Mô hình kinh tế Tỷ phú nông dân trên đồng đất hoang

Tỷ phú nông dân trên đồng đất hoang

Tác giả Tâm Phùng, ngày đăng 13/10/2020

Tỷ phú nông dân trên đồng đất hoang

Bàn tay chai sần vì khai khẩn đồng đất hoang hóa ở vùng đầm lắc. Sau gần 20 năm đội nắng, dầm mưa, ông mới có được cơ ngơi trị giá vài chục tỷ đồng…

Ông Nguyễn Văn Bồn: “Bên kia được quy hoạch làm khu nuôi bò và nuôi gà”. Ảnh: B. Châu.

Về vùng quê xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch - Quảng Bình), nhắc đến tên ông Nguyễn Văn Bồn thì người ta hỏi lại ngay: “Bồn trang trại phải không? Ông này làm ăn có tiếng lâu rồi, mà làm chi cũng nên hết, từ nuôi cá, nuôi bò, nuôi heo, gà… Bữa nay lên hàng tỷ phú rồi”.

Dặn lòng “không cam chịu đói nghèo”

Ở cái tuổi 60 nhưng ông Bồn còn trẻ trung lắm. Đứng trên con đường lớn dẫn vào trung tâm khu trang trại rộng hơn 6,5ha, ông khoát tay một vòng rồi sang hướng đối diện: “Bên kia là khu chăn nuôi bò, nuôi gà và hơn hecta đất trồng cỏ để làm thức ăn cho bò đấy. Khu đối diện qua con đường là ao nuôi cá và khu nuôi lợn”.

Nhìn ông sảng khoái vậy, ít ai biết được để có cơ ngơi và xếp lên hàng tỷ phú như hôm nay, ông đã có thời gian gần 20 năm không ngơi tay dù là mưa hay nắng. Ông kể, thời trai trẻ tham gia quân ngũ, khi ra quân, ông được nhận về làm ở một cơ quan thủy lợi cấp huyện. Nhưng rồi sau đó vì không có chuyên môn sâu nên ông được xếp vào tốp đầu của giảm biên chế.

Về quê, về với chật vật của mưu sinh và bao khó khăn chồng chất. Vậy nhưng, trong ông luôn nung nấu ý chí “không thể cam chịu đói nghèo”. Một lần đi ra phía vùng đồng lúa một vụ bấp bênh phía sau làng, thấy ruộng, ao hoang rộng mà chẳng có ai để ý. “Phải bắt đầu từ đây”, nghĩ vậy và ông lội ùm ùm xuống ao, khoát nước bùn tanh nồng lên rửa mặt như để thấm vào đầu cái quyết tâm của mình.

Chính thức thì vào năm 2002, ông Bồn mới động thổ nhát cuốc đầu tiên trên khoảnh đất mà ông xin xã làm ao thả cá. Phần đất còn lại, ông san lấp để thành những khoảnh vườn trồng sắn, trồng khoai. Khi đói đã có sắn, khoai đỡ lòng. Ngày ngày chăm ao cá mong được lứa cá đầu tiên có thu về đồng tiền từ mồ hôi mình đã đổ xuống. Đất không phụ lòng người. Ngay vụ cá đầu tiên, ông đã có lãi. Tiền lãi nhiều bằng cả một năm lương ông đi làm trước đây.

Trại nuôi bò thịt sẽ được mở rộng quy mô để nâng tổng đàn. Ảnh: B. Châu.

“Tui thường đưa ra chính sách đầu tư con nhà nghèo”, ông Bồn tiếp tục câu chuyện của 15 năm về trước. Đầu tư con nhà nghèo theo cách của ông Bồn là năm trước làm ăn dư dả được bao nhiều thì đầu tư bằng ngần đó vào sản xuất. “Tui không vay mượn nhiều để đầu tư mà chỉ có đổ lợi nhuận vào mà thôi. Cái đó tuy chậm nhưng mà chắc chắn. Nếu lỡ có thất bát thì cũng chẳng nợ nần ai”, ông triết lý theo quan điểm của mình.

Năm cũ qua, năm mới đến. Từ ban đầu vài chục triệu, rồi vài trăm triêu đến vài tỷ đồng. Dần dần, cả khu trang trại với quy hoạch đường giao thông, đường điện, khu chăn nuôi, khu trồng cỏ… đã hình thành "nên tấm nên món”.

“Đó là tui làm dần mà nên. Nếu cộng tiền đầu tư thì đâu cũng chỉ chưa đến chục tỷ. Nhưng có người bảo, cơ ngời này bỏ ra bốn năm chục tỷ đồng mới xứng đáng. Nghe vậy thì tui cũng ừ cho vui bụng thôi mà”, ông Bồn đập tay vào cửa xe ô tô cười ấm áp.

Đưa “công nghệ” vào chăn nuôi

Từ những ao cá ban đầu, dần dần ông Bồn mở rộng trang trại để phát triển đa dạng vật nuôi. Rồi những phân khu chăn nuôi được đầu tư. Khu nuôi lợn, khu nuôi bò, khu nuôi gà. Mỗi khu được bố trí cách nhau theo cự ly phòng bệnh.

