Tỷ Phú Cá Chình Đất Mũi
Khi mới đưa con cá chình về vùng Đất Mũi Cà Mau của mình để nuôi, ông bị vợ phản đối, vì nhỡ có thất bại, lấy gì mà sống. Giờ thành tỷ phú nhờ nuôi cá chính rồi, ông Nguyễn Hữu Ánh (Bảy Ánh, 51 tuổi, ngụ phường Tân Thành, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vẫn khiêm nhường và tiếp tục giúp đỡ những người khác cùng nuôi cá chình để vươn lên làm giàu.
Làm liều bỏ lúa nuôi cá chình
“Cá chình dễ nuôi, lợi nhuận cao gấp 5 lần trồng lúa và hoa màu khác. Còn so với tôm và cá bống tượng thì lại dễ nuôi, tránh được nhiều rủi ro” – đây là câu nói đầu tiên của “vua” cá chình Bảy Ánh khi tiếp xúc với chúng tôi. Nói rồi, ông kể lại, khu vực này từ năm 2000 trở về trước trồng lúa, lúa năm được 2 vụ, năng suất bình quân từ 20 - 25 giạ/công. Gia đình Bảy Ánh thời đó có 7 công ruộng làm đầu tắt mặt tối mà không dư dả.
Rồi, ông nghe mấy anh em ở Hội Nông dân giới thiệu về các mô hình mới, thay đổi cây lúa bằng cách chăn nuôi, trong số mô hình này có: Nuôi tôm, nuôi cá bống tượng, cá chình… Sau thời gian đi tham quan mô hình nuôi cá nhiều nơi, Bảy Ánh nhận thấy con cá chình chịu được nước ngọt lợ, dễ nuôi, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, và chế độ ăn cũng đơn giản,có thể dùng cá rô phi làm thức ăn, cá rô phi thì xứ này nhiều vô kể. Nghĩ vậy, nên ông quyết định chọn nuôi cá chình.
Khi biết chồng mình có “nhã ý” làm liều như thế, vợ Bảy Ánh đã phản đối quyết liệt. Lúc đó, bà chỉ nghĩ đơn giản, cá chình gì đó rất lạ với xứ mình, bỏ cây lúa, đào vuông lỡ khi thất bại, chi phí tốn kém đầu tư vô hết làm sao sống nuôi 4 đứa con đây?
Người vợ của ông khi đó chỉ muốn cam chịu vất vả với cây lúa, thậm chí nhiều anh em của ông còn đánh giá ông quá phiêu lưu. Bỏ bên cạnh những lời phản đối, những nghi ngờ của mọi người, Bảy Ánh không nản chí, ông cố gắng thuyết phục vợ và các con. Sau đó, các con cũng đồng tình lên vuông nuôi cá chình.
“Khởi đầu tôi nuôi 5 vuông, mỗi vuông 1.000m2, sau 18 tháng tôi thu hoạch, tính các chi phí đào ao, con giống, thức ăn… còn lời tròm trèm 300 triệu đồng. Thấy vợ con phấn khởi, tôi phát huy thêm, qua 3 mùa thu hoạch tôi lần lượt mua thêm đất, tổng cộng đất nhà và mua thêm, giờ được 2,5ha để làm 25 ao nuôi cá chình” – Bảy Ánh cười khà, đắc ý.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm, muốn nuôi cá chình, bước trước tiên là đào ao, mỗi ao vuông rộng có diện tích từ 1.000m2 trở lên, đây là nuôi theo lối quảng canh mật độ thả thưa từ 1,5 - 3 con/m2, mỗi ao ông thả 250 - 280 con cá giống. Kế đến nguồn nước rất quan trọng, độ phèn cao quá cá không lớn, sinh bệnh, bỏ ăn, mặt nước phải từ 1,5m trở lên, cạn quá cá không lớn.
Ngoài ra, thức ăn phải tươi sống, băm nhỏ theo kích cỡ miệng cá (cá nhỏ băm nhỏ, cá lớn băm lớn). Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi thức ăn, tăng dần hoặc đánh giá cá lớn nhanh hay chậm, có bệnh hay không mà kịp thời xử lý.
