Tin nông nghiệp Từ thầy giáo làng đến ông chủ trang trại

Từ thầy giáo làng đến ông chủ trang trại

Tác giả Vân Anh, ngày đăng 24/12/2018

Từ thầy giáo làng đến ông chủ trang trại

Gần ba năm gắn bó với bảng đen phấn trắng, chàng trai trẻ Mai Văn Công ở xóm 6, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh bất ngờ từ bỏ nghề giáo để chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Giờ đây sau gần 5 năm nỗ lực phấn đấu, anh đã trở thành ông chủ của một trang trại quy mô với thu nhập lên tới trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Anh Công cho biết: Năm 2012, anh tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành Hóa - Sinh. Cầm tấm bằng Cử nhân trong tay, chàng trai trẻ háo hức trở về quê hương bắt đầu những ngày tháng miệt mài trên bục giảng. Tuy được làm công việc đúng với chuyên môn nhưng đồng lương giáo viên còn hạn chế khiến anh không đủ trang trải cho cuộc sống còn nhiều khó khăn của gia đình. Bởi vậy, khi đang công tác tại trường, anh vẫn dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả nhằm hiện thực hóa ý tưởng vào một ngày không xa.

Với tư duy nhạy bén, luôn cập nhật thông tin bổ ích về tình hình sản xuất kinh doanh, anh nhận định: Những năm gần đây, bức tranh nông nghiệp, nông thôn ở các vùng quê trong tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ. Người nông dân không đơn thuần chỉ trồng lúa mà đang hướng tới xây dựng các mô hình kinh tế trang trại với những loại cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng. Trong khi đó, từ năm 2003, khi UBND huyện Yên Khánh thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, bố mẹ anh đã tham gia đấu 2 mẫu đất tại khu vực Trại giống lúa Khánh Nhạc để phát triển kinh tế. Dù thuê được diện tích rộng lớn nhưng hơn chục năm nay, bố mẹ anh Công chỉ tiến hành canh tác đơn giản, chưa phát huy được hết tiềm năng của quỹ đất. Vì vậy, anh quyết định sẽ tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế trên diện tích đất mà gia đình đã thuê trước đó.

Đến năm 2014, sau những chuyến đi tham quan, học hỏi về cây thanh long ruột đỏ tại thành phố Tam Điệp và tỉnh Thanh Hóa, anh Công quyết tâm đưa cây thanh long ruột đỏ trở thành cây trồng chủ lực, thay thế cho những cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp. Qua tìm hiểu thị trường anh nhận thấy, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, có giá trị dinh dưỡng cao, vị ngọt đậm hơn thanh long ruột trắng nên được nhiều người ưa chuộng. Để đảm bảo cho việc trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả, anh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu làm đất, xây trụ bê tông để đỡ cây, lựa chọn cây giống chất lượng... với tổng chi phí đầu tư ban đầu lên tới gần 100 triệu đồng.

Khi mô hình đi vào hoạt động, anh Công đặc biệt chú trọng vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Đồng thời, anh cũng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật , lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại kết hợp với việc thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm thanh long đúng quy trình, an toàn cho người tiêu dùng. Sau hơn 4 năm triển khai, hiện nay, 440 gốc thanh long ruột đỏ của anh Công đã và đang cho thu hoạch khá với giá bán dao động từ 16 đến 25 nghìn đồng/kg.

Ngoài 1 mẫu đất sử dụng cho việc trồng thanh long ruột đỏ, anh tận dụng tối đa diện tích đất còn lại để nuôi cá thịt và xen canh các loại rau màu khác nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Hiện tại, 3 sào ao nhà anh thả các loại cá truyền thống như : trắm, chép, trôi, mè… Thức ăn cho cá chủ yếu là các loại cỏ được trồng xen kẽ tại vườn thanh long. Nhờ đó mà chất lượng cá nhà anh luôn được thương lái đánh giá cao, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho mô hình.

Song song với đó, anh Công tiến hành trồng hơn 100 gốc chanh đào và bán với giá 15 nghìn đồng/kg. Các loại rau vụ đông như su hào, bắp cải… cũng được trồng thường xuyên với phương pháp truyền thống. Anh Công quan niệm, đến với công việc như một cái duyên, lấy công việc làm niềm vui nên những lúc rảnh rỗi anh thường tự bắt sâu cho rau, hoặc bắt ốc sên phá hoại thanh long ruột đỏ. Vì vậy, việc sử dụng các chế phẩm hóa học vào phòng trừ sâu bệnh luôn bị hạn chế ở mức thấp nhất. Từ những bước đi hiệu quả, chắc chắn đó, giờ đây mô hình kinh tế trang trại nhà anh Công ngày càng phát triển với thu nhập ổn định lên tới trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Từ bỏ một công việc ổn định để chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế là điều không dễ dàng, thế nhưng chàng trai sinh năm 1987 vẫn kiên định với con đường “gập ghềnh” mà mình đã chọn. Dù vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước nhưng thời gian tới, anh Mai Văn Công sẽ tiếp tục thuê đất để mở rộng mô hình, tập trung trồng thêm các loại cây ăn quả khác như na, mít,…


Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 25 – 31/12) Những dịch bệnh hại cần chú ý trong… Cây vụ đông xanh đồng xứ Nhãn Cây vụ đông xanh đồng xứ Nhãn