Mô hình kinh tế Tỷ giá ép giá nông sản xuất khẩu

Tỷ giá ép giá nông sản xuất khẩu

Ngày đăng 26/08/2015

Tỷ giá ép giá nông sản xuất khẩu

Ông Lê Thanh Danh, GĐ Chi nhánh Đầu tư và Phát triển vùng nguyên liệu ĐBSCL (VINAFOOD1), cho biết, trong những ngày qua, các khách hàng Trung Quốc đã có những động thái ép giá gạo XK của Việt Nam xuống thấp. 

Chẳng hạn, với những hợp đồng đã ký kết mà chưa giao hàng, họ yêu cầu phải điều chỉnh lại giá theo hướng giảm. Điều này khiến cho DN đang thực hiện XK gạo chính ngạch sang Trung Quốc rất mệt mỏi.

Bên cạnh đó, trên thị trường gạo thế giới, gạo Ấn Độ và Pakistan đang được chào bán với giá khá thấp, cũng tạo thêm áp lực lên giá gạo XK của Việt Nam nói chung, gạo XK sang Trung Quốc nói riêng. Trên thị trường, giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khá nhiều, hiện chỉ còn 340 USD/tấn với gạo 5% tấm (giá FOB tại TP HCM), 330 USD/tấn với gạo 15% … So với cách đây không lâu thì giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khoảng 7-8 USD/tấn.

XK gạo qua đường tiểu ngạch cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự phá giá NDT. Thông tin từ một doanh nhân trong ngành gạo cho hay, mỗi kg gạo bán qua biên giới phía Bắc hiện đã giảm khoảng 200-300đ. Tuy bị giảm về giá, nhưng gạo đi đường tiểu ngạch vẫn khá đều đặn. Theo ước tính của một số doanh nhân ở ĐBSCL, từ đầu năm đến nay, đã có trên 1 triệu tấn gạo được XK sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Có những DN ở ĐBSCL, hàng tháng vẫn đang thực hiện XK khoảng 10.000-12.000 tấn gạo sang bên kia biên giới phía Bắc.

Do giá gạo XK sang Trung Quốc bị giảm, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cũng đã giảm theo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong tuần qua, giá giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm đã giảm 100đ/kg so với tuần trước đó, gạo thành phẩm 5% tấm tại mạn tàu giảm 50đ/kg, giá lúa khô loại thường tại kho cũng giảm 50đ/kg …

Ở lĩnh vực XK thủy sản, tuy hiện nay chưa rõ việc Trung Quốc phá giá NDT đã ảnh hưởng cụ thể như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có thêm nhiều khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, TTK VASEP, cho rằng, Trung Quốc phá giá NDT sẽ gây ra 3 vấn đề lớn với XK thủy sản Việt Nam.

Thứ nhất, việc XK thủy sản sang Trung Quốc chắc chắn sẽ khó khăn hơn, mà hiện tại, việc XK thủy sản của Việt Nam sang nước này đang có dấu hiệu chậm lại so với trước đây.

Thứ hai, việc phá giá NDT cũng đã và có thể gây tác động tới việc phá giá đồng tiền ở nhiều nước châu Á đang là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường nông sản thế giới nói chung, thị trường thủy sản nói riêng như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia … Điều này khiến cho hàng nông sản, thủy sản ở những nước này cũng sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với hàng nông sản Việt Nam khi XK sang các thị trường quan trọng như EU, Nhật Bản …

Thứ ba là việc phá giá đồng NDT sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tiêu thụ thủy sản trong những tháng cuối năm (là thời điểm tiêu thụ thủy sản quan trọng nhất trong năm do các nhà NK đẩy mạnh mua hàng phục vụ cho các dịp lễ, tết).

Cá tra được coi là một trong những mặt hàng thủy sản có thể chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi do Trung Quốc phá giá NDT và gây ảnh hưởng dây chuyền tới việc phá giá đồng tiền ở một số nước khác trong khu vực.

Bởi hiện nay, Trung Quốc và ASEAN đang chiếm khoảng 20% giá trị XK cá tra Việt Nam. XK tôm của Việt Nam cũng sẽ gặp những bất lợi không nhỏ. Từ đầu năm đến nay, XK tôm của Việt Nam đã giảm mạnh ở những thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản …, bởi không cạnh tranh được về giá bán so với những nước XK tôm lớn khác trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia.

Bằng chứng là 6 tháng đầu năm nay, giá trị tôm NK từ Việt Nam vào Nhật Bản giảm 16,7%, trong khi giá trị NK tôm từ Ấn Độ vào Nhật Bản tăng 2%.Trong nửa đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đã giảm tới 50,2% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân chính là do giá bình quân tôm Việt Nam XK sang Mỹ cao hơn 1,73 USD/kg so với tôm Ấn Độ, cao hơn 1,84 USD/kg so với tôm Thái Lan, cao hơn 1,59 USD/kg so với tôm Indonesia ...

Trong số những nước châu Á đang XK tôm sang Mỹ, tôm Việt Nam có giá cao nhất. Bởi vậy, trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi giá trị tôm Việt Nam XK sang Mỹ bị giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, thì giá trị XK tôm sang Mỹ của Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia … đều tăng khá. Dự báo sắp tới, nhiều khả năng những nước XK tôm lớn ở châu Á nói trên cũng sẽ giảm giá đồng nội tệ so với USD, khi ấy, XK tôm Việt Nam sang những thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản lại càng bị cạnh tranh gay gắt hơn.

Hạt điều cũng đang là mặt hàng nông sản chủ lực mà Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất (Trung Quốc hiện chiếm khoảng 20% lượng hạt điều XK của Việt Nam).

Bởi vậy, việc Trung Quốc phá giá NDT sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến XK hạt điều sang thị trường này. Một DN ngành điều cho rằng, do NDT phá giá, với những hợp đồng mua bán nhân điều thanh toán bằng USD, nhà NK Trung Quốc phải mất thêm khoảng 2% khi thanh toán cho nhà XK Việt Nam. Do đó, nhân điều Việt Nam ít nhiều cũng sẽ bị bất lợi về giá cả khi XK sang Trung Quốc trong những tháng tới.


Tìm kế sách đầu tư cho nông nghiệp Tìm kế sách đầu tư cho nông nghiệp Giá heo Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng giảm mạnh Giá heo Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng…