Trồng lúa Tuyến trùng hại lúa non là bệnh gì?

Tuyến trùng hại lúa non là bệnh gì?

Tác giả Kỹ sư Trần Thị Liên, ngày đăng 11/03/2017

Tuyến trùng hại lúa non là bệnh gì?

Vụ lúa xuân 2017, tại huyện Nam Sách (Hải Dương) đã gieo cấy được 15-20 ngày. Các diện tích lúa cấy mạ vẫn sinh trưởng phát triển tuy có chậm. Song một số diện tích lúa gieo thẳng muộn đang có hiện tượng cây khô héo và chết hàng loạt.

Trong ảnh: Cây lúa non bị tuyến trùng gây hại tại Nam Sách, Hải Dương.  Ảnh: T.T.L 

Có nơi cả khu đồng 10ha gieo cùng trà đến nay đã bị chết héo khô đến 50 - 70% số cây trong ruộng, có nhiều ruộng đã chết trắng phải gieo cấy lại.

Qua thực tế thăm đồng và kiểm tra mẫu bệnh cho thấy: Các cây đã chết và các cây lúa đang héo dần lá thân thì bộ phận rễ non đều xuất hiện các u bướu màu trắng ngà, kích thước từ 1-2mm xuất hiện ở nhiều đoạn của rễ hoặc chóp rễ. Đây là triệu chứng điển hình của tuyến trùng hại rễ lúa.

Khi bị tuyến trùng ký sinh, cây lúa bị bệnh bướu rễ sẽ bị chết khi còn non (2-3 lá) và phát triển chậm khi cây lúa ở giai đoạn 4 lá trở đi. 

Đặc điểm phát sinh phát triển

Đây là loại tuyến trùng nội ký sinh, bằng mắt thường không nhìn thấy cơ thể chúng được. Chúng gây hại mạnh trong giai đoạn đầu của cây lúa nhất là môi trường ruộng lúa thường xuyên bị khô hạn  (vì là loài vi sinh vật háo khí- cần oxy, chúng ngừng sinh trưởng trong môi trường ngập nước). Những ruộng đất bị chua do bón quá nhiều lân supe từ những vụ trước hoặc đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát pha) thì mật độ tuyến trùng thường cao hơn chân ruộng khác. Các chân ruộng để ải và giữ được nước thường xuyên sau gieo cấy sẽ ít bị tuyến trùng xâm hại.  

Tuyến trùng sau khi xâm nhiễm 4 ngày, các đại tế bào được thành hình. Vòng đời của tuyến trùng có thể từ 26-51 ngày.

Khi tuyến trùng xâm nhập vào bộ rễ cây và làm tổ tạo thành bướu sẽ làm tắc nghẽn sự vận chuyển nước và dinh dưỡng của hệ thống rễ, làm cây biến vàng rồi chết dần khi còn nhỏ và chậm phát triển, còi cọc khi cây lớn.

Triệu chứng cây bị bệnh

Trên đồng ruộng, cây lúa khoảng một tháng tuổi thường bị tuyến trùng xâm hại nếu đất ruộng có nguồn bệnh sẵn có. Cây bị lùn, lá hơi vàng, tăng trưởng chậm. Nhổ rễ lên, thấy rễ vẫn trắng nhưng bị ngắn lại, bướu xuất hiện ở nhiều đoạn của rễ hoặc ở chóp  rễ. Nơi có ổ tuyến trùng bị phù to tạo bướu 1-2mm.

Khi bị tuyến trùng ký sinh, cây lúa bị bệnh bướu rễ sẽ bị chết khi còn non (2-3 lá) và phát triển chậm khi cây lúa ở giai đoạn 4 lá trở đi. Dù bị ở giai đoạn sau cây lúa ít bị chết nhưng tốn nhiều phân bón và cây lúa phát triển kém.

Biện pháp giảm thiểu:

Để phòng trừ tuyến trùng hại rễ lúa, nông dân cần thường xuyên điều tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo các biện pháp kỹ thuật như sau:

- Không được để cạn nước, cần cho nước vào ruộng khoảng 3-5cm và giữ liên tục 5-7 ngày.

- Bón vôi với lượng từ 20-25kg/sào (360m2) để giảm độ chua cho ruộng.

- Sử dụng một số chế phẩm cải tạo đất và tăng cường khả năng ra rễ mới cho lúa như Rhizomyx 2.5G (trộn với phân chuồng mục nếu có) kết hợp phun các loại phân bón hữu cơ qua lá như DS80, Humix, Biogen... để giúp lúa nhanh hồi phục ra lá, ra rễ nhanh hơn. 

- Việc rắc hoặc phun một số thuốc hóa học để diệt tuyến trùng trong đất như Diazan, Fuzadan, Sincosin, Carbosan... thường không có hiệu quả cao vì không phát huy được khả năng xông hơi của thuốc mặt khác, các loại thuốc này lại độc cao. 


Hạn chế thiệt hại do nắng hạn, nhiễm mặn Hạn chế thiệt hại do nắng hạn, nhiễm… Hướng dẫn canh tác lúa và cây ăn trái ở vùng nhiễm mặn Hướng dẫn canh tác lúa và cây ăn…