Mô hình kinh tế Tuyên chiến với chất tạo heo nạc

Tuyên chiến với chất tạo heo nạc

Ngày đăng 01/09/2015

Tuyên chiến với chất tạo heo nạc

Việc cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm đã dẫn tới tình trạng các chất bị cấm sử dụng, các chất tạo nạc vẫn được dùng tràn lan trong chăn nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng, cần hình sự hóa hành vi buôn bán, sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Tác nhân gây ung thư

Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi của cả nước, từ đầu năm 2015 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã lấy 84 mẫu nước tiểu heo từ 74 kg trở lên tại 84 cơ sở chăn nuôi để kiểm tra chất cấm. Kết quả, có 20 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol- là chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi- ở mức vượt ngưỡng cho phép.

Tương tự, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, đoàn thanh tra của tỉnh ngày 25.8, bằng phương pháp test nhanh, đã phát hiện 3 trong số 5 trại chăn nuôi ở huyện Chợ Gạo được lấy mẫu có dương tính với chất cấm Salbutamol...

Ông Phạm Đức Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, các chất sử dụng để tạo nạc cho heo thuộc nhóm Beta–Agonist, là những hoạt chất đã bị Bộ NNPTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi. Trong đó, Salbutamol và Clenbuterol là 2 hoạt chất rất độc. Khi tồn dư trong thịt, các hoạt chất này có thể gây co thắt tim mạch, gây co giật, nguy cơ ung thư… Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có vụ việc nào được xác định nhiễm bệnh do ăn thịt có chất tạo nạc nên người tiêu dùng chưa sợ. “Nuôi heo thông thường muốn đạt năng suất tốt, hiệu quả cao phải dùng giống tốt (heo lai 3 máu) nhưng nếu dùng chất cấm, chỉ cần lai 2 máu cũng có thể cho trọng lượng xấp xỉ 2 tạ. Điều này khiến người chăn nuôi lờ đi phần nguy hại”- ông Bình giải thích thêm.

Mức phạt “con kiến”,  lợi nhuận “con voi”

Theo ông Phạm Đức Bình, lỗ hổng của việc ngăn chặn nạn sử dụng chất cấm hiện nay là cơ quan đã không thể kiểm soát được việc buôn bán, kinh doanh các sản phẩm này. Dù bị cấm sử dụng trong chăn nuôi nhưng các hoạt chất nhóm Beta – Agonist này vẫn được phép sử dụng trong y tế. Các đối tượng nhập khẩu chất cấm từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó phân phối lại cho các trang trại chăn nuôi để kiếm lời.

Trong khi đó, mức xử phạt hành chính khi phát hiện trại chăn nuôi sử dụng chất cấm hiện quá nhẹ, không đủ răn đe. Cơ quan thú y, các đoàn kiểm tra khi phát hiện mẫu heo dương tính với chất cấm chỉ có thể yêu cầu chủ trại không xuất chuồng, chờ sau 7 ngày để các chất tồn dư đào thải ra ngoài. Mức xử phạt hành chính hiện cũng chỉ từ 15 triệu đồng/trại. “Việc dùng các chất cấm này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng nên cần phải hình sự hóa hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm này thì mới mong ngăn chặn được”- ông Bình đề nghị.

Cùng quan điểm này, ông Đào Văn Lừng – Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM cho rằng, suy cho cùng, việc để xảy ra tình trạng chất cấm tràn lan như hiện nay trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, về mặt pháp lý, pháp luật cần bổ sung ngay các cơ sở cần thiết để xử lý hình sự hành vi này, cần xem việc buôn bán, kinh doanh chất cấm tương tự như buôn ma túy.

Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam: Dễ nhận biết

Bằng mắt thường vẫn có thể nhận biết những con heo có cho ăn chất tạo nạc. Theo đó, con heo “ăn thuốc” thường đi khệnh khạng”, ít vận động mà chỉ nằm, ngồi bằng hai chân trước, kể cả lúc ăn.

Còn sau khi giết mổ, thịt heo có chất tạo nạc thường có màu đỏ tươi, chất thịt thô cứng trong khi thịt heo bình thường có màu đỏ hồng, chất thịt mềm do có lẫn mỡ. Loại thịt này khi luộc lên sẽ nổi nhiều bọt, có mùi hôi thay vì có mùi thơm tự nhiên của thịt như thông thường. Do đó, người tiêu dùng khi chọn thịt nên chọn loại thịt có ít nhất 1cm dưới da, đừng vì ngại thịt mỡ mà sử dụng nhầm thịt có tồn dư chất cấm, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ông Đào Văn Lừng –  Vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại TP.HCM: Ảnh hưởng cả người chăn nuôi

Nếu không xử lý triệt để, cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi sẽ thiệt hại nặng nề. Sắp tới, khi thịt heo EU, thịt bò Mỹ... tràn vào Việt Nam theo các hiệp định hợp tác kinh tế, người chăn nuôi trong nước càng chết nhanh nữa, do không thể cạnh tranh”.

GS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam: Nguy hiểm đến tính mạng

Trong y tế, Salbutamol là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc. Tuy nhiên khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi, người ta thường dùng với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với quy định. Các chất này được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Vì vậy, lượng Salbutamol và Clenbutarol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu. Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa… Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.


Đột nhập ma trận nấm mối được ủ bằng chất kích thích Đột nhập ma trận nấm mối được ủ… Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha tiền giống Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha tiền giống