Khu nuôi gà ri vàng rơm được chứng nhận sản phẩm VietGAP. Ảnh: B. Châu.

Do chăn nuôi theo kiểu truyền  thống, cũng có năm, trang trại thất bát vì dịch bệnh. Học hỏi và với kinh nghiệm, ông Bồn hiểu là phải đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi chứ không thể làm mãi theo cách truyền thống. Ông cũng đầu tư cho cậu con trai học chuyên sâu về chăn nuôi, thú y để hỗ trợ bố mẹ trong việc đưa khoa học kỹ thuật về áp dụng vào trang trại.

Đầu tiên, ông đưa máy sục khí về lắp trên hồ nuôi cá. Cá không chỉ lớn nhanh hơn mà còn có chất lượng tốt, được thị trường ưa chuộng.  Với diện tích mặt nước khoảng 1,2ha, sản lượng bình quân 19 - 20 tấn/năm mang về cho ông khoảng 600 triệu đồng.

Ngồi với ông trước hiên ngôi nhà hai tầng rợp bóng cây và lộng gió từ biển thổi vào. Hỏi ông: “Doanh thu mỗi năm từ trang trại bao nhiêu” - ông cười hiền lành: “Cũng tầm trên dưới chục tỷ”. Lại hỏi:“Lãi ròng bao nhiêu” - ông cười cười: “Cũng trên dưới một tỷ”.

Rồi ông chẳng giấu mà kể luôn là làm công cho trang trại cũng khoảng chục người, khi cần vào thời vụ đông hơn nhiều. Tiền công cho mỗi lao động cũng chừng 5 triệu đồng/tháng.

Đến hôm nay, khu chăn nuôi lợn được đầu tư trên 1,3 tỷ đồng với mô hình công nghệ cao. Quy mô khu nái ngoại sinh sản với 50 con. Toàn bộ lợn giống được chuyển sang khu nuôi thương phẩm. Trung bình mỗi năm xuất chuồng gần 1.000 con. Sản lượng xuất chuồng khoảng 100 tấn, thu nhập trên 3 tỷ đồng.

Ông Bồn bảo, đó là khu cách ly nghiêm ngặt. Người làm khi vào đều phải thực hiện thao tác xịt sát khuẩn, mặc đồ bảo hộ được tẩy trùng. “Có như vậy mới đảm bảo an toàn chống dịch bệnh”, ông Bồn nói thêm.

“Mình là nông dân làm trang trại nên đa dạng vật nuôi để tránh rủi ro” - suy nghĩ vậy, ông Bồn tiếp tục đầu tư vào nuôi gà, nuôi bò thịt. Sau thời gian nghiên cứu thị trường, ông nói chọn mô hình nuôi gà ri vàng rơm thả vườn.

Thành công từ mô hình, mang lại thu nhập cao nên ông đã tăng số lượng gà từ 10 ngàn con/năm lên 25 ngàn con với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Năm 2018, mô hình gà ri vàng rơm thả vườn của ông đã được chứng nhận sản phẩm VietGAP.

Đưa chúng tôi vào xem khu nuôi bò, ông Bồn bảo: “Đừng sợ, thấy người lạ là chúng hay làm phách lắm”. Trại bò được chia làm hai khu đối diện nhau. Những con bò lai to tướng được ở trong ô riêng của mình.

Quả nhiên, thấy người lạ, những con bò đực cồng kềnh cứ đánh sừng côm cốp vào những ống sắt tròn làm khung chuồng rung lắc và rống kên thật lớn. Nếu không  được báo trước thì chúng tôi cũng hết hồn.

Ruộng trồng cỏ để làm thức ăn nuôi bò. Ảnh: B. Châu.

Trước khi đầu tư trại bò, ông Bồn đã thuê ô tô chở gần 1.500 xe đất san lấp vùng đất trũng để trồng cỏ voi làm thức ăn. Hơn hecta ruộng trồng cỏ được bố trí 23 vòi phun nước tưới tự phun. Vì được chăm bón đúng quy trình nên ruộng cỏ voi xanh um, cao vượt quá đầu người lớn. Khi cắt cỏ làm thức ăn cho bò, ông còn dùng máy thái trộn với một số loại sản phẩm nông nghiệp khác. Với đủ chất dinh dưỡng, đàn bò con nào cũng da căng, lông mượt.

Ông Bồn bộc bạch: “Trại bò có 30 con. Trung bình mỗi ngày có lãi được 500 ngàn đồng thôi. Mỗi năm có lãi từ 150 - 170 triệu đồng. Nếu tăng đàn thì thu nhập tăng thôi mà”.

Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Quảng Bình: “Ông Nguyễn Văn Bồn là hội viên tiêu biểu trong nhiều năm qua của phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Với thành tích lao động giỏi, ông được nhận nhiều Bằng khen từ cấp tỉnh đến Trung ương. Năm nay, ông được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Đảng và Nhà nước trao tặng”.


Nông nghiệp công nghệ cao-nuôi ốc hương trong nhà, thu 10 tỷ mỗi năm tại Quảng Trị Nông nghiệp công nghệ cao-nuôi ốc hương trong… Ấn tượng mô hình lúa - cá - vịt Ấn tượng mô hình lúa - cá -…