Mô hình kinh tế Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Định Hình Sản Xuất Tôm - Lúa

Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Định Hình Sản Xuất Tôm - Lúa

Ngày đăng 28/04/2014

Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Định Hình Sản Xuất Tôm - Lúa

Nhiều năm qua, vụ lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… làm cho năng suất “giậm chân tại chỗ”. Khoảng thời gian 14 năm chuyển dịch tại Cà Mau cũng là thời gian nông dân thực hiện mô hình lúa - tôm băn khoăn về năng suất của cả con tôm và cây lúa.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thuỷ sản II, cho biết: “Từ dự án thí điểm của các chuyên gia trong và ngoài nước, việc ứng dụng khoa học - công nghệ là bước ngoặt quan trọng để thiết kế lại đồng ruộng cho sản xuất tôm - lúa”.

- Tiến sĩ đánh giá thế nào về hiệu quả sản xuất lúa - tôm của Cà Mau nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung trong thời gian qua?   

Mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa ngày càng bền vững về năng suất.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo:  Mô hình tôm - lúa đứng về mặt lý thuyết là loại hình mang tính bền vững rất cao, vì tận dụng 2 đối tượng trong một hệ sinh thái. Con tôm sống trong môi trường nước mặn mùa nắng, đến mùa mưa những thức ăn thừa, chất thải của con tôm dùng để làm phân cung cấp cho cây lúa. Cây lúa sống sẽ hút chất dinh dưỡng, chất dơ của tôm trước đó để phát triển. Như vậy, nông dân vừa có tôm, vừa có lúa và hệ sinh thái rất bền vững.

Thực tế, nhiều nông dân cũng cảm thấy làm 1 vụ lúa kết hợp với 1 vụ tôm bền vững hơn là chuyên tôm quanh năm. Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận rằng, khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ năm 2000 đến nay hầu như sản xuất tôm - lúa của ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng chưa phát triển xứng tầm. Nghĩa là năng suất lúa và tôm vẫn còn bấp bênh.

Tôi cho rằng tiềm năng sản xuất tôm - lúa của Cà Mau là rất lớn, những tác động của khoa học - kỹ thuật, những kinh nghiệm của nông dân và chính sách hỗ trợ của Nhà nước được vận dụng hài hoà, chặt chẽ, bài bản thì sẽ có bước đột phá mang tính bền vững cho mô hình này.

- Việc kiến thiết lại đồng ruộng mà Dự án “Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác tôm - lúa ở ĐBSCL, Việt Nam” đang triển khai tại xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước được thực hiện như thế nào, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo: Tôi thấy có 2 việc, với tôm, chúng ta đào mương xung quanh, đắp bờ bao, để trảng ở giữa trồng lúa, nuôi tôm. Mô hình này đào thêm ao trong ruộng lúa. Với diện tích từ 1.000-2.000 m2 tuỳ theo diện tích đất và điều kiện kinh tế của người nông dân, ao này được thiết kế với công dụng ương tôm thay vì thả tôm ra ruộng với con post quá nhỏ, dẫn đến hao hụt, tỷ lệ sống thấp.

Ương tôm được 1 tháng sau đó thả ra ngoài nên tỷ lệ tôm đạt đầu con, ít bị địch hại, tôm tăng trưởng tốt hơn. Với ao này, nông dân ương nhiều đợt và thả ra nhiều đợt, thu hoạch nhiều đợt thì chắc chắn thu nhập không đứt mạch.

Song song đó, ngoài việc ương tôm, nước nuôi trong mô hình quảng canh lại là nguồn nước chứa cung cấp cho ao ương này. Đồng thời, nước xả ra từ ao ương cho ruộng nuôi quảng canh cải tiến, không xả trực tiếp ra tự nhiên là một nguồn phân bón phục vụ cho sản xuất vụ lúa. Nếu như người nông dân sản xuất lúa - tôm ở Cà Mau thực hiện quy trình này chắc chắn môi trường bên ngoài rất tốt.

Về cây lúa, hiện tại chúng tôi đang kết hợp với Viện Lúa ĐBSCL có chuyến khảo nghiệm một số giống lúa chịu mặn và đã có một vài giống lúa thích nghi với điều kiện độ mặn, thổ nhưỡng, tự nhiên ở Hoà Mỹ.

- Xin tiến sĩ cho biết, hiệu quả, năng suất của cả lúa và tôm nếu sản xuất theo cách này?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo: Theo dự án được Chính phủ Úc tài trợ, chúng tôi thiết kế lại đồng ruộng, lịch thời vụ một lần nữa. Một trong những điểm mới của dự án này là ngoài ao mà nông dân dùng để ương tôm, chúng tôi cùng với nông dân thảo luận có thể trong điều kiện của từng nông hộ mà thiết kế thêm ao chứa nước. Như vậy, chúng ta có ao trữ nước, có ruộng nuôi tôm và 1 ao ương tôm.

Trong điều kiện dịch bệnh nhiều, sẽ đưa nước vào ao trữ rồi từ ruộng cấp lại cho ao ương, từ ao ương đưa nước thải ra ruộng, rồi từ ruộng đưa nước thải vào ao lắng trước khi đưa ra ngoài. Như vậy môi trường ao nuôi, ương và trồng lúa ổn định.

- Những công việc nào cần đẩy mạnh để sản xuất tôm - lúa được bền vững về năng suất trong thời gian tới, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo: Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Thuỷ sản II đưa ra lịch thời vụ từ tháng 1 đến tháng 7 dương lịch tiến hành ương và nuôi tôm sú. Ương trong ao, nuôi tôm sú trong ruộng, hộ nào có điều kiện thì nuôi theo hình thức bán công nghiệp ở ao ương.

Và sau khi thu hoạch toàn bộ sẽ xả thải nước mặn ra ngoài và bắt đầu tích chứa nước ngọt trở lại, sau đó chuẩn bị cho nuôi tôm càng xanh. Như vậy, nông dân không lo là không có thu nhập trong khoảng thời gian dài phụ thuộc vào tôm sú.

Như vậy, ở thời điểm này trong ao có nước ngọt, có tôm càng xanh và trồng lúa. Bên cạnh đó, trong ao ương còn lại nông dân có thể nuôi một số cá có giá trị kinh tế khác như cá thác lác cườm, cá chẽm…

Một lưu ý là khi môi trường chỉ có nước ngọt thì tôm càng xanh phát triển tốt, mầm bệnh của tôm sú bị cắt đứt từ đây, lúa có đủ nước ngọt kể cả khi có nắng cục bộ cùng với kết hợp giống lúa chịu mặn tốt của Viện lúa ĐBSCL kết hợp thực hiện trong dự án này thì tin chắc rằng năng suất lúa sẽ tăng lên.

- Xin cảm ơn tiến sĩ!.


Kỹ Thuật Nuôi Cá Chạch Bùn (Chạch Đồng) Kỹ Thuật Nuôi Cá Chạch Bùn (Chạch Đồng) Oxfam Kêu Gọi Thúc Đẩy Sinh Thái Nông Nghiệp Oxfam Kêu Gọi Thúc Đẩy Sinh Thái Nông…