Tin nông nghiệp Từ 10.12, người đi chợ có thể dùng điện thoại soi thịt sạch

Từ 10.12, người đi chợ có thể dùng điện thoại soi thịt sạch

Tác giả Thuận Hài, ngày đăng 27/10/2016

Từ 10.12, người đi chợ có thể dùng điện thoại soi thịt sạch

Từ ngày 10.12 tới, người tiêu dùng TP.HCM có thể sử dụng điện thoại để soi chất lượng thịt heo sạch. Các thông tin như xuất xứ trang trại, thời gian xuất chuồng, thời gian giết mổ, kiểm dịch thú y… sẽ được truy xuất một cách dễ dàng.

Sau hơn 2 tháng phối hợp giữa Sở Công thương TP.HCM, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn TPHCM, Chi cục Thú y các tỉnh, thành trong khu vực, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM đã được nhiều đơn vị đăng ký tham gia.

Trong ảnh: Mẫu tem truy xuất nguồn gốc thịt heo được Hội Công nghệ cao TP.HCM giới thiệu.

Cụ thể, có 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ của thị trường thành phố. Trong đó, có nhiều đơn vị có thương hiệu và quy mô lớn với quy trình sản xuất hiện đại và khép kín như C.P Việt Nam, Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (AgriFood), Công ty TNHH TM SX Trại Việt...

Các trang trại sản xuất chăn nuôi, chủ yếu tại các tỉnh lân cận thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An... Ngoài ra, còn có 11 cơ sở trong đó có 2 cơ sở trên địa bàn TP là An Hạ, Vissan với năng suất giết mổ từ 4.000 - 5.000 con/ngày, chiếm hơn 50%  lượng tiêu thụ của thành phố, 3 cơ sở giết mổ tại Đồng Nai với năng suất từ 800-1.000 con/ngày và 5 cơ sở giết mổ tại Long An, Bình Dương...

Ngoài ra còn có 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt heo là Bình Điền và Hóc Môn đã đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho TP. Đặc biệt, 100% thương nhân kinh doanh heo mảnh và pha lóc tại chợ Hóc Môn, Bến Thành, An Đông, Hoà Bình, Thái Bình (quận 1, TP.HCM)  đã tích cực đăng ký tham gia.

Trước yêu cầu của tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo, UBND Quận 1 cũng đề nghị Ban Quản lý Đề án chấp thuận triển khai đối với các chợ còn lại trên địa bàn là Tân Định và Đakao. Ngoài ra, còn có 59 siêu thị và 4 hệ thống cửa hàng tiện lợi đăng ký tham gia chương trình, gồm CoopMart, SagriFood, BigC, Aeon và AeonCitimart.

Ông Nguyễn Xuân Hoà - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, Đề án sẽ được triển khai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu thử nghiệm từ ngày 10.12 tới và triển khai chính thức trên toàn địa bàn TP từ ngày 1.3.2017. Trong giai đoạn này, việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ được thực hiện từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, các siêu thị bán lẻ...

Giai đoạn 2 của Đề án sẽ triển khai quản lý theo chu trình khép kín các hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo từ khi mới sinh cho đến người tiêu dùng, dự kiến tổ chức trong năm 2017 và sẽ nhân rộng quản lý đến các mặt hàng thịt gia sức, gia cầm, rau củ quả và các sản phẩm khác.

Ông Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho biết, người tiêu dùng được tải miễn phí phần mềm TE – FOOD cho điện thoại sử dụng các hệ điều hành ios, Androi và Window phone. Ban quản lý Đề án cũng cung cấp số điện thoại trực 24/7 để trả lời các thắc măc của người tiêu dùng: 1900 6726.

Với phần mềm TE – FOOD, người tiêu dùng có thể tìm điểm bán hàng gần nhất, gởi nhận xét về chất lượng hàng… Trên miếng thịt heo sẽ có dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể kiểm tra tất cả các thông tin liên quan từ trang trại đến lò giết mổ, chợ bán sỉ, bán lẻ, thời gian xuất trại, kiểm dịch viên cho phép xuất trại…


Nghỉ việc nhà nước, kỹ sư về quê làm ông chủ trang trại Nghỉ việc nhà nước, kỹ sư về quê… Trang trại Đoàn Văn Vươn cán mốc một vạn con vịt biển Trang trại Đoàn Văn Vươn cán mốc một…