Tuyệt kỹ săn cá ngát trên chín nhánh Cửu Long
Người dân xứ Gạch Cái gọi ông trìu mến bằng biệt danh "Sát thủ cá ngát Năm Câu" để ghi nhận kinh nghiệm săn cá ngát quý báu được ông tích góp trong hơn 50 năm mưu sinh trên vùng sông nước trải dài từ huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) đến huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau).
"Sát thủ cá ngát Năm Câu"
Rong ruổi nửa đời trên vùng sông nước Cửu Long, ông Nguyễn Văn Chấn (thường gọi Năm Câu, 85 tuổi, ngụ Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) lại quay về sống ở xóm câu Gạch Cái nằm hiền hòa bên dòng sông Cổ Chiên. Nhìn con nước lớn ròng, đục ngầu chở nặng phù sa, lòng ông Năm Câu quay quắt nỗi nhớ thời trẻ trai bám ghe chài theo đàn cá ngát đến tận hang, tận ổ. Những con cá ngát với ba chiếc ngạnh sắc đã xén từng lớp da, ngoáy từng thớ thịt trên cơ thể cường tráng của ông.
Cá ngát, một loại đặc sản của miền sông nước Cửu Long.
Dù đã "gác kiếm" khi bước sang tuổi xưa nay hiếm, ông Năm Câu vẫn không quên niềm vui lần đầu săn cá ngát cũng như vô vàn kinh nghiệm góp nhặt được trên muôn nẻo mưu sinh. Xóm câu Gạch Cái đã tồn tại hơn nửa thế kỷ đã qua, nơi này đã cho ông một tuổi thơ nghèo nhưng êm đềm bên người cha hiền từ, người truyền dạy cho ông cách săn cá ngát.
Năm 15 tuổi, ông theo cha lặn lội trên sông dưới ruộng, cách giăng câu, săn cá cứ thế thấm vào trí nhớ ông. Sau một năm ăn cơm dưới ghe, ngủ trên sông dài bên cạnh người cha thân yêu, ông phải chập chững một mình một ghe xuôi ngược sông Tiền. Ông nhớ: "Năm 16 tuổi, cha cho tôi chiếc ghe và chỉ tay về phía con sông trước nhà. Tôi hiểu những ngày tháng tự thân kiếm sống, phiêu dạt trên sông sẽ và phải bắt đầu. Hình ảnh một thân rong ruổi trên chiếc ghe nhỏ chông chênh, mưa nắng, bệnh tật không ai san sẻ, tôi có chút chạnh lòng. Nhưng tương lai tôi đều phụ thuộc vào những khúc sông, con cá miệt đồng bằng".
Lúc đầu, ông Năm Câu chỉ dám chài lưới ở những khúc sông cạn, xung quanh có cồn, để khi có giông bão còn có chỗ trú. Và một phần, ông vẫn còn cần lắm hơi ấm tình người và chưa đủ sức chống chọi với sự hiu quạnh của miền sông nước đồng bằng. Khoảng thời gian này, ông có dịp đối mặt với cá ngát, loài cá nặng nợ trong cuộc mưu sinh ngang dọc một thời của ông. Ông Năm Câu nhớ: "Một lần tôi đi chài cá, lưới vướng vào cọc hoang dưới đáy sông. Tôi phải lặn xuống để gỡ thì phát hiện ra một hang cá ngát gần đó. Trước đây, cha tôi thường hay nhắc về loại cá này, thịt cá ngát rất thơm và ngọt, được nhiều người ưa chuộng, nấu canh chua, kho hay làm khô đều rất ngon nên giá rất cao".
Lần đầu giáp mặt với cá ngát, ông Năm Câu rất lúng túng không biết làm sao để bắt. Sẵn lưới đi chài, ông phủ chặt và kín trên miệng hang rồi lấy cây chọc vào trong hang rượt đuổi cho đàn cá phóng ra ngoài theo các ngách đã được ông giăng sẵn lưới. "Loại cá này rất tinh ranh, chúng len lỏi và dùng ngạnh sắc nhọn xé toạc tấm lưới chài của tôi. Thấy tiếc, tôi liền đưa tay chộp lấy con cá ngát to nhất, không ngờ trúng ngay ngạnh cá, đau đến thấu xương", ông hào hứng kể lại.
Gần như toàn bộ thời gian dưỡng thương, ông dành hết để suy nghĩ cách đối phó và bắt cho bằng được cá ngát. Ông Năm chia sẻ: "Con cá ngát rất khôn, chúng đào một hang để ở nhưng lại moi từ 2 đến 3 ngách để lẩn tránh kẻ thù. Mỗi khi có động, chúng thập thò trước cửa ngách quan sát, nếu không có nguy hiểm hoặc kẻ thù bị đánh lạc hướng, đàn cá ngát vội vàng phóng vút qua ngách tẩu thoát ra sông rộng. Biết được đặc tính của cá ngát, tôi chế tạo những cái vợt lưới có miệng tròn, có đường kính 0,5m, dài 1,2m-1,5m. Vợt có độ sâu, cá ngát sẽ không xé được lưới thoát ra ngoài".
