Mô hình kinh tế Tỷ phú người Ca Dong đầu tiên ở Sơn Long mua ô tô

Tỷ phú người Ca Dong đầu tiên ở Sơn Long mua ô tô

Tác giả Ngọc Viên, ngày đăng 28/10/2016

Tỷ phú người Ca Dong đầu tiên ở Sơn Long mua ô tô

“Bây giờ nhà giàu rồi, làm nương rẫy chi cho mỏi cái chân, cái tay. Có ở nhà ăn chơi cả năm cũng không hết số bạc ấy đâu!”, anh Đinh Văn Công ngụ thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây, Quảng Ngãi) thuật lại lời của nhiều người hàng xóm nói về mình, khi họ thấy anh vẫn cần mẫn lao động, mặc dù trước đó anh nhận được hàng trăm triệu đồng tiền đền bù từ dự án thủy điện Đắkđrinh.

Lập trang trại quy mô nhất xã

Nhắc lại chuyện cũ, anh Đinh Văn Công vẫn nhớ cái ngày mình có một khoản tiền đền bù lớn. Anh bảo: “Cả đời mình chưa bao giờ cầm trên tay số tiền nhiều như vậy. Tiền đếm không xuể. Lúc ấy, làng vui như mở hội. Nhiều người làm heo, gà để ăn mừng. Ai cũng chủ quan tin chắc rằng cuộc sống rồi đây sẽ khá hơn”.

 

Trong ảnh: Anh Đinh Văn Công.

Năm 2004, anh Công nhận được khoảng 800 triệu đồng từ tiền đền bù, nhưng đất đai không còn nhiều nữa, khiến chàng trai trẻ trăn trở về cuộc sống tương lai. Anh Công bảo: “Đất đai nhường gần hết cho thủy điện. Thời gian sau đó cứ ngồi bó gối trong nhà, chân tay bứt rứt khó chịu. Nghĩ bụng, cứ ngồi tiêu tiền đền bù mãi thì cũng hết, rồi sẽ nghèo lại như ngày trước thôi”.

Chính cách nghĩ tích cực ấy, mà Đinh Văn Công không giống như nhiều người khác. Anh dùng tiền đền bù mua lại đất đai, mua bò, dê về chăn thả. Đồng tiền đền bù sử dụng hiệu quả đã bắt đầu sinh lãi. Nhiều năm sau đó, anh mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất của mình.

Anh Công hiện có trong tay khoảng 20ha keo lai và một trang trại rộng 17ha, nuôi 40 con bò, 41 con dê. Trung bình, mỗi năm anh thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng, một khoản thu nhập lớn ở vùng cao Sơn Long vốn có đến  80% là hộ nghèo. Chàng thanh niên trẻ người Ca Dong cho hay: "Mô hình kinh tế trang trại vốn khá lạ lẫm với người dân vùng cao như mình.

Những ngày đầu tập tễnh trồng keo, nuôi bò, dê, thấy khó khăn lắm, vì thời tiết trên này rất khắc nghiệt. Trăm hay không bằng tay quen, nên giờ thì cái gì cũng thuần thục hết rồi. Sắp đến mình sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thêm số lượng đàn bò, dê lên khoảng 40 con. Về đầu ra thì không phải lo, vì bán bao nhiêu cũng có người mua với giá cả rất ổn định".

Người Ca Dong đầu tiên ở Sơn Long mua ô tô

Ở thôn Ra Pân có nhiều người nhận số tiền đền bù lớn như anh Đinh Văn Công. Thế nhưng, họ đã chóng vánh tái nghèo vì thiếu định hướng trong việc phát triển kinh tế. Còn anh thì say sưa chăm bẵm cho đàn bò, dê, trồng rừng. Anh Công chia sẻ: “Ai bảo mình tỷ phú đâu không biết, nhưng chân tay lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Có lao động và thấy sản phẩm chất lượng của mình ra đời thì mới vui!”.

Những ngày mùa đông, đường sá đi lại khó khăn, nhưng người làng vẫn thấy anh cần mẫn vượt rừng lên trông nom trang trại của mình. Anh là vậy, dù giàu vẫn hăng say lao động và biết trân trọng giá trị của đồng tiền. Ở Sơn Long, anh Công cũng là người Ca Dong đầu tiên trong xã mua được ô tô riêng. Ngoài việc dùng để đi lại, kinh doanh, anh còn chở bà con đi cấp cứu, khám chữa bệnh trong những trường hợp ốm đau.

Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: "Anh Công là một tấm gương sáng trong sản xuất kinh doanh, được dân làng nể phục. Nhiều trường hợp ốm đau, nhưng nếu gọi xe cấp cứu lên đến nơi thì cũng mất rất nhiều thời gian. Nhờ ô tô của anh Công kịp thời chở đi cứu chữa mà nhiều bệnh nhân đã vượt qua được cơn nguy cấp”.


Biến nơi hoang vu thành trang trại cam ngọt Biến nơi hoang vu thành trang trại cam… Làm giàu nhờ hoa lan Mokara Làm giàu nhờ hoa lan Mokara