Mô hình kinh tế Truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần sức ép từ hai phía

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần sức ép từ hai phía

Ngày đăng 15/06/2015

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần sức ép từ hai phía

Cơ sở nhỏ, lẻ gặp khó khăn

Trong một cuộc thăm dò dư luận do ngành thực phẩm châu Á (FIA) tổ chức vào tháng 4/2015, an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có ảnh hưởng lớn nhất đối với tiêu dùng tại châu Á. ATTP không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà người dân trong nước cũng lo ngại về vấn đề này. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn nâng cao hiệu quả về ATTP thì truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp cần thiết.

Tại Việt Nam, Luật ATTP được xây dựng theo nguyên tắc quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”: tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh; cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nắm toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm mới có thể bảo đảm thực phẩm an toàn; doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng và cơ quan quản lý phải nắm được xuất xứ sản phẩm, giúp tìm nguyên nhân khi có sự cố về ATTP xảy ra.

Theo ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), việc truy xuất nguồn gốc các DN lớn hầu như không gặp khó khăn, bởi họ thường có hệ thống quản lý và sổ sách ghi chép, lưu giữ nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm và quá trình sản xuất, phân phối lưu thông; bản thân các DN cũng được các cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và công bố sản phẩm. Tuy nhiên, ở các cơ sở nhỏ, lẻ, nhiều mặt hàng, nhất là nông, lâm thủy sản được mua từ nhiều nguồn khác nhau, không có hệ thống quản lý, sổ sách. Bên cạnh đó, việc kinh doanh thực phẩm nhập khẩu chủ yếu dựa vào hồ sơ DN, hầu như chỉ truy xuất được tới đơn vị xuất khẩu, khó có điều kiện kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất.

Cần áp lực từ người tiêu dùng và cơ quan quản lý

Bà Võ Ngân Giang - Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO)- cho rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến ATTP và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc cũng gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở dữ liệu để quản lý và chia sẻ thông tin về vận chuyển, kiểm dịch gia cầm giữa các tỉnh, không có mã số thống nhất cho cơ sở giết mổ và nhà phân phối…

Theo đại diện Bộ Công Thương, tại những trang trại thực hiện VietGap, Global Gap thì việc thực hiện truy xuất nguồn gốc không khó nhưng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ thì không đơn giản. Hơn nữa, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cần đề cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, chừng nào họ đứng ngoài cuộc thì vấn đề này khó có thể thực hiện hiệu quả.

Ông Alexander Kliegl- Chủ tịch Tiểu ban kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản- Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) - nhấn mạnh, muốn bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc, điều quan trọng là phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý bằng các chế tài buộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hành sản xuất tốt. Việt Nam cần tiến hành làm từng ngành một, ví dụ, sản phẩm gia cầm là quan trọng nhất và dễ làm nhất thì nên bắt đầu từ ngành này và làm trọn vẹn, từ kinh nghiệm thành công mà ngành hàng đã làm có thể áp dụng cách tiếp cận này sang các ngành hàng khác.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT): Khó khăn hiện nay trong truy xuất nguồn gốc là do tập quán canh tác, chăn nuôi, giết mổ nhỏ, lẻ. Muốn truy xuất nguồn gốc hiệu quả, cần áp lực cả từ người tiêu dùng và cơ quan quản lý.


Giải bài toán khai thác ven bờ Giải bài toán khai thác ven bờ Giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo nuôi dê Giúp hộ dân tộc thiểu số nghèo nuôi…