Sau khi trang bị đầy đủ dụng cụ đánh bắt cá ngát, đến hang cá cũ, ông lặn tìm và nhẹ nhàng dùng vợt lưới bịt các miệng hang, ngách rồi dùng cây đâm lia lịa vào các ngách phía trên, hai chân đạp liên tục ở miệng chính. Đàn cá ngát hoảng sợ, bơi tán loạn ra các ngách và chui luôn vào vợt. Lần đầu tiên săn cá ngát, ông Năm đã tóm được cả đàn, con lớn nhất nặng 1kg. Tuy chỉ dùng những dụng cụ đơn giản nhưng với cái tài lặn tìm hang cá ngát trên sông rộng mênh mang, ông Năm Câu đã chinh phục biết bao dòng sông, mang về sản vật cá ngát.
Ông Nguyễn Văn Chấn tự hào kể về những ngày săn cá.
Những chuyếnđi săn vào sinh ra tử
Nửa đời phiêu dạt cùng những dòng sông
Suốt gần 50 năm lủi thủi một mình một ghe trên chín nhánh sông Cửu Long, hết thả câu, chài lưới, lại phải rong ruổi tìm những đoạn sông có nhiều cá để chuẩn bị cho chuyến đi câu tiếp theo. Có lần, ông đi câu ở biển gặp ngay cơn giông, tưởng đã bị nhấn chìm trong cơn bão dữ nhưng không ngờ thoát nạn trở về. Ông bùi ngùi nhớ lại: "Ở biển, khi giông bão ập đến, mây đen che phủ hết bốn phương, cảnh vật quen thuộc trên bờ đều mất hút. Tôi chao đảo trên chiếc ghe nhỏ, lòng hoang mang "thôi lần này không còn gặp được vợ con".
Từ thời trai trẻ đến khi lấy vợ và có con, ông Năm Câu vẫn chí thú với cái nghề khó ai "bắt chước" cũng như khó mà làm giỏi như ông. Dòng đời xô đẩy, ông đưa gia đình về Cà Mau sinh sống, rồi tiếp tục theo đuổi nghiệp săn cá ngát để nuôi lớn 11 đứa con. Năm Căn nước mặn, ông Năm Câu không thể quăng mình xuống dòng nước mặn chát, mò mẫm tìm từng hang cá ngát như xứ nước ngọt Chợ Lách. Ông lại suy nghĩ cách săn cá ngát bằng giềng câu.
Ông giải thích: "Dụng cụ làm giềng câu rất đơn giản nhưng không phải ai làm cũng được. Phải kiên nhẫn, tỉ mỉ lắm mới hoàn thành một giềng câu hoàn chỉnh và hữu dụng. Để làm một giềng câu để săn cá ngát, tôi cần cuộn chỉ dây nilon cỡ 24 để làm dây cái và cuộn chỉ nilon cỡ 16 làm dây nhợ đôm lưỡi câu. Giềng câu dài hay ngắn và số lượng lưỡi câu ít nhiều đều tùy ở người làm, thông thường tôi mắc khoảng 80 lưỡi câu cho 1.500m dây.
Làm giềng câu khó nhất ở chỗ rất dễ bị rối dây, phải cực kỳ kiên nhẫn và tinh ý mới hoàn thành. Có lẽ, tôi quá say mê với sông nước và loài cá ngát tinh khôn nên để bắt được chúng, khó khăn nào tôi cũng thử. Đã có giềng câu, tôi lại quay qua chuẩn bị mồi câu. Mồi câu cá ngát đơn giản chỉ có ốc lác. Mồi và giềng câu sẵn sàng, tôi lại đợi con nước lớn để thả giềng câu. Sau 12 tiếng, tôi đi thăm giềng câu, nhấc giềng lên nhìn những con cá ngát ham mồi mắc câu lòng vui khôn xiết. Ngoài cá ngát, nhiều loại cá khác cũng bị mắc lưới như cá sửu, cá bông lau... càng nhiều thì bữa cơm gia đình càng rộn rã niềm vui", ông Năm sáng ngời hạnh phúc khi nhắc đến những kỹ thuật săn cá do chính mình nghĩ ra.
Tôi nhớ lúc đó 19h tối, tôi chỉ biết cầu trời cho sóng đánh dạt ghe vào vùng đất liền, tay chèo chống đi trong vô định. Đến sáng hôm sau, qua một đêm dầm trọn một cơn giông, ghe của tôi dạt vào bờ thuộc địa phận xã Tân Hưng, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau". Nguy hiểm nhiều và bất ngờ nhưng cũng có lắm niềm vui bên cái nghiệp giăng câu. Nhiều hôm, ông Năm Câu bắt được gần 50kg cá ngát, bàn tay thoăn thoắt của ông bẻ ngạnh cá đến tê tái.
"Tính từ đó đến khi tôi nghỉ không làm nữa, con cá ngát to nhất tôi bắt được nặng gần 20kg, bán con cá tôi mua được gần một chỉ vàng. Bãi cá ngát thường nằm sau một bờ đất sâu, phía dưới toàn bùn, sâu chừng 6-8m. Nắm được các đặc điểm đó, tôi đi săn lúc nào cũng được cá to và hốt được cả đàn", ông Năm Câu chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