Truyền thuyết nấm Linh chi Hàn Quốc
Ngoại sử chép rằng, trong một tiệc tân niên đãi các sứ thần ngoại quốc, Từ Hi Thái Hậu nhà Thanh đã tổ chức một bữa ăn gồm tổng cộng 365 món, kéo dài bảy ngày đêm, mỗi ngày có một món đặc biệt. Bảy món cho bảy ngày là linh chi, tượng tinh, sơn dương trùng, chuột bạch bao tử, óc khỉ, trứng công và nhũ trư (heo sữa)...
Bữa tiệc kéo dài từ sáng mồng một đến mồng bảy tháng giêng. Những món ăn đãi thực khách dĩ nhiên là cầu kỳ không phải chỉ vì bào chế công phu mà còn cả tìm tòi, săn bắt hay nuôi dưỡng rất kỹ lưỡng. Thế nhưng linh chi là cái gì mà được đưa lên hàng đầu trong danh sách của thực đơn 365 món? Phải chăng đó là những cái nấm màu đen sì, bóng nhẫy mà chúng ta vẫn thấy người ta để hàng rổ trong các tiệm thuốc bắc? Lẽ đâu linh chi lại dễ dàng đến thế.
Không, chính loại nấm đó tên gọi linh chi, là dược thảo đứng đầu trong Bản Thảo Kinh. Bản Thảo Kinh tên nguyên thủy là Thần Nông Bản Thảo Kinh, được hình thành vào khoảng cuối đời Ðông Hán, là của người đời sau thác danh họ Thần Nông sáng tác. Tác phẩm này tập hợp những kinh nghiệm về dược vật từ đời Hán trở về trước, tất cả 365 loại, trong đó thực vật chiếm đa số (252 vị), kế là động vật (67 vị) và sau cùng là khoáng thạch (46 vị) và có thể coi là cuốn sách về dược học đầu tiên của Trung Hoa.
Cuốn kinh này chia các vị thuốc ra làm ba loại- thượng, trung và hạ phẩm. Linh chi là dược loại đứng đầu của thượng phẩm, trên cả nhân sâm, là một dược thảo kỳ diệu, có rất nhiều hiệu năng, dùng lâu không hại, có thể giúp người ta diên niên trường thọ. Thời trước chỉ có vua chúa và vương hầu biết tới chứ người bình dân thì chỉ nghe mà không mấy khi được gặp.
Cây nấm đó mang nhiều huyền thoại còn lạ lùng hơn cả nhân sâm. Người ta bảo rằng, nấm này chỉ mọc tại những khu rừng hoang vu, vào thời điểm nhất định, mà không phải là người có duyên phận lớn thì không gặp được. Những khối ngọc tạc theo hình chiếc nấm này gọi là ngọc như ý, tượng trưng cho sống lâu, ta thấy nơi tay các tiên ông trong tranh cổ.
Linh chi đã được biết đến từ nhiều ngàn năm trước. Tần Thủy Hoàng muốn kiếm những cây nấm này nên sai đạo sĩ Từ Phúc đem 1.500 đồng nam, 1.500 đồng nữ dong thuyền ra Ðông Hải tìm thuốc trường sinh. Phái đoàn đó ra đi mà không thấy trở về, không biết vì mất tích ngoài biển cả hay vì không kiếm ra nên sợ không dám về phục mệnh. Có thuyết cho rằng, họ đã định cư trên quần đảo Phù Tang và là tổ tiên của người Nhật hiện nay.
Trong lịch sử không biết bao nhiêu người đã tìm cách gây giống và trồng loại nấm này nhưng đều thất bại. Mãi tới năm 1971, hai nhà bác học người Nhật tên là Yukio Naoi và Zenzaburo Kasai, giáo sư của Phân khoa Nông nghiệp, Đại học Kyoto mới thành công trong việc gây giống và người ta mới sản xuất được vị thuốc này một cách qui mô. Từ đó linh chi được trồng và sử dụng trong việc bào chế chứ không chỉ là huyền thoại.
Hiện nay, thế giới hàng năm sản xuất vào khoảng 4.300 tấn nấm linh chi, trong đó riêng Trung Hoa trồng khoảng 3.000 tấn, còn lại là các quốc gia Ðại Hàn, Ðài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Sri Lanka. Nhật Bản tuy tìm ra cách trồng nhưng nay chỉ sản xuất khoảng 500 tấn mỗi năm, đứng sau Trung Hoa. Kỹ nghệ trồng linh chi ngày càng phát triển và tại Việt Nam nhiều nhà nông nghiệp học cũng đã nghiên cứu và thiết lập một trại trồng và bào chế linh chi ở Sài Gòn từ năm 1987.
