngành mía đường hiện nay không phải xuất phát từ các nhà máy chế biến. Bởi hiện đa số các nhà máy đã xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, gắn kết tương đối chặt chẽ với các nhà máy thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Hầu hết các công ty đã ứng vốn, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vay vốn mua sắm máy móc cơ giới hóa... cho người trồng mía.

Đây cũng là hình thức mà Công ty Mía đường Lam Sơn đã áp dụng lâu nay. Để tạo được sức cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam rất cần có “bàn tay” của Nhà nước trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, cấu trúc lại diện tích trồng mía, nghiên cứu giống, thâm canh theo hướng hiện đại.


Loay Hoay Cứu Giá Lúa Đông Xuân Loay Hoay Cứu Giá Lúa Đông Xuân Dịch Bệnh Mới Khiến Người Nuôi Tôm Chân Trắng Ấn Độ Lo Ngại Dịch Bệnh Mới Khiến Người Nuôi Tôm Chân…