Tin nông nghiệp Ứng dụng KHKT chăn nuôi bò cái sinh sản Brahman thuần

Ứng dụng KHKT chăn nuôi bò cái sinh sản Brahman thuần

Tác giả PV, ngày đăng 30/11/2017

Ứng dụng KHKT chăn nuôi bò cái sinh sản Brahman thuần

Nghệ An là tỉnh nông nghiệp thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Để mô hình có hiệu quả cần ứng dụng KHKT vào chăn nuôi. Ảnh: Lương Mai

Trong những năm qua chăn nuôi trâu, bò ở tỉnh ta có bước phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 11/2017, tổng đàn bò đạt 428.782 con, tỷ lệ bò lai chiếm 42 %. Với con số đó, tỉnh ta đang là một trong những tỉnh đứng đầu toàn quốc về số lượng tổng đàn.

Tuy nhiên, chăn nuôi bò ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, phân tán nhỏ lẻ, giống bò hiện đang nuôi chủ yếu có tầm vóc nhỏ, hiệu quả chăn nuôi chưa cao, chưa có mô hình trang trại chăn nuôi bò thuần năng suất chất lượng cao.

Dự báo trong thời gian tới, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc tỉnh ta nói riêng chịu sự tác động rất lớn khi Việt Nam gia nhập TPP và để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã được UBND tỉnh phê duyệt, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, quy hoạch phát triển chăn nuôi trâu, bò tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt với cơ cấu tổng đàn đến năm 2020 là: 780 nghìn con, tỷ lệ bò lai đạt 60%, hàng năm Nghệ An cần phải đẩy nhanh công tác tạo giống, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò giống có năng suất chất lượng.

Từ tháng 9/2016 – 2017, Trung tâm giống chăn nuôi Nghệ An đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Chăn nuôi bò cái Brahman thuần tại Trang trại Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Đại Huệ thuộc xóm 7 xã Nghi Hưng (Nghi Lộc), với quy mô 30 bò cái giống Brahman thuần. Giống bò thuộc loại bò thịt thuộc giống bò Zebu, có nguồn gốc từ Ấn Độ, ngoại hình đẹp, thân dài, lưng thẳng, tao to, yếm phát triển. Đây là bò thịt nhiệt đới, được nuôi rộng rãi ở các nước có nhiệt độ cận nhiệt đới trong đó có Việt Nam.

Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Đại Huệ, với khuôn viên hơn 10 ha, đầu tư hệ thống chuồng trại vùng sản xuất được bố trí khá quy củ. Chuồng nuôi bò được đầu tư hệ thống tự động làm mát. Nguồn nước uống cho vật nuôi được công ty tận dụng từ các nguồn khe suối và tích trữ qua hệ thống bể nguồn. Công tác vệ sinh chuồng trại, máng ăn được tiến hành theo từng ngày và được xử lý qua hệ thống bể Bioga. Để có nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng tốt và sạch cho chăn nuôi, mô hình đưa vào ứng dụng công nghệ lò sấy sản xuất cám vi sinh từ cỏ và phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn đảm bảo không có tồn dư kháng sinh.

Mô hình chăn nuôi được đầu tư đúng theo quy trình kỹ thuật, con giống được tuyển lựa từ Viện Chăn nuôi, bò cái tiếp tục được nhân giống phối giống bằng thụ tinh nhân tạo (TTNT) tinh bò Brahman thuần nhập ngoại nên sản phẩm bê ra đời có ngoại hình đẹp, khả năng sinh trưởng phát triển tốt.

Mô hình chăn nuôi bò đang hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lương Mai

Qua kết quả thực hiện xây dựng mô hình, người chăn nuôi đã tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi. Giống bò Brahman thuần thích nghi với điều kiện chăn nuôi trang trại tại Nghệ An, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, thực tế mô hình cho thấy để đạt hiệu quả kinh tế cao và thành công bền vững cho mô hình, cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chú trọng chất lượng giống và làm tốt công tác giống, phát hiện động dục và phối giống, cải tạo tầm vóc, có sự đầu tư về thức ăn... để tăng năng suất và chất lượng.


Gặp “kỹ sư chân đất” giành giải Nhân tài Đất Việt Gặp “kỹ sư chân đất” giành giải Nhân… Trồng khoai tây, lợi nhuận gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa Trồng khoai tây, lợi nhuận gấp 2 -…