Tin thủy sản Ứng dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm thâm canh

Ứng dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm thâm canh

Tác giả Võ Thái Hòa, ngày đăng 09/10/2019

Ứng dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm thâm canh

Hiện nay, chế phẩm sinh học được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, trong đó nuôi tôm thâm canh là không thể thiếu bởi đây là phương pháp an toàn cho vật nuôi cũng như môi trường. Với nhiều ứng dụng hữu ích trong nuôi tôm thâm canh và nhằm hạ giá thành sản xuất cho người nuôi tôm, năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) Quảng Trị tập trung nghiên cứu và sản xuất thành công chế phẩm sinh học phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là Nitro- QTMIC (chế phẩm sinh học xử lí môi trường ao nuôi) và Perfect- QTMIC (chế phẩm sinh học bổ sung thức ăn).

Xử lí ao trước khi vào vụ nuôi tôm mới​

Các chế phẩm sinh học được sản xuất bằng thiết bị hiện đại và đồng bộ như lưu giữ chủng giống vi sinh ở nhiệt độ -85 độ C trong tủ lạnh siêu âm; lên men, nhân sinh khối bằng hệ thống lên men tự động loại 15 lít, 300 lít; thu sinh khối bằng máy li tâm liên tục từ 10.000- 15.000 v/p; phối trộn sinh khối với chất mang và prebiotic bằng máy trộn siêu tốc; sản phẩm được sấy ở điều kiện nhiệt độ thấp (35- 37 độ C) trong máy sấy bơm nhiệt. Nhờ vậy, chất lượng của chế phẩm luôn đảm bảo. Mật độ các chủng vi sinh trong chế phẩm đạt mức tiêu chuẩn và sức sống, hoạt tính sinh học được đảm bảo. Các sản phẩm đã được trung tâm công bố chất lượng và đăng kí chất lượng tại Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Để giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học Nitro- QTMIC và PerfectQTMIC, trung tâm đã thực hiện thí điểm tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng mô hình nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học từ các bước chuẩn bị ao nuôi, kiểm soát môi trường nước, dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi. Diện tích nuôi trung bình mỗi mô hình thí điểm là 2.000 m2 (tương đương 3.000 m3 nước ao). Trước khi sử dụng chế phẩm NitroQTMIC, ao nuôi được thay nước, tùy theo tình trạng của từng ao nuôi để bón hoặc không bón vôi nâng độ pH lên từ 7,5- 8,5 cùng với bón dolomite và chất khoáng để nâng cao độ kiềm.

Kết quả thí điểm cho thấy, sử dụng chế phẩm Nitro- QTMIC với liều lượng trước khi thả tôm giống là 1 kg chế phẩm/3.000 m3 nước ao, trong quá trình nuôi là từ 0,5- 0,7 kg/3.000 m3 nước, định kì 7 ngày xử lí một lần đã cải thiện đáng kể chất lượng nước trong các ao nuôi. Chế phẩm có hiệu quả sau khi sử dụng 2- 4 ngày, thể hiện qua màu nước và các chỉ tiêu môi trường. Các mô hình sử dụng chế phẩm cho kết quả giá trị độ pH ổn định từ 8,3- 8,5 trong suốt quá trình nuôi, độ trong của nước từ 25- 35 cm, bùn đáy ao, lượng phân tôm, thức ăn thừa và các chất hữu cơ khác giảm 50% so với ao không sử dụng chế phẩm sinh học định kì. Các loại khí độc và chất độc hại trong ao nuôi tôm cũng giảm đáng kể. Đặc biệt, chế phẩm Nitro- QTMIC có tác dụng ức chế các vi khuẩn vibrio sp gây bệnh đường ruột trên tôm.

Sản phẩm Perfect- QTMIC được trộn vào thức ăn với liều lượng 500 g chế phẩm/50 kg thức ăn, dùng 2- 3 lần/tuần và trong suốt quá trình nuôi đã bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho tiêu hóa của tôm. Các dòng vi khuẩn có lợi có khả năng giúp cho tôm tiêu hóa thức ăn tốt, từ đó tăng cường sức khỏe và phòng bệnh cho tôm bằng cách ức chế các vi khuẩn gây hại, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh phấn trắng và gan tụy, tỉ lệ sống cao, trên 82%. Lượng chất thải giảm bớt cũng khiến mức độ ô nhiễm môi trường ao nuôi không còn là nỗi lo ngại của người nông dân.

Sử dụng chế phẩm Perfect- QTMIC cho tôm ăn và theo dõi mức độ trưởng thành về đường tiêu hóa, ghi nhận của các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cho thấy hiệu quả mang lại rất khả quan. Tôm phát triển tốt, khỏe mạnh, đường ruột rõ nét và đầy, gan to và có màu sẫm.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị Lê Mậu Bình cho biết: “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất tôm trên địa bàn tỉnh đã có hiệu quả rõ rệt, mang lại lợi ích cho người nuôi tôm bằng cách tăng cường hệ vi sinh vật có lợi trong môi trường nuôi, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng thức ăn và giá trị dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng đối với dịch bệnh, tăng khả năng hấp thụ thức ăn và cải thiện môi trường nuôi”.

Thực tế sau khi sử dụng các chế phẩm sinh học của trung tâm cho thấy, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lí ao nuôi và bổ sung thức ăn cho tôm sau 95- 100 ngày nuôi tôm đã đạt kích thước 55- 60 con/kg, tỉ lệ sống 82- 85%, mật độ nuôi 50 con/m2 đạt sản lượng 7- 7,5 tấn/ ha. Với giá bán hiện tại 120.000 đồng/kg thì mỗi héc ta cho doanh thu khoảng 840 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 350 triệu đồng/ha/vụ, mỗi năm có thể sản xuất 2- 3 vụ. Trước đây, để có sản lượng tôm chừng đó thì phải đầu tư thức ăn, thuốc, chất bổ dưỡng cao gấp 1,5 lần kinh phí so với hiện nay có dùng chế phẩm vi sinh. Đó là chưa kể nếu không sử dụng chế phẩm vi sinh trong tôm thì dễ bị dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi tôm và ô nhiễm môi trường sản xuất.

Việc áp dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất tôm có thể quản lí được chất lượng nước trong suốt vụ nuôi, hạn chế được dịch bệnh, hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh cho tôm, giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, 2 sản phẩm này đã được thương mại hóa và được người nuôi tôm trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Toàn tỉnh hiện có 933 ha tôm, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất trên địa bàn vào nuôi tôm đưa đến nhiều lợi ích cho nông dân, góp phần phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh một cách bền vững.


Xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực giảm Xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản chủ… Đảm bảo ổn định nguồn giống cá bớp Đảm bảo ổn định nguồn giống cá bớp