Linh chi, viết theo kiểu phiên âm Trung Hoa là Lingzhi hay Lingchih, tên Nhật là reishi, tên khoa học Ganoderma lucidum, là một loại nấm thuộc họ đa khổng (polyporaceae), thường mọc trên những cây mục. Thời xưa người ta chỉ có thể tìm thấy nấm trong rừng, trên những núi cao chứ không cách gì gây giống được. Có sách lại nói là linh chi chỉ tìm thấy ở phía tây núi Thái Hàng. Chính vì thế mà cây nấm này càng mang nhiều truyện thần kỳ. Trong truyện Bạch Xà tinh, linh chi có tác dụng cải tử hoàn sinh, làm cho người chết có thể sống lại được. Người ta còn gọi là linh chi thảo nên nhiều tác giả đã cho rằng đây là một loại cây cỏ.
Thực ra, như trên đã nói, linh chi là một loại nấm. Trong thiên nhiên, nấm này thường chỉ có ở nơi rừng rậm, ít ánh sáng và độ ẩm cao. Những cây thường có linh chi là cây mận, dẻ (pasania) và guercus serrata. Tuy nhiên trong hàng vạn cây già, chỉ có độ hai ba cây có linh chi. Vì thế nấm này rất hiếm trong dạng thiên nhiên. Hơn thế nữa, nấm tìm được thường không mấy khi nguyên vẹn mà hay bị sâu bọ cắn nát.
Vỏ ngoài của linh chi rất cứng, nên việc nẩy mầm càng thêm khó khăn và việc tìm được cây nấm trở thành huyền thoại. Khi may mắn kiếm được, người ta thường phải giấu cả người thân và coi như một gia bảo. Mỗi khi kiếm được loại nấm này, cả vùng đó mở hội ăn mừng và lập tức loại dược thảo quí này được đem cung tiến. Linh chi càng huyền bí khi người ta còn đặt cho nó cái tên vạn niên linh chi, cho rằng ai ăn được nó sẽ trường sinh bất tử.
Tuy nhiên, phần chúng ta nhìn thấy ở cây nấm chỉ là bộ phận nổi, vì chính cây nấm là phần nằm ngầm trong thớ gỗ, có tên khuẩn ti thể (mycelium), là những đường dây chằng chịt, giống như rễ cây có nhiệm vụ hút chất bổ nuôi thân. Và khi nào điều kiện còn thuận tiện, phần ngầm này tiếp tục phát triển và nẩy ra những cánh nấm. Những cây nấm này là một bộ phận tái biến chế (recyclers) quan trọng trong thiên nhiên, vì nó làm gia tăng tiến trình hủ nát của thảo mộc, góp một phần quan trọng vào môi trường chúng ta đang sống. Những cây cỏ sẽ biến thành mùn nuôi sống các cây khác. Không có những cây nấm, thế giới sẽ chỉ là một bãi rác khổng lồ, chất đầy những vật liệu chết.
Gần đây khi tìm được cách gây giống nấm linh chi, những khoa học gia Nhật Bản chứng minh được rằng, những cây nấm màu sắc khác nhau không phải vì khác loại mà chỉ vì môi trường và điều kiện sinh hoạt khác nhau. Thay đổi điều kiện người ta có thể có được đủ sáu loại từ cùng một giống.
Linh chi có nhiều hình dạng khác biệt, có cái hình nấm nhưng mũ nấm không tròn mà nhăn nheo, có thứ giống như trái thận, có thứ lại có hình dạng giống như sừng hươu. Theo Thần Nông Bản Thảo có 6 loại linh chi, mỗi loại có một công năng đặc biệt. Thanh chi (xanh) vị toan bình, giúp cho mắt sáng, bổ can khí, giúp an thần, nhân thứ, dùng lâu sẽ thân thể nhẹ nhàng, thoải mái. Xích chi (đỏ), vị đắng, chủ vị, ích tâm khí, tăng trí tuệ. Hắc chi (đen) ích thận khí, khiến cho đầu óc tinh tường. Bạch chi (trắng) ích phế khí, làm cho trí nhớ dai. Hoàng chi (vàng) ích tì khí, an thần, trung hòa. Tử chi (tím đỏ) bảo thần, ích tinh, làm cứng gân cốt, da tươi đẹp. Cả sáu loại đều có công năng giúp người ta thân thể khinh linh, tiêu sái, trẻ mãi không già, trường thọ.
Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân viết là "dùng lâu, người nhẹ nhàng, không già, sống lâu như thần tiên". Nói chung, linh chi bổ đủ ngũ tạng, nhưng mỗi loại bổ một khác. Tuy nhiên những biện biệt trong Thần Nông Bản Thảo xem ra chỉ thuần lý, dựa trên ngũ hành, ngũ sắc để luận hơn là được thử nghiệm thực tế. Màu xanh thuộc mộc, chủ can nên thanh chi bổ gan, màu trắng thuộc kim, chủ phế nên bạch chi bổ phổi, màu đen thuộc thủy, chủ thận nên bổ thận, màu vàng thuộc thổ, chủ tì vị nên bổ tì. Những tác dụng và hậu quả đều do hệ luận đó mà ra.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