Mô hình kinh tế Tỷ phú cam sành

Tỷ phú cam sành

Tác giả Thành Hiệp, ngày đăng 30/12/2016

Tỷ phú cam sành

Anh Phan Văn Chung, hội viên Nông dân Chi hội ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vừa nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.

Trong ảnh: Nông dân Phan Văn Chung giới thiệu Kỷ niệm chương do Chủ tịch nước trao tặng

Anh là một thanh niên được mệnh danh là “Tỷ phú cam sành” và là người vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2016”.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, anh Chung thừa hưởng kinh nghiệm sản xuất của người cha nên gắn bó với nghề vườn. Với 5 công đất do cha mẹ để lại, anh đã khởi nghiệp từ cây cam sành. Là một trong những người đầu tiên trồng cam sành trên đất Trà Côn, lúc đầu anh gặp không ít khó khăn, nhất là cây giống và kỹ thuật chăm sóc. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm và nắm bắt được kỹ thuật trồng cây có múi, anh đã tự tin và dần dần mở rộng diện tích trồng.

Theo anh, đây là một giống cam cho quả nhiều nước, vị chua ngọt, mát và có mùi vị đặc trưng, nhiều người ưa thích, thị trường tiêu thụ rất mạnh nên anh quyết định chọn cây này.

Bằng sự nỗ lực tự thân, năm 2000 là năm khởi đầu cho mùa cam thắng lợi, sau khi trừ hết các chi phí mỗi năm anh còn lời trên 300 triệu đồng. Từ thành quả đó, anh tiếp tục mở rộng thêm diện tích, hoàn chỉnh các hệ thống tưới tiêu, tập trung toàn lực cho cây cam sành.

Anh chia sẻ, cam sành là một loài cây khó tính, khó trồng nhưng mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nông dân làm giàu nhờ cây cam sành nhưng cũng không ít người điêu đứng khổ sở, thậm chí mất hết vốn liếng do thiếu kinh nghiệm hoặc bị ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, phân bón, đất, cây giống và nguồn nước. Cũng đôi lúc trúng mùa nhưng lại bị rớt giá nên bà con phải hứng chịu. Nguyên nhân chính là cây thường bị bệnh vàng lá gân xanh (greening) mà cho tới nay vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Thời gian đầu, anh vừa làm vừa học hỏi, nghiên cứu tài liệu và tham quan nhiều nơi để rút kinh nghiệm. Nhờ vậy mà những bước đi của anh rất vững vàng. Từ thắng lợi ban đầu, anh cảm thấy tự tin, mạnh dạn đầu tư, dốc sức vào việc kinh doanh sản xuất. Từ 5 công tiến lên 12 công, cây nào cũng trĩu quả. Nhờ tích lũy được vốn và kinh nghiệm sẵn có, anh đã mạnh dạn thuê đất trồng thêm 120 công, hiện cây đang ra trái chiếng.

Anh phấn khởi cho biết nhờ liên tiếp hai năm cam có giá nên bình quân mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 1 tỷ đồng, đặc biệt năm 2016 lời gấp nhiều lần so với các năm trước, một con số thật ấn tượng mà không phải nông dân nào cững đạt được. Đó là chưa kể 120 công cây đang ra trái chiếng.

Nông dân Phan Văn Chung tại vườn cam sành của mình

Bằng ý chí năng động, dám nghĩ dám làm và làm một cách quyết liệt, anh đã vượt qua những khó khăn ban đầu và đang dốc sức đầu tư cho vườn cam đang trong thời kỳ phát triển với hy vọng sẽ được mùa được giá. Anh cho biết nhờ tham dự nhiều lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, anh đã nâng cao kiến thức, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ cách đào mương, lên liếp, bón phân, xuống giống, phun thuốc cho tới thu hoạch đều tuân thủ những quy định một cách nghiêm ngặt.

Nhằm hạn chế bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ trên cây cam sành, anh đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh, làm sạch gốc rễ, giữ độ ẩm cho cây, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới bằng máy và phun thuốc bằng dụng cụ tự chế, vừa tiết kiệm nước vừa nâng cao năng suất cây trồng.

Trong quá trình chăm sóc, anh tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm thiểu hóa chất trong sản xuất để bồi dưỡng cho đất và giúp cây tăng trưởng. Anh cho biết, cây cam sành thường cho trái khoảng 4 mùa thì bắt đầu lão hóa, cằn cỗi nhưng nếu chăm sóc kỹ có thể kéo dài 6 - 7 năm.

Theo kinh nghiệm của các lão nông, cam sành sau khi đốn bỏ không nên trồng lại ngay trên nền cũ mà cần chuyển đổi cây trồng trong một vài vụ trước khi trồng lại. Cam sành tốt nhất là trồng trên nền đất mới, đất ruộng lên bờ cao nhưng đất phải tơi xốp, bón nhiều phân hữu cơ và nguồn nước xung quanh không bị nhiễm phèn.

Theo anh, để ứng phó với việc biến đổi khí hậu, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín, nạo vét kinh mương để chứa nước ngọt đủ tưới cho mùa khô hạn. Muốn cho cây phát triển mạnh, người trồng phải chú ý đến việc cải tạo đất và sử dụng phân bón hợp lý. Ngoài ra còn phải thường xuyên chăm sóc cây, tỉa cành, tạo tán, kiểm soát dịch hại, tuyệt đối không để cho cây bị úng ngập, thúi rễ làm cây suy thoái. Muốn vậy, người trồng phải tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Cam sành vào mùa thu hoạch

Anh chia sẻ, để cây cam sành đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bán được giá cao, người trồng cần chú ý đến mấy việc sau đây:

Không nên trồng quá thưa cũng không quá dầy, khoảng cách tốt nhất là 4 x 5m; nên sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục; tích cực phòng trừ sâu bệnh; cây giống phải sạch bệnh, tuyệt đối không mua giống trôi nổi. Sau khi thu hoạch cần cắt bỏ các cành già, cành khô héo mọc không đúng hướng và bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời và đúng cách để chuẩn bị cho mùa cam tới năng suất cao hơn.

+ Là một nông dân làm giàu từ hai bàn tay trắng nên lúc nào anh cũng khiêm tốn học hỏi, thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình và xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày thêm giàu đẹp.

+ Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức vững vàng, anh Chung đã thuê trên 10 lao động suốt ngày chăm sóc giúp cho vườn cam lúc nào cũng xanh mướt, mượt mà, mùa trái nào cũng trĩu quả. Anh cho biết một vườn cam 3 năm tuổi, năng suất bình quân mỗi năm có thể đạt từ 50 - 60 tấn trái/ha, nếu bán với giá 20.000 đ/kg sẽ thu được 1 tỷ đồng.

+ Anh Phan Văn Chung rất xứng đáng nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2010 - 2015 và vinh dự hơn nữa là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Kỷ niệm chương của Chủ tịch nước.


Nuôi rắn ri tượng trong thau nhựa ở Cà Mau Nuôi rắn ri tượng trong thau nhựa ở… Trồng cói trên cánh đồng nhiễm phèn, thu trăm triệu Trồng cói trên cánh đồng nhiễm phèn, thu…