Mô hình kinh tế Tử huyệt của ngành mía đường

Tử huyệt của ngành mía đường

Ngày đăng 18/07/2015

Tử huyệt của ngành mía đường

Đó là nội dung chính được các đại biểu trong và ngoài nước đánh giá, phát biểu trong hội thảo thường niên quốc tế lần 3 “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt nam chuẩn bị hội nhập ASEAN” diễn ra ngày 16.7 tại Nha Trang (Khánh Hòa).

Khâu nào cũng yếu,cũng kém

Ông Nguyễn Bái Dương, đại diện Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Bộ NNPTNT phát biểu, thực trạng ngành mía đường của nước ta đang phát triển công nghiệp chế biến trên cơ sở nông nghiệp lạc hậu, ruộng đất manh mún. Diện tích vùng nguyên liệu cả nước là 300.000ha, năng suất mía bình quân vụ cao nhất đạt 65 tấn/ha, chữ đường bình quân các vụ đạt trên dưới 10 chữ đường. Trong khi đó, năm 2013, chữ đường của Thái Lan đã đạt 12,56 chữ đường.

Theo đánh giá của các đại biểu  tham gia hội thảo, ngành mía đường Việt nam đang yếu kém mọi bề. Các hạn chế trong việc áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật trồng trọt, hạ tầng yếu kém dẫn đến chất lượng nguyên liệu thấp, chi phí vận chuyển cao, khiến giá nguyên liệu mía từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cao hơn nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thêm vào đó, công suất bình quân của các nhà máy đường Việt Nam nhỏ hơn các nước sản xuất đường lớn nên hiệu quả sản xuất thấp hơn. Ngoài ra, việc sản xuất các sản phẩm phụ sau đường để tăng thêm thu nhập chưa được chú trọng.

Còn ông Nguyễn Thành Long- Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá, chất lượng mía đường Việt Nam thấp và “thiếu ổn định” ở thị trường tiêu thụ, giá bán đường từ nhà máy chênh lệch lớn so với giá bán lẻ từ 5.000 – 7.000 đồng/kg.

Đặc biệt, “buôn lậu đường là vấn nạn làm cho ngành mía đường trong nước điêu đứng, là tử huyệt làm cho ngành đường phá sản” – ông Long nói. Theo ông Long, gian lận thương mại qua tạm nhập tái xuất ước đến 500.000 tấn/năm, con số này tương đương với sản lượng đường nhập khẩu từ Lào hằng năm và cao gấp khoảng 5 lần đường nhập khẩu chính ngạch theo cam kết WTO.

Và trong khi tổng số đường thu hồi sau chế biến của Brazil là 144kg/tấn mía nguyên liệu thì lượng đường thu hồi của của Việt Nam chỉ khoảng 96,7kg/tấn mía. Trong khi đó, lượng đường thu hồi trên mỗi tấn mía ở Trung Quốc là 121kg/tấn mía và ASEAN 106,7kg/ tấn mía. Theo lộ trình cam kết hội nhập ASEAN, đến năm 2018 thuế suất đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ phải giảm xuống đến 0% thay vì 30% như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhận định, hội nhập sẽ mở ra những triển vọng lớn đồng thời cũng là môi trường cạnh tranh rất khốc liệt với ngành mía đường. Khi mở cửa ngành này sẽ bộc lộ những yếu kém về giá thành và khả năng cạnh tranh.

Sẽ có Nghị định riêng về sản xuất mía đường

Từ năm 2014, Bộ NNPTNT đã chủ trì soạn thảo nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường và dự kiến sẽ trình lên Chính phủ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Long đánh giá nghị định này nếu được thông qua sẽ thể hiện vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ với ngành mía đường, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp và nông dân trồng mía.

Ở nước bạn Thái Lan, ngành mía đường được Chính phủ điều hành bằng luật mía đường quy định tỷ lệ phân chia lợi nhuận được chia sẻ cho doanh nghiệp và nông dân theo tỷ lệ 70-30.

Bộ NNPTNT cũng đã đề ra một số giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu như: Chuyển đổi giảm diện tích mía trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng lúa kém hiệu quả; quy hoạch cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh; tạo đột phá về giống bằng cách đưa các giống tốt, chất lượng tốt về Việt Nam khảo nghiệm, sản xuất, chú trọng đến đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía và tận phu thế phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nguồn nhân lực tốt và tăng cường hợp tác quốc tế.


Choáng váng với chùm nho giá gần 200 triệu đồng Choáng váng với chùm nho giá gần 200… Người nuôi tôm hùm lao đao vì trượt giá, lỗ lớn Người nuôi tôm hùm lao đao vì trượt…