Mô hình kinh tế Từ Thực Tế Dich Bệnh Trên Tôm Tại Sóc Trăng Yếu Quản Lý, Kém Ý Thức

Từ Thực Tế Dich Bệnh Trên Tôm Tại Sóc Trăng Yếu Quản Lý, Kém Ý Thức

Ngày đăng 19/05/2014

Từ Thực Tế Dich Bệnh Trên Tôm Tại Sóc Trăng Yếu Quản Lý, Kém Ý Thức

Trong khi dịch bệnh trên tôm tại nhiều địa phương đã được kiểm soát thì tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lại phải công bố dịch. Điều đáng nói là sau khi công bố dịch nông dân bất cập trong khâu quản lý lẫn ý thức của người nuôi.

Khâu quản lý yếu kém

2014 được đánh giá là năm phục hồi và tạo đà tăng trưởng trong nuôi thủy sản tại nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế. Thế nhưng, tại Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), tình hình dịch bệnh trên tôm lại đang diễn biến hết sức phức tạp, tôm tiếp tục nhiễm bệnh và chết, trong khi nông dân vẫn thả giống tiếp, bất chấp lệnh công bố dịch kể từ giữa tháng 2/2014 của địa phương.

Vĩnh Châu là một trong những khu vực nuôi tôm trọng điểm và lâu năm của tỉnh Sóc Trăng. Từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn thị xã đã thả nuôi 2.302 ha tôm chân trắng, tổng diện tích bị thiệt hại chủ yếu do chứng hoại tử gan tụy và bệnh đốm trắng là 1.516 ha (chiếm 65,86% diện tích), trong đó diện tích bị thiệt hại sau ngày công bố dịch là 534 ha.

Về nuôi thâm canh có 622 ha, bị thiệt hại 292 ha (chiếm 46,95%), bán thâm canh là 1.680 ha, thiệt hại 1.224 ha (chiếm 72,86%). Nhiều xã, phường trên địa bàn tỷ lệ diện tích nuôi tôm bị thiệt hại rất cao như xã Vĩnh Hiệp (93%), phường Khánh Hòa (87,3%), Hòa Đông (79,9%), phường 2 (75,8%), Vĩnh Phước (69%)….

Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi tôm sú từ đầu vụ đến nay là 372 ha, bị thiệt hại là 96 ha, trong đó bị thiệt hại sau ngày công bố dịch là 21 ha.

Nhiều người cho rằng do giá tôm hiện đang ở mức rất cao, nên hấp dẫn nông dân thả nuôi bất chấp lệnh công bố dịch của địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất lợi, tiến độ thả giống năm trước kéo dài và hầu hết các vùng đều thả nuôi xen kẽ nên việc quản lý nguồn nước, giám sát tình hình dịch bệnh hết sức khó khăn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi sang nuôi tôm chân trắng diễn ra quá nhanh, chất lượng tôm giống kém cũng là những yếu tố bất lợi ngay từ đầu vụ, khiến dịch bệnh trên tôm kéo dài và có xu hướng ngày càng phức tạp hơn tại Vĩnh Châu.

“Chúng ta công bố dịch là nhằm ngăn ngừa thiệt hại trước diễn biến bệnh tôm lan rộng để tránh ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và xuất khẩu và nhằm đẩy nhanh việc khống chế và dập tắt dịch bệnh, không để lây lan sang nơi khác… .

Công bố dịch mà nông dân vẫn thả giống ào ào, ao có tôm chết nông dân vẫn bơm nước, xả thải ra sông; cải tạo không đúng cách; con giống vẫn tràn lan trong khi chất lượng mất kiểm soát….thì rõ ràng khâu quản lý của chúng ta có vấn đề, vai trò của cơ quan quản lý địa phương mờ nhạt và chưa phát huy được tác dụng” - ông Lê Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nêu quan điểm.

Ông Trí cho rằng để kiểm soát được dịch bệnh, thị xã Vĩnh Châu cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, tập trung xây dựng khung lịch thời vụ một cách hợp lý, khoa học, linh hoạt cho từng khu vực, từng địa bàn, nhất là yêu cầu nông dân thả giống theo đúng lịch thời vụ, tăng cường kiểm dịch chất lượng con giống nhập tỉnh, quản lý chất lượng thuốc, hóa chất thủy sản và công tác quan trắc môi trường.

"Nông dân vẫn chưa xem nuôi tôm là nghề"?

Là đối tượng gắn bó lâu đời với nông dân, nhưng mấy năm gần đây con tôm đã gia tăng đáng kể cả về diện tích và sản lượng, trở thành đối tượng nuôi chủ lực tại nhiều địa phương trong cả nước với nhiều hình thức nuôi mới, hiệu quả. Con tôm đã thu về hàng tỷ đô la ngoại tệ XK cho đất nước và gia tăng liên tục qua các năm.

Cùng với đà phát triển đó, con tôm cũng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải, nhất là tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó phòng tránh. Hoạt động nuôi tôm yêu cầu trình độ kỹ thuật cũng như tay nghề chuyên môn cao, thế nhưng theo ông Lê Thành Trí thì nông dân vẫn chưa xem nuôi tôm là một nghề thật sự và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi trong thời gian qua.

“Rõ ràng người nông dân vẫn chưa xem nuôi tôm là một cái nghề thật sự. Nếu đã xem là một nghề thì người làm nghề phải liên tục cập nhật thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề bản thân. Như vậy mới có thể tồn tại và phát triển trong tình hình hiện nay.

Ngược lại, phần lớn người nuôi tôm vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa cập nhật thông tin về dịch bệnh, qui trình kỹ thuật nuôi mới, chưa thật sự nghiệm túc tuân thủ qui trình kỹ thuật nuôi cũng như lịch thời vu, vô tình làm cho tình hình dịch bệnh thêm phức tạp” ông Trí phát biểu.

Ngoài ra, nuôi tôm là một hoạt động mang tính cộng đồng cao, rất nhạy cảm, dễ dàng bị tác động bởi sự thay đổi của các yêu tố môi trường dù là nhỏ nhất. Thực tế nhiều hộ nuôi tôm sử dụng chung nguồn nước, diện tích nuôi nhỏ hẹp, sản xuất manh mún không đủ điều kiện xây dựng riêng biệt hệ thống cấp thoát nước; ao chứa, ao lắng, hệ thống xử lý bùn thải, nước thải….

Nhiều hộ nông dân tại Vĩnh Châu vẫn xem việc xả thải ra môi trường chung là giải pháp duy nhất. Việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp diễn ra thường xuyên.

Năm 2013, giá trị XK hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng ước đạt 514,8 triệu USD, tăng 22,7% so với năm 2012, trong đó XK thủy sản, chủ yếu là con tôm đạt 484,7 triệu USD tăng 35,74%, cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2014, Sóc Trăng dự kiến thả nuôi 45.000 ha tôm nước lợ với kỳ vọng con tôm tiếp tục là mặt hàng XK mang lại giá trị cao hơn năm 2013. Để thực hiện được mục tiêu đó, bài học từ công tác quản lý nghề nuôi tại Vĩnh Châu là rất đáng giá để các địa phương khác trong tỉnh xem xét, đúc rút kinh nghiệm, nhất là việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và nâng cao tinh thần và ý thức vì cộng đồng của người nuôi.


Hiệu Quả Từ Việc Nuôi Nhuyễn Thể Hiệu Quả Từ Việc Nuôi Nhuyễn Thể Vĩnh Long Phát Triển Mô Hình Nuôi Ghép Cá Sặc Rằn Với Cá Thát Lát Còm Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Vĩnh Long Phát Triển Mô Hình Nuôi Ghép…