Với kinh nghiệm người trong cuộc, Bảy Ánh cho rằng: Riêng về khâu tuyển lực con giống, phải chọn giống mạnh khỏe, nhớt nhiều, cá giống vừa nuôi khoảng 20 con/kg, cá lớn ít hao hụt và có vóc đem về mình nuôi sẽ lớn nhanh. Cho ăn phải định kỳ, sáng hoặc chiều, tốt nhất là từ 4 giờ chiều cá chình ăn tới tối.
Thu 2 tỷ đồng mỗi năm từ cá chình
Phải công nhận Bảy Ánh có đầu óc tính toán rất khoa học. Vừa ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông vừa đọc vanh vách chi phí đầu vào, rồi tiền thu về, lời lãi bao nhiêu. Với chi phí đầu tư ban đầu, ông nói cá giống mỗi ao thả 280 con, tương đương 15 kg, mỗi kg giá 2.000 đồng, thành tiền con giống cho mỗi ao: 30 triệu đồng.
Thức ăn cho cá chình chủ yếu là cá rô phi, bình quân 1 ao ngày 8,8kg, năm là 16,56 triệu đồng. Chi phí khác như xăng bơm nước, vôi bột, thuốc phòng trừ bệnh cho cá khoảng 3 triệu đồng nữa.
Tổng chi phí cho 1 ao nuôi là 48,56 triệu đồng, đến khi thu hoạch trừ tỷ lệ hao hụt còn khoảng 196 con, lớn nhất là 4kg, nhỏ là 1kg, bình quân mỗi con 1,7kg, bằng 333kg cá thành phẩm. Tính hết 25 ao mỗi năm tôi lời gần 2 tỷ đồng”.
Trước đây, mỗi lần cho cá ăn cả nhà Bảy Ánh phải ngồi cắt bằng kéo ngót nửa buổi, nay có máy cắt cá chạy bằng mô-tơ điện chỉ mươi phút là có cả trăm kg thức ăn. Gần thu hoạch điện cho thương lái đến, bao nhiêu cũng cân hết. Được biết, số thương lái này ở TP.HCM tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra Singapore, Hàn Quốc…
Theo kinh nghiệm đúc kết của Bảy Ánh, nuôi cá khoảng 5 tháng phải tát cạn ao, tuyển lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ, nuôi riêng từng loại, chăm sóc, cho ăn rất dễ; còn cái lợi khác khi tát cạn có dịp phơi nắng làm sạch hầm, cá mau lớn.
Không những nuôi cá giỏi, Bảy Ánh còn được mọi người “bái phục” với biệt tài xử lý, đo độ phèn trong ao. Bằng đôi mắt tinh vi, không cần dùng vật liệu đo độ phèn, Bảy Ánh chỉ nhìn xuống ao “liếc sơ” là biết độ phèn cao thấp, cần cho nước vô ít hay nhiều để từ đó xử lý giúp cá mau lớn.
Nói về cái tài của Bảy Ánh, ông Phạm Minh Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Thành không khỏi khâm phục: “Anh Bảy là người đầu tiên nuôi cá chình ở đây và mô hình được ban ngành đoàn thể nhân rộng ra. Không những vậy, tận dụng tối đa lấy ngắn nuôi dài trên bờ anh Bảy trồng thêm cây ăn trái như: Dừa, đu đủ, mãng cầu ta, màu thì có bắp, đậu, dưa hấu… góp phần tăng thêm nguồn thu nhập không nhỏ cho kinh tế hộ gia đình”.
Mặc dù thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, nhưng Bảy Ánh luôn khiêm nhường. Với “chức” Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nuôi cá chình, Bảy Ánh luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm của mình cho người khác, sẵn sàng giúp đỡ cho bà con mới nuôi trồng, tạo sự đoàn kết gắn bó với bà con nông dân trong khu vực ngày một đậm tình thương mến.
Cuộc sống của Bảy Ánh giờ rất khỏe, sống với thằng con trai út, trong ngôi nhà tường khang trang ở gần cầu Cái Nhút cặp Quốc lộ Quản Lộ Phụng Hiệp, cách TP.Cà Mau chừng 10km. Tới đây cứ hỏi: “Bảy Ánh nuôi cá chình”- ai ai cũng biết!
Với những kết quả đạt được trong sản xuất của mình, Bảy Ánh được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 3 năm liền, hiện ông là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nuôi cá chình ở phường và được chọn phát biểu tham luận về phong trào hội viên Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau thoát nghèo, làm giàu bền vững giai đoạn 2012-2014 của TP.Cà Mau tổ chức tới đây.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