Tỷ phú làm nông nghiệp ồ ạt ra mắt, âm thầm tháo chạy
Khoản nợ khổng lồ của HAGL sau khi tái cơ cấu và đầu tư vào nông nghiệp đã cho thấy, dù làm ăn bài bản căn cơ thì nông nghiệp vẫn là một canh bạc lớn đối với nhiều đại gia.
Tính già hóa non
Đầu tư vào nông nghiệp bằng con đường M&A đã giúp nhiều doanh nghiệp sở hữu thêm thị phần, nhưng lại tạo ra khó khăn trong quản trị cùng với chi phí vận hành tăng lên. Điều này không dễ để cân đối lại doanh thu lợi nhuận, vì quy mô doanh nghiệp ngày một lớn, việc quản trị vận hành ngày một khó.
Với mong muốn thống nhất “đế chế” thủy sản, Hùng Vương đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Nếu tính cộng dồn doanh thu thì rõ ràng là lớn, nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và sụt giảm liên tiếp.
Theo báo cáo tình hình kinh doanh ở quý II/2015 (thời điểm bước vào giai đoạn sản xuất chính của các doanh nghiệp trong ngành), hoạt động tài chính với doanh thu suy giảm, cộng thêm chi phí tăng vọt đã khiến lợi nhuận của Hùng Vương giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế ở thời điểm đó của Hùng Vương chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm đến 71,6% so với cùng kỳ 2014.
Đà giảm kéo dài sang năm nay, khi lợi nhuận trong quý II/2016 chỉ còn 12,3 tỷ đồng – giảm 75% so với quý II/2015. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng 20%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% so với cùng kỳ. Đặc biệt, chi phí tài chính bị phình to gấp 3 lần, lên mức 172 tỷ đồng trong vòng 3 tháng.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm này là hoạt động tăng cường M&A khiến chi phí gia tăng. Trong khi đó, nhiều công ty mua lại ngày càng chứng minh hoạt động làm ăn kém hiệu quả. Chủ tịch Dương Ngọc Minh cũng thừa nhận việc đẩy mạnh đầu tư các dự án nhà máy mới, mà vốn huy động chủ yếu từ vay ngân hàng, đã khiến chi phí lãi vay tăng mạnh. Đây là nguyên nhân làm sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Với Nguyễn Kim, sau thời điểm ồ ạt đổ vốn vào các công ty lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp điện máy này đã chứng tỏ cho thị trường thấy tham vọng lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp của mình. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh tồi tệ ở các doanh nghiệp này đã khiến họ sa lầy với lĩnh vực mới.
Điển hình là cả Angimex, Thực phẩm Vĩnh Long và Docimexco lỗ triền miên kéo dài. Đáng chú ý là Docimexco lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2013 lỗ tới 138 tỷ đồng) và đã bị buộc hủy niêm yết từ giữa năm 2014. Tham vọng của ông chủ Nguyễn Kim trong nông nghiệp đã bị dội một gáo nước lạnh khi đi vào thực tế.
Nhanh chân tháo chạy
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa thể dừng lại ở thời điểm này. Tuy vậy, trải qua quá trình đầu tư chưa đủ lâu, nhưng "tàn tích" của nhiều doanh nghiệp để lại đã làm cho câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp chứa đựng nhiều bi kịch. Dù trường vốn và có kế hoạch, nhưng bài toán về giá nông sản luôn là một yếu tố khống chế doanh nghiệp. Bài học về giá cao su đã khiến HAGL ôm hạn trong thời gian dài, và phải đắp đổi qua nhiều loại hình nông nghiệp khác nhau để chống đỡ. Song đến nay công ty của bầu Đức vẫn chưa thoát ra được vòng xoáy với tình hình tài chính không mấy khả quan.
Gần đây, thị trường cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp lựa chọn phương án rút vốn dần khỏi nông nghiệp và thừa nhận, đi với nông nghiệp đang là một hành trình mạo hiểm.
Dù có kế hoạch và trường vốn, nhưng bài toán về giá nông sản luôn là mối đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp. Ảnh: N.Trinh
Gemadept đã từng có ý định gắn bó đường dài với cao su, nhưng diễn biến của thị trường gần đây và nguồn vốn không nhỏ phải đổ vào cao su đã buộc công ty nhìn nhận lại chiến lược của mình.
Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Gemadept, từng cho rằng trồng cao su là cách giúp công ty tăng trưởng mạnh. Từ 2012 đến nay, dự án trồng cây cao su ở Campuchia vẫn khả quan và đạt được một số thành quả nhất định. Năm 2013, Gemadept được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000 ha, và công ty cũng đã trồng được gần 8.000 ha cao su.
Tuy nhiên, sớm nhất thì cuối năm 2016 doanh nghiệp mới có thể khai thác. Lĩnh vực cao su vẫn đang tiêu tốn tiền của Gemadept trong khi lợi nhuận lại là ẩn số.
Một đại gia phố núi khác cũng tuyên bố đổ vốn vào nông nghiệp là Đức Long Gia Lai. Năm 2014, Đức Long Gia Lai cho biết, việc trồng bắp mang lại doanh thu hơn 60 tỷ và lợi nhuận 42 tỷ đồng. Doanh nghiệp này tiếp tục công bố dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt, dự kiến quy mô lên đến 80. 000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng, bắt đầu nuôi từ quý I/2015. Tuy nhiên, đến nay đàn bò của Đức Long Gia Lai vẫn chưa thấy về trang trại.
TS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa (SSC) tư vấn: “Để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thành công, các doanh nghiệp cần phải hiểu công nghệ cao không phải là công nghệ tiên tiến nhất, đắt tiền nhất hay nổi tiếng nhất, mà là công nghệ mang lại năng suất tốt nhất, chất lượng cao nhất với giá rẻ nhất. Và khi đã đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp thì không được tách rời từng khâu, đầu tư từng khâu mà phải đồng bộ cả quá trình: giống - chăn nuôi (gieo trồng) - thu hoạch - sau thu hoạch - bao bì - vận chuyển - thị trường".
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao