Ứng Dụng Khoa Học Kỹ Thuật Vào Đồng Ruộng: Nâng Cao Thu Nhập Cho Nông Dân
Vụ Xuân này, Trung tâm Khuyến nông thành phố bắt đầu đưa vào trình diễn máy cấy lúa bốn hàng của hãng Kubota tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa. Sau khi chứng kiến các kỹ sư của Công ty Kubota vận hành máy cấy, tạo ra những hàng lúa thẳng tắp, chị Trần Thị Trạm, thôn Lưu Khê không giấu nổi sự ngạc nhiên: "Cấy bằng máy, hàng lúa thẳng và đều hơn cấy tay. Đặc biệt, chiếc máy chỉ nặng 160kg, chị em phụ nữ có thể điều khiển một cách dễ dàng".
Theo HTX Nông nghiệp Lưu Khê, vụ Xuân 2012, toàn thôn gieo cấy 114ha, chủ yếu giống lúa chất lượng cao. Trong đó 50% diện tích đồng ruộng thích hợp cho việc ứng dụng máy cấy. Ông Chu Văn Biểu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Lưu Khê cho biết, trong vụ này, HTX sẽ thí điểm 5ha cấy bằng máy, tập trung ở các chân ruộng phẳng, thủy lợi tốt. Để ứng dụng kỹ thuật này, xã đã tổ chức cho bà con xã viên tham quan học tập mô hình thực tế tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Chiếc máy cấy sử dụng mạ gieo trên khay, khoảng 7 khay mạ/sào, tốc độ cấy đạt 0,77m/s. Ông Lưu Văn Hải, Trưởng phòng Kinh doanh miền Bắc của Công ty Kubota cho biết, một người cấy tay chỉ được 1 sào/ngày nhưng cấy bằng máy có thể đạt công suất 22 - 27 sào/ngày. Hơn nữa, ưu điểm của công nghệ này là khoảng cách giữa các hàng lúa được thiết kế 30cm, tạo hiệu ứng đường biên, giúp cho ánh sáng và gió khuếch tán tốt, cây lúa sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Cùng với đó, giảm được giá thành sản xuất bởi hiện nay giá thuê nhân công cấy khoảng 170.000 đồng/sào nhưng chi phí mạ và thuê máy cấy chỉ khoảng 100.000 đồng/sào.
Hỗ trợ để nhân rộng
Lâu nay, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa mới chỉ dừng lại ở khâu làm đất, gặt đập. Còn trong khâu gieo cấy mới có máy gieo sạ thẳng hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, với đặc thù đồng đất và tập quán thâm canh ở các tỉnh phía Bắc, việc ứng dụng máy cấy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn gieo sạ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ, để đẩy mạnh ứng dụng máy cấy vào sản xuất, cần có cơ chế hỗ trợ cho người nông dân. Bởi kinh phí đầu tư cho phương thức này không nhỏ (khay gieo mạ khoảng 40.000 đồng/chiếc, máy cấy 95 - 100 triệu đồng/chiếc).
Trước đề xuất của nhiều địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Đào Duy Tâm đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông thành phố nhanh chóng xây dựng cơ chế hỗ trợ người nông dân mua sắm máy móc. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, trực tiếp là Công ty Kubota cùng đồng hành bằng cách giảm giá thành sản phẩm và hỗ trợ bán máy cấy theo phương thức trả chậm cho người nông dân. "Để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất lúa với diện tích trên 90.000ha của thành phố đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn để hỗ trợ cho người dân và các HTX" - ông Tâm nói.
Cơ giới hóa là xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Qua đánh giá mô hình cơ giới hóa đồng bộ tại 4 xã trên địa bàn thành phố năm 2011 cho thấy, thực hiện cơ giới hóa mang lại hiệu quả lớn và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Dự kiến, trong vụ Xuân 2012, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ triển khai thí điểm ứng dụng máy cấy tại một số địa phương làm cơ sở nhân rộng ra trong các vụ tới.
Gieo mạ trên khay cùng với việc sử dụng máy cấy giúp tiết kiệm được 50% chi phí mạ. Ưu điểm của mạ khay là dễ chăm sóc, vận chuyển, hạn chế sâu bệnh. Hơn nữa, rễ cây được đảm bảo, nhanh bén và sinh trưởng tốt sau khi cấy. Hàm lượng đạm giữ lại trong gốc mạ khay cũng cao hơn mạ nhổ 1,5 lần.
Ông Nguyễn Mạnh HồngChủ cơ sở sản xuất mạ khay Phú Thanh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