Tin thủy sản Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cá tra giống

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cá tra giống

Tác giả Ngọc Trinh, ngày đăng 15/12/2018

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cá tra giống

Sáng nay, tại An Giang, Tổng cục Thủy sản và Sở NN&PTNT An Giang phối hợp tổ chức Diễn đàn Khoa học công nghệ thủy sản về nuôi trồng cá tra chất lượng cao ở ĐBSCL; với sự tham dự của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các viện, trường, chuyên gia, doanh nghiệp, hộ nuôi cá tra ĐBSCL.

Diện tích nuôi mới cá tra 7 tháng đầu năm các tỉnh ĐBSCL là 2.064 ha 

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi mới cá tra 7 tháng đầu năm các tỉnh ĐBSCL là 2.064 ha (tăng 31% so cùng kỳ năm 2017), diện tích thu hoạch 2.052 ha, sản lượng 651.779  tấn (tăng 33) với năng suất trung bình đạt 318 tấn/ha (so năm 2017 là 308 tấn/ha). Hiện tại, vùng ĐBSCL có tổng số 109 trại sản xuất giống và hơn 1.800 cơ sở ương dưỡng giống cá tra, cung cấp 2,067 tỷ con giống, đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm; các tỉnh có số lượng giống thả cao như Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ.

Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết, cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở ĐBSCL, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm. Năm 2017, ngành hàng cá tra đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,78 tỷ USD và nhận định triển vọng thị trường xuất khẩu năm 2018 là trên 2 tỷ USD. Do đó, việc cung cấp đủ con giống có chất lượng tốt nhằm đáp ứng được nhu cầu nuôi cá tra hàng năm là một vấn đề cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Thực tế cho thấy, mặc dù việc sản xuất cá tra giống vẫn phát triển theo quy luật cung - cầu, tuy nhiên vẫn còn mang tính tự phát, sản xuất chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi nói riêng và nghề nuôi cá tra nói chung.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến chất lượng cá tra giống là do chưa có sự hợp nhất giữa cơ sở sản xuất giống và các hộ nuôi để thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng một quy trình ương cá tra một cách hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, cũng chưa có sự quan tâm đúng mức về các vấn đề trong việc cải tiến và xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường, dịch bệnh, cải tiến dinh dưỡng. Vì thế, việc ương cá tra giống gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, cá có tỷ lệ sống thấp.

Để đưa ra được quy trình kỹ thuật ương cá tra giống chất lượng (không có bệnh nguy hiểm, tỷ lệ sống cao), theo ông Luân, ngay trong vụ nuôi tới của năm 2019, các địa phương, chi hội sản xuất giống, các hộ nuôi cá thể và các doanh nghiệp nuôi cá tra vùng ĐBSCL cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các nhà khoa học để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ương tạo và sản xuất giống cá tra chất lượng; nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc (nhất là giống cá tra nuôi trái vụ)… Có như vậy ngành hàng cá tra vùng ĐBSCL mới phát triển một cách bền vững, đáp ứng các yêu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và quốc tế.


CP Foods (Charoen Pokphand Foods) mở tầm mắt với phương pháp xanh của nông dân nuôi tôm CP Foods (Charoen Pokphand Foods) mở tầm mắt… Triển vọng từ cá khế vằn Triển vọng từ cá khế vằn